Pages

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Kẻ nào bán đất đai của cha ông thì chắc chắn kẻ đó sẽ mạt vận !

Mai Tiến Nghị

Bà có 2 con trai, nhỉnh hơn mình vài tuổi. Còn ông chồng thì chết đã lâu.
Ngày cải cách ruộng đất, gia đình nhà bà được xếp là cố nông, lại tích cực đấu tố “địa chủ phong kiến, tay sai đế quốc sài lang”, nên thuộc diện thành phần cốt cán của “cuộc cách mạng vĩ đại đổi đời để dân cày có ruộng”.
Vậy là bà Rao được chia 5 sào ruộng, lại được chia “quả thực” là một nửa cái nhà ngói của địa chủ Tiếm.
Ông Tiếm bị quy địa chủ bóc lột vì nhà có 2 mẫu ruộng, 1 con trâu. Ông cày ruộng, bà làm hàng xáo. Thỉnh thoảng lúc thời vụ cũng phải thuê người làm.
Thuê người làm là bóc lôt. Điều ấy được khẳng định một cách hùng hồn từ Trung ương tới địa phương.
Vậy ông Tiếm là “kẻ thù của giai cấp”.

Chưa hết, lúc có tiền ông Tiếm còn mua được chức Lý Cựu (Cựu Lý trưởng)… nhưng thực ra ông chưa được làm Lý trưởng ngày nào.
Không đương mà cựu là như thế – chức mua mà!.
Chả là ngày xưa Hội đồng Hương thôn bán chức công khai, để lấy tiền sửa lại cái đình làng.
Chức Lý cựu chỉ để lấy oai chứ chả có quyền hành gì.
Nhưng: Có chức sắc thời phong kiến, ắt hẳn là tàn tích của chế độ phong kiến, là kẻ thù của chế độ mới… Đáng để loại trừ.
Ông Tiếm mất nhà, mất đất… ngậm ngùi dẫn vợ con ra cuối làng làm cái lều ở tạm.
Bụng bảo dạ: “Cũng còn may không bị án tử hình!”.
Bà Rao lên đời. Ở nhà ngói. Vênh vang lắm.
Bà nói bằng giọng người ở tỉnh, bảo với các con: “Mẹ con ta từ lay xa dời con cua dốc” (Cua rốc là cua đồng – ở quê tôi vẫn gọi thế)
Ruộng bà để cỏ mọc. Vì lười nên dù có vào Tổ đổi công nhưng chẳng ai người ta làm cho.
Được ít hôm bà bán nhà, bán đất vừa được chia. Nhiều tiền lắm.
Mấy mẹ con bồng bì ra cắm đất ngay cạnh cái lều chỗ ông Tiếm đang ở.
Ông bà Tiếm hùng hục quật lập đào bới san lấp… được độ sào đất, tưởng yên thân; thì bà Rao nhảy đến ở ké.
Ông kêu toáng lên, đưa đơn Ủy Ban Hành chính giải quyết.
Nhưng bà Rao còn kêu to hơn. Bà kể lể: Tham gia cách mạng Cải cách ruộng đất. Bà là người có công lôi bọn bóc lột ra ánh sáng…
Ủy ban thương bần cố nông nghèo khổ, lại là tầng lớp cách mạng tiềm tàng. Vả lại đất ông Tiếm đang ở tự dưng thành đất có tranh chấp.
Đã có tranh chấp thì chia đôi, bên nào cũng có phần là yên chuyện.
Ông Tiếm lại mất đất lần nữa. Ông phải chia đôi mảnh đất của mình vừa quật, lập cho bà Rao một nửa.
Bà Rao lại có đất ở, lại có nhiều tiền bán đất bán nhà ngày xưa của chính địa chủ Tiếm.
Mấy mẹ con sống sung sướng lắm.
Ngày ngày, thằng cu Thìn con thứ hai, bê cái nồi đất đi mua phở ở ngoài đầu đường quốc lộ. Ba mẹ con xì xụp húp phở… mùi nước phở thơm lừng.
Cả đời ông địa chủ Tiếm cũng chưa biết đến cái bát phở nó như thế nào.
Nhưng cái mùi phở thơm lừng làm cả nhà ông chỉ biết nghênh mặt hướng về nhà bà Rao bần cố nông, hít hít mũi tưởng tượng và… nuốt nước bọt.
Ông Tiếm lụi cụi biết thân biết phận kẻ thù giai cấp nên chẳng dám ho he. Ruộng còn vài sào chó ỉa, ông giao cho bà vợ. Còn ông đi làm thợ mộc.
Ngày xưa, làm thợ mộc thường được chủ nhà mời ăn cơm trưa.
Ông Tiếm làm cho người ta, nhưng bữa cơm trưa ông không uống rượu, chỉ mỗi bữa 3 bát cơm (kể cả cơm độn cũng 3 bát), chỉ 1 con tôm kho, 1 ít rau và lưng bát nước rau hoặc canh. Thế là xong bữa.
Khác hẳn những ông thợ khác ăn uống bê tha, sáng giũa cưa trưa mài đục…
Ông Tiếm làm rất chăm chỉ, đẫy ngày đẫy buổi.
Buổi tối hôm trước ông ngồi giũa cưa, mài chàng đục sắc lẻm sáng loáng.
Sáng đến nhà chủ là làm ngay.
Ông làm ra sản phẩm vừa chắc vừa đẹp, tiền công vừa phải.
Thành thử ông là thợ mộc có uy tín. Quanh năm không hết việc.
Bà Tiếm cùng các con cắm mặt mò cua bắt ốc, chăm vài sào ruộng chó ỉa được chia lại (vì thành phần không được vào Hợp tác xã). Lúa tốt. Hợp tác xã ghét lắm nhưng đành chịu.
Dần dà kinh tế cũng khá lên. Người ta đồn ông mua một cái soong nhôm 4 đồng 2 hào, cho tiền vào đấy lấy dây thép ràng lại.
Nhà ông lại càng bị ghét vì…giầu. Các con học hành tử tế nhưng chẳng được đi đâu ngoài việc đi bộ đội.
Năm 1976 – người chủ mua đất quả thực của bà Rao đi kinh tế mới.
Ông Tiếm phá cái soong 4 đồng 2, đếm tiền mua lại miếng đất cha ông với giá 4.500 đồng.
Hôm nhận đất, ông cùng vợ con thắp hương giữa sân khấn vái Tổ tiên, đã phò trợ cho vợ chồng con cái 20 năm “bòn gio đãi sạn” nuôi chí bền, để hôm nay lấy lại được mảnh đất cha ông.
Ấy là nhờ bề trên khôn thiêng phù hộ.
Ấy là điềm nhà vẫn còn sự hưng vượng.
Rồi ông khóc. Vợ con ông cũng khóc.
Mà đúng số ông may thật vì chỉ ít lâu sau đổi tiền: 10 ăn 1.
Với số tiền ấy nếu có cũng chỉ mua được vài con gà. Đấy là nói về sau này.
Lại nói về mẹ con bà Rao, thời mới bán đất ăn chơi được mấy tháng rồi cũng hết tiền. 2 anh con giai là Mão và Thìn lồng ngồng là Đoàn viên, nhưng chẳng chịu đi làm nên không có công điểm HTX. Dẫu vậy vẫn được HTX chia thóc điều hòa. Thóc điều hòa chỉ ăn vài tháng là hết. Rút cuộc lại đói vẫn hoàn đói.
2 tay con giai bỏ đi đâu không biết. Bà mẹ ở nhà lại đến từng nhà xin bòn từng cái lá rau già, lại mò mẫm cua ốc ngoài đồng…
Vài năm sau thì bà Rao mất. Hai ông con giai về lại gạ bán đất cho ông Tiếm.
Ông Tiếm bảo mua. Nhưng con ông Tiếm không đồng ý.
Mặc dù các con ông giống tính ông bà chăm chỉ tằn tiện, chịu khó bươn chải nên bây giờ giầu có lắm rồi. Họ bảo không mua.
- Đất của gia đình ta quật lập, bây giờ lại phải bỏ tiền ra mua là cớ làm sao?
Ông Tiếm bình tĩnh bảo:
- Vì đấy là đất của nhà ta nên bằng mọi giá ta phải lấy về. Giữ được đất thì nhà mới thịnh. Cứ nghiệm mà xem: Kẻ nào bán đất đai của cha ông đi thì chắc chắn kẻ ấy mạt vận ngay. Vua chúa cũng vậy thôi! Các con cứ giở sách sử mà xem, cấm có sai một mảy!..
Các con ông nghe ra. Gia đình ông mua lại mảnh đất của chính mình mà ngày xưa bà Rao chiếm dụng.
Bây giờ thì ông lại giầu nhất làng mặc dù ông đã già lắm rồi, móm hết cả răng.
Có người dọa ông Tiếm: “Không khéo lại bị quy địa chủ lần nữa!”.
Ông cụ chả nói gì… Móm mém cười…
Vừa rồi lại nghe nói chỗ đất nhà ông cụ Tiếm lại bị đưa vào diện quy hoạch. Nhà nước đang chuẩn bị thu hồi cho doanh nghiệp.
Tôi hỏi chuyện đó có thật không. Ông cụ Tiếm chả nói gì… mắt nhênh nhếnh nước, hấp háy nhìn… Rồi thở dài.
——————————————
* Tiêu đề bài viết do MTH đặt lại.
Theo: Blog MTH

Không có nhận xét nào: