“Nhưng hiện nay, chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng, làm cho quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ”.
Năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ nhấn
mạnh: “Cũng như sông, có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây
phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có
đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy, cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải
phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình
không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi
việc gì?”.
Cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, miền Bắc bước vào công
cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác Hồ đã sớm nhận thấy nguy cơ của bệnh quan
liêu, xa rời quần chúng và ngay từ năm 1958, Người chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng là
hòa mình với quần chúng thành một khối”. Người đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải
“tin vào quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Từ lời
nói đến việc làm cán bộ, đảng viên phải làm cho dân tin, dân yêu, dân phục, đoàn
kết chặt chẽ xung quanh Đảng, tổ chức tuyên truyền và vận động quần chúng hăng
hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng …”.
Bác Hồ cho rằng: “Đảng viên là người thay mặt Đảng, đại biểu
cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động”. Do đó, “đảng viên phạm
sai lầm thì sẽ đưa quần chúng đến chỗ sai lầm, nhưng hiện nay, chủ nghĩa cá nhân
đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần
chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Kết quả là
quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm
nên trò trống gì”.
Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến việc đảng viên phải thường xuyên
học tập nâng cao trình độ mọi mặt vì “cách mạng tiến lên mãi, đảng viên tiến lên
mãi, cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi”.
Điều quan trọng nhất là cán bộ, đảng viên phải coi trọng việc
rèn luyện trong thực tiễn cuộc sống, Bác dạy: “Đạo đức cách mạng không phải từ
trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày, mà phát triển
và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Theo
Bác Hồ, phương pháp tốt nhất để rèn luyện, để tiến bộ là “khéo dùng cái vũ khí
sắc bén phê bình và tự phê bình”. Bác nhận xét, có những đảng viên “kiêu ngạo,
công thần, tự cao, tự đại”. “Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê
bình họ, không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm
chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý
kiến của quần chúng, họ xem khinh những người cán bộ ngoài Đảng”.
Vấn đề có tính nguyên tắc và là điểm xuất phát mà Bác Hồ lấy
làm chuẩn mực cho đạo đức người cán bộ, đảng viên là quan điểm: “Nước lấy dân
làm gốc”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Từ đó, Bác thường xuyên căn
dặn cán bộ, đảng viên: “Phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước
quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải thật
sự tôn trọng quyền làm chủ nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách
mạng” ra lệnh ra oai… Phải khiêm tốn gần gửi với quần chúng, không được kiêu
ngạo, phải thật sự cầu thị, không được chủ quan. Phải thật thà ngay thẳng, không
được giấu dốt, giấu khuyết điểm sai lầm. Phải luôn chăm lo đến đời sống của quần
chúng. Phải “chí công vô tư” và có tinh thần “lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên
hạ”.
Đối với đảng viên là cán bộ lãnh đạo, Bác nêu rõ một số điều
cần thực hiện: “Phải hết lòng tôn trọng tập thể, phát huy dân chủ nội bộ; tuyệt
đối không được độc đoán cá nhân, tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình
đứng ngoài kỷ luật. Càng có công lao, càng phải khiêm tốn. Chớ vì có ít nhiều
công lao mà sinh bệnh công thần, kèn cựa, địa vị… Đối với Đảng đối với dân,
chúng ta có một nghĩa vụ vẻ vang: Suốt đời làm người con trung thành của Đảng,
người đầy tớ tận tụy của nhân dân”.
Tuy nhiên, vẫn còn một số không ít cán bộ đảng viên lợi dụng
chức quyền, sa sút phẩm chất, chỉ biết thu vén cho bản thân, cho gia đình mình.
Bác chân thành phân tích tệ đặc quyền, đặc lợi: “Con cháu mình là ai? Con cháu
mình là tất cả, là thanh niên Việt Nam. Chứ không phải như thời phong kiến: Cha
làm quan, con là “cậu ấm”. Con mình xấu thì đề bạt sao được. Đảng là Đảng của
giai cấp, của nhân dân, của thế giới, chứ không riêng cho con cháu mình. Bất kỳ
ai, có khả năng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu cách mạng là phải dùng. Vì Đảng
ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư thiên vị.
Đảng không lo riêng cho một đồng chí nào hết, Đảng lo việc cho cả nước…”.
Trong giai đoạn hiện nay, tình trạng suy thoái về chính trị, tư
tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn liền
với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng. Trước những nguy cơ,
thách thức này, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần
đoàn kết, thống nhất, kỷ luật trong Đảng theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Bất
cứ trong hoàn cảnh nào, phải biết hy sinh vì lợi ích của Đảng, vì tiền đồ, sự
nghiệp của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay, nếu thực sự tâm huyết, thiết tha
với Đảng, muốn thực sự góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của
Đảng, phải nghiêm túc thực hiện lời căn dặn chí tình, chí nghĩa của Chủ tịch Hồ
Chí Minh về đạo đức cách mạng đối với người cán bộ, đảng viên.
Sự nghiệp đổi mới đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày
càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự gương mẫu, tiên phong trên mọi lĩnh vực của
đời sống xã hội, phải thấm nhuần đạo đức cách mạng và nêu gương về đạo đức theo
tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì mới giữ vững niềm tin của nhân dân về sự lãnh
đạo của Đảng.
Theo: TVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét