Các ngân hàng mạnh tay “dâng” xe, tặng quà cho khách hàng để hút vốn về mình nhưng vẫn thờ ơ với “tiếng thở dài” đói vốn của doanh nghiệp.
Ngân hàng tung chiêu đặc biệt
Sau khi trần lãi suất về mức 12%, các chương trình khuyến mãi
lại mọc lên như nấm sau mưa. Tung “Khuyến mãi lớn – Siêu giải thưởng”, ngân hàng
TMCP Đại Á cho biết, chỉ cần gửi từ 5 triệu đồng hoặc 200 USD trở lên sẽ nhận
một thẻ cào may mắn trúng ngay các giải thưởng bằng tiền mặt và IPad. Ngoài ra,
khách hàng còn được nhận thêm mã số dự thưởng để tham gia quay số trúng thưởng
vào cuối kỳ nhằm tìm ra chủ nhân may mắn là ô tô Honda Civic, xe máy Piaggio
Liberty…
Không những chăm sóc cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp gửi
tiền cũng đang là đối tượng nằm trong tầm ngắm của khách hàng. Ngân hàng Đầu tư
và Phát triển Việt Nam tổ chức quay số mở thưởng chương trình Tiền gửi dự thưởng
dành cho khách hàng là tổ chức tài chính, các doanh nghiệp trong và ngoài nước
đợt 1/ 2012 với giải đặc biệt là chiếc ôtô Toyota Camry 3.5Q.
Thông thường trong hệ thống ngân hàng, số dư tiền gửi từ tổ
chức nhiều hơn từ khu vực dân cư, 70- 80% nguồn thu là từ các tổ chức. Tuy
nhiên, tiền gửi từ khu vực dân cư lại ổn định hơn vì tiền gửi cá nhân là nhàn
rỗi. Còn tiền gửi từ tổ chức, doanh nghiệp (DN) mặc dù lớn hơn nhưng dòng tiền
lại luân chuyển thường xuyên qua các kênh đầu tư khác. Trong bối cảnh cào bằng
lãi suất, ngân hàng mạnh tay vung tiền khuyến mãi chăm sóc mọi đối tượng gửi
tiền.
Trước buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hạ lãi suất
cơ bản ngày 11-4, NHNN đã có cuộc họp với 14 NH lớn. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn
Bình khẳng định vẫn còn NH lách trần lãi suất với thủ đoạn hết sức tinh vi và
không dễ phát hiện.
Thờ ơ với tiếng kêu “đói” của doanh nghiệp
Diễn ra tình trạng lách trần là do trong thời gian qua một số
NH sợ mất thanh khoản, phải huy động tiền gửi bằng mọi giá để tránh không bị
giảm thị phần trên thị trường.
Theo T.S Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, diễn ra cảnh “đi
đêm” là do chủ trương hạ lãi suất ra quá nhanh, nhiều NH chưa kịp chuẩn bị,
thiết kế các mức lãi suất phù hợp, nên đâu đó vẫn còn tình trạng thực hiện chưa
nghiêm. Hơn nữa, để lãi suất NH về đúng bản chất cũng cần một độ trễ chính sách
nhất định.
Tuy nhiên, trước khi chờ được “giá vốn về đúng quy luật”, thì
thị trường đang diễn ra nghịch cảnh: NH chỉ chăm chăm hút vốn về mình nhưng lại
thờ ơ giải vốn; mạnh tay chi tiền khuyến mãi nhưng rụt rè bơm tiền lãi suất thấp
cho doanh nghiệp. Nhiều NH lớn nhỏ tung chiêu khuyến mãi nhưng số lượng NH cam
kết cho vay tiền ưu đãi chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Từ đầu tháng 2-2012 đến nay hiện tượng doanh nghiệp “thiếu máu”
đã bắt đầu đậm nét và ngày càng trầm trọng. Tới nay, vẫn chưa thấy có dấu hiệu
cải thiện. Liên tiếp các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng
khoán báo lỗ, nằm trong diện cảnh báo; khoảng 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng
hơn nửa số làng nghề trên cả nước hầu như bị tê liệt vì lãi suất cao và khó tiếp
cận nguồn vốn ngân hàng. Các chuyên gia kinh tế còn khẳng định, số lượng doanh
nghiệp thua lỗ, phá sản sẽ còn tăng mạnh nếu lãi suất cho vay vẫn ở mức trên
dưới 17%/năm – tức cao hàng đầu thế giới – như hiện nay. Với mức lãi suất cho
vay như hiện nay hầu như không có doanh nghiệp nào dám liều lĩnh vay vốn. Trong
tình hình vốn mới không tiếp cận được, vốn cũ khó quay vòng, thì doanh nghiệp
khó tích lũy thặng dư để tiếp tục phát triển. Đại diện công ty TNHH Long Châu –
chuyên phân phối thiết bị điện máy điện lạnh khẳng định, doanh nghiệp thờ ơ với
vốn bởi quá trình đi vay vốn quá khó.
Nút thắt lợi ích: kẻ cười – người khóc
Đã đến lúc nói về câu chuyện công bằng và trách nhiệm xã hội
của các NH trong mối quan hệ với các doanh nghiệp khác.
Chênh lệch lãi suất đầu vào (12%) và đầu ra (17 -19%) của các
NH trong thời gian qua, và hiện nay vẫn đang rất cao. Sự chênh lệch này mang lại
những món lợi siêu khủng hàng ngàn tỷ đồng, kéo theo mức lương, thưởng trung
bình cao. Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố giữa tháng
1-2012 cho thấy, với viên chức quản lý, cán bộ ngành NH, tài chính, bảo hiểm
được trả lương cao nhất, trung bình gần 16 triệu đồng/người, gấp 1,5 lần so với
công nghiệp khai thác, chế biến và gấp đôi ngành xây dựng. Mức lương “khủng” là
một chuyện, nhiều NH còn liên tiếp mở rộng quy mô hoạt động trong khi các doanh
nghiệp thuộc các ngành khác thì phải co hẹp, thậm chí phải giảm nhân công, đình
đốn, tê liệt.
Ông Lê Quốc Phương, Phó Trưởng ban Phân tích dự báo, Trung tâm
Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) khẳng
định, thời gian vừa qua NHNN đã áp dụng những biện pháp hành chính để giảm lãi
suất đầu vào, tiến tới giảm lãi suất đầu ra. Tuy nhiên lại không được như mong
muốn. Doanh nghiệp vẫn đang phải vay lãi suất quá cao, tăng trưởng tín dụng âm
cho thấy tiền vẫn ở trong túi NH.
Nghịch lý kinh doanh, lợi nhuận đang diễn ra giữa ngành NH và
một số ngành kinh doanh sản xuất khác. NH được quá nhiều (lãi suất huy động hạ),
nên buôn bán vốn lòng vòng còn khối doanh nghiệp sản xuất thì được ít. Lợi ích
nhóm NH quá mạnh khiến cho doanh nghiệp trở nên nghẹt thở, mất khả năng cạnh
tranh, nguy cơ thu hẹp sản xuất, tạo sức ép xã hội tăng cao đang ngày một đậm
nét…
T. H.
Theo: daidoanket.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét