Nguyễn Trọng Vĩnh
Sau vụ chính quyền huyện Tiên Lãng cưỡng chế thu hồi trái pháp luật đầm nuôi thủy sản và tước đoạt tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, nhiều vị đã viết bài yêu cầu sửa luật đất đai để cho người nông dân có quyền tư hữu ruộng đất. Tôi rất đồng tình với các vị, xin nêu thêm vài ý kiến sau đây:
Hiến pháp và luật đất đai ghi: “đất đai là sở hữu toàn dân…”. Thực tế là không một người dân nào được sở hữu dù 1m2 đất, kể cả người có ruộng đất do tổ tiên, ông cha để lại cũng bị tước mất quyền sở hữu. Rốt cục là quyền về đất đai chỉ do các cấp chính quyền “nhân danh Nhà nước” nắm và thao túng. Vì thế đã phát sinh biết bao nhiêu tệ hại và tiêu cực.
- Chính quyền thu hồi ruộng đất của nông dân làm cho họ mất tư liệu sản xuất, sống vật vờ, để cấp cho các nhà đầu tư địa ốc thu lãi kếch xù. Đền bù cho nông dân 500.000đ / m2 , sau đó nhà đầu tư xây nhà cao tầng, hoặc chia lô, bán đất đã lên đến 10 triệu, 20 triệu hoặc hơn nữa 1m2. Trong “siêu lợi nhuận”đó quan cấp đất ắt cũng có phần. Bất công! Hàng nghìn người dân uất ức khiếu kiện liên miên cũng từ đó.
- Các cấp chính quyền kể cả một số cấp xã bán đất, nói là để thu cho ngân sách, nhưng trong đó cũng có thu lợi cho bản thân, tham nhũng làm giàu. Dân nói các quan “ăn đất” nên mới nhanh giàu sụ.
- Có những quan có nhiều nhà đất nơi này, nơi kia, chỗ thì đứng tên anh vợ, chỗ thì đứng tên em, chỗ lại đứng tên bà chị họ, v.v. Nếu cứ theo lương thì người có chức quyền cao nhất cũng không mua được nhà, đất.
- Theo luật, chính quyền cấp tỉnh, thành phố có quyền thu hồi đất. Nếu thu hồi đất để xây dựng những công trình công ích hoặc làm khu công nghiệp thật cần thiết, có thực chất, có hiệu quả kinh tế cho đất nước là đúng. Nhưng tỉnh, thành nào cũng dùng quyền thu hồi đất để làm những việc không thiết thực như kiểu “khu công nghiệp bỏ hoang, cỏ mọc” hoặc hàng trăm “sân gôn” chỉ phục vụ một số rất ít người… kết quả là mất rất nhiều đất, có cả những “bờ xôi ruộng mật”!
- Trước khi lên làm chủ tịch, lãnh đạo các cấp, thường thì ai cũng đã có nhà ở quê, ở thị trấn, thành phố, nhưng vì được nắm quyền về đất đai, nên nhiều cấp vẫn chia lô phân đất cho nhau. Ngay ở Trung ương cũng có tình hình như thế. Trên Hồ Tây cũng phân những suất đất rồi bắt thăm, vị nào trúng lô nào thì được nhà nơi ấy. Đơn cử việc liên quan đến nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Ông Mạnh tài đức công lao gì mà cũng được phân 850m2 đất Hồ Tây giá bao nhiêu tỷ để xây dinh thự, trong khi ở huyện Na Rì, Bắc Kạn ông đã có nhà cửa đường hoàng, vườn hoa, cây cảnh! Người nghèo, người công nhân thu nhập thấp không mua nổi một căn nhà “giá rẻ” khoảng 200 triệu đồng.
Tóm lại:
Do chính quyền nhân danh Nhà nước được quyền thao túng đất đai, gây bất công, uất ức cho người dân, bất công, uất ức tích lũy đến một ngày nào đó bùng nổ khắp nơi, hậu quả sẽ khôn lường.
Đất đai cũng là môi trường cho những người nắm quyền tham nhũng, làm mất lòng tin của dân đối với Đảng và Chính phủ.
Do cho kinh doanh địa ốc quá nhiều, xây dựng khu đô thị mới quá sự cần thiết, nhà cao tầng thừa ế, phát triển sân gôn, khu công nghiệp không thiết thực, nước ta mất rất nhiều đất canh tác. Do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, tương lai nước ta mất khoảng 10% đất. Hàng loạt đập được xây dựng trên thượng nguồn, như đập Xayaburi trên sông Mê Kông, khiến vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long của nước ta sẽ nhiễm mặn. Thế mà dân số thì sẽ phát triển đến 100 triệu người hoặc hơn. Nếu không tiết kiệm đất ruộng tương lai sẽ khó bảo đảm an ninh lương thực.
Sửa điều “đất đai là sở hữu toàn dân” trong Hiến pháp và luật đất đai để công dân được quyền tư hữu ruộng đất và hạn chế bớt tham nhũng, tiêu cực, là một việc nên sớm được thực hiện.
N. V.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét