Pages

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Mặt trận không bao giờ “cúp máy” trước nhân dân

“Ngay hôm kia, hơn 100 người dân Văn Giang, Dương Nội đã đến Mặt trận. Tôi xin nói thật, cứ nhìn thấy nhiều người đến Mặt trận là tôi lại rất buồn, đây là nỗi buồn chung của những người làm công tác Mặt trận. Buồn vì sự bất lực”  Phó Chủ tịch Mặt trận, ông Nguyễn Văn Pha trao đổi với Lao động quanh chủ đề “Người dân đang nghĩ gì, đang kỳ vọng gì, đang yêu cầu gì”.
Dân không hài lòng khi thuế phí vừa nhiều vừa caoPV: Hồi đầu năm, UBTƯMTTQVN (Mặt trận) đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị gửi nội dung đề án Hạn chế phương tiện cá nhân để tổ chức phản biện. Thưa ông, người dân có ý kiến thế nào về câu chuyện thêm một loại phí giao thông nói riêng và vấn đề thuế phí nói chung?


Ông Nguyễn Văn Pha: Đề án này sau khi được nhiều báo chí đưa tin đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Việc Mặt trận đề nghị Bộ GTVT gửi dự thảo sang để Mặt trận tổ chức phản biện cũng là đúng chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận thôi. Bộ GTVT cũng rất cầu thị, họ đã gửi dự thảo sang. Chúng tôi đã chuẩn bị phân công cho các ban, đơn vị, mời các Hội đồng tư vấn đề phản biện. Nhân đây cũng nói thêm là Mặt trận đang đổi mới mạnh mẽ phương thức phản biện, tức là không chỉ “Mặt trận nói riêng với Mặt trận” đâu, chúng tôi sẽ mời đại diện Bộ GTVT sang thuyết trình dự án để cùng trao đổi, chứ không chỉ nói một chiều và gửi sang văn bản kiến nghị sang như trước. Tuy nhiên, khi được biết Bộ GTVT đã dừng lại để sang 2013 mới trình Quốc hội thì chúng tôi cũng chưa tiến hành phản biện là vì lý do đó. Trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định nếu dự án luật có liên quan đến quyền lợi người dân thì cơ quan soạn thảo phải lấy ý kiến của nhân dân, với tư cách là người bị tác động bởi chính sách. Nhưng trong thực tế, việc lấy ý kiến nhiều trường hợp chưa bao quát hết các đối tượng tác động. Tới đây các cuộc họp phản biện, Mặt trận dự kiến sẽ mời những người dân đến tham gia để được lắng nghe ý kiến của họ.
Về phía người dân, tôi chỉ nói một ví dụ, hồi chúng ta đặt ra câu chuyện cấm xe máy, người dân cho rằng “Cấm xe máy vì những người làm chính sách là những người đi ô tô”. Cần phải nói là người dân không hài lòng về việc thu nhiều loại phí và thu phí cao. Việc thuế, phí gấp bao nhiêu lần so với khu vực đang được tranh luận, nhưng điều quan trọng là phí đó vào NSNN không nhiều như chúng ta mong muốn. Cái đó là thứ ai cũng nhìn thấy. Chính vì thuế, phí quá nhiều, quá cao nên đã sinh ra sự thỏa hiệp giữa người thu và người phải nộp vì lợi ích cá nhân. Và việc trích lại % khoản thu, phạt cho đội ngũ thu phí chính là làm hư hỏng cán bộ.
Chúng ta quyết thế nào, người dân phải chịu như thế, nhưng thực tế có rất nhiều người dân không đủ tiền để đóng phí. Cho nên, tôi thấy đồng cảm với việc người dân không hài lòng với thuế phí quá cao. Chúng ta không nên để tồn tại tư duy đặt ra rất nhiều loại thuế phí để có tiền cho ngân sách mà không nghĩ đến đời sống người dân vốn đang rất khó khăn.
Nhiều cán bộ giờ còn trơ trẽnPV: Trong báo cáo kiến nghị cử tri nhiều năm qua, vấn đề người dân bức xúc, lo lắng và bất annhất là tình trạng tham nhũng đang ngày càng gia tăng làm. Nhưng giờ đây, còn có thêm một nỗi bức xúc khác là sự tha hóa của cán bộ đảng viên? Điều này có liên quan gì đến NQ TƯ 4 về chấn chỉnh Đảng, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Pha: Sự tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên thực ra đã từ nhiều năm nay rồi. Và người dân cũng vẫn biết chứ. Nhưng điều khiến người dân dám nói hơn là do các nghị quyết của TƯ đã nói thẳng, nói thật, nói thay lòng dân. Mấy năm nay, Mặt trận tổ chức giám sát mạnh ở cơ sở theo Pháp lệnh 34 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Giám sát ở cơ sở không có nghĩa là chỉ giám sát cán bộ xã, phường, thị trấn mà chính là việc giám sát cán bộ các cấp, bởi hầu như cán bộ ở cấp nào hết giờ làm việc, ngày nghỉ đều phải về cư trú ở một địa phương, xóm phố cụ thể. Cung cách, nề nếp sinh hoạt của bản thân cán bộ và gia đình, sự đối nhân xử thế với người dân ở khu dân cư chính là việc thể hiện sự gắn bó của cán bộ đối với dân. Dân, vì thế, cũng là người biết rõ nhất sự tha hóa (nếu có) của cán bộ, đảng viên dù anh là ai, ở cấp nào. Giám sát của Mặt trận cho thấy bệnh điển hình của cán bộ, đảng viên là xa dân. Xa dân không chỉ ở việc ban hành những chủ trương, chính sách xa rời thực tế, không phù hợp với lòng dân mà xa dân còn có ngay trong cách cư xử có phần quan cách của cán bộ đối với dân.
Ngày xưa thì cán bộ “chân đất” để 3 cùng với dân. Bây giờ, nhiều khi cái nền gạch men lại là thứ ngăn cản người dân chân đất tiếp xúc với cán bộ. Hay ở nhiều địa phương, tủ sách pháp luật rất to, bề thế với rất nhiều đầu sách quan trọng, thiết thực với đời sống, sản xuất của người dân nhưng ít người dân nào “dám” vào đó xin đọc, xin mượn. Tôi còn nhớ hồi QH cách đây mấy khóa, khi Đoàn Chủ tịch Mặt trận tổ chức hiệp thương để lập danh sách chính thức những người ứng cử, tại biên bản hội nghị cử tri nơi cư trú nhận xét một ứng cử viên là cán bộ cấp thứ trưởng, người dân thẳng thắn phản ánh cả chuyện nhà ông này có hai con chó to quá, mỗi khi người dân hay cán bộ khu phố có việc cần liên hệ thì không dám vào. Cái nền gạch men, con chó buộc cửa nhà cán bộ hay cái tủ sách ở Ủy ban, bảo nhỏ, thì nó là nhỏ, nhưng nếu nhìn ra thì thấy ngay chuyện không nhỏ, là khoảng cách giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân đang lớn dần. Cải cách hành chính của chúng ta vài năm qua có nhiều kết quả tốt nhưng chưa chữa được bệnh xa dân. Người dân có lẽ đã nói đúng: Cơ quan nhà nước càng to lớn, càng hiện đại, càng máy lạnh thì dường như càng xa dân. Ở đây, còn là vấn đề tâm lý của người dân nữa. Họ nhìn thấy đó chính là vật cản, là khoảng cách mà có lẽ chỉ khi bị xâm phạm tới quyền lợi họ mới dám vượt qua “khoảng cách” đó để gặp cán bộ, và khi đó, câu chuyện có khi lại đã là vấn đề kiện tụng rồi.
Tôi thấy không thể phủ nhận câu chuyện cán bộ trẻ giờ đây được học hành bài bản hơn, bằng cấp nhiều hơn, nhưng việc giáo dục quan hệ với dân không tốt, nhiều người nhận thức về mối quan hệ máu thịt giữa cán bộ, đảng viên với người dân chưa tốt. Thậm chí tồn tại tâm lý nghĩ mình là quan, có quyền ban phát, không thèm đếm xỉa xem người dân nghĩ gì và thái độ của mình gây thương tổn gì đến người dân. Pháp luật xa rời thực tiễn, không gắn bó với dân là pháp luật mù. Cán bộ mà không biết chính sách, pháp luật mà mình ban hành tác động với dân thế nào thì làm sao chính sách gần dân, vì dân cho được. Qua báo chí, thời gian gần đây sự hư hỏng về phẩm chất đạo đức của cán bộ bị phản ánh quá nhiều. Thậm chí, xin được nói thẳng, một số cán bộ giờ còn trơ trẽn. Liệu người dân nào có thể chấp nhận được việc cán bộ in chức danh của mình lên thiệp cưới, lên giấy mời đám giỗ; liệu người dân nào có thể tin một thẩm phán đưa vợ người ta vào nhà nghỉ lại nói đấy là để tư vấn cho việc gia đình họ đang rạn nứt… Mà đây toàn là cán bộ đảng viên có chức quyền cả.
Đối với dân, Mặt trận không bao giờ “cúp máy”PV: Thưa ông, vừa rồi người dân Văn Giang, Dương Nội liên tục kéo đến Mặt trận. Vấn đề của họ là gì và Dự thảo luật Đất đai được đưa ra QH lần này liệu có thể chấm dứt được những câu chuyện Văn Giang, Vụ Bản?
Ông Nguyễn Văn Pha: Ngay hôm kia, hơn 100 người dân Văn Giang, Dương Nội đã đến Mặt trận. Tôi xin nói thật, cứ nhìn thấy nhiều người đến Mặt trận là lại rất buồn, đây là nỗi buồn chung của những người làm công tác Mặt trận. Buồn vì sự bất lực. Chúng tôi luôn nghĩ người dân có bức xúc, thiệt thòi thì người ta mới đi kiện. Người nhà quê, một giờ lao động là miếng cơm, không ai bỏ công bỏ việc bỏ thời gian ra để đi kiện như thế. Mặt trận nghèo, có khi còn chẳng có nước cho bà con uống. Chúng tôi rất thông cảm cho bà con, nhưng các kiến nghị của Mặt trận cũng không dễ để được xem xét giải quyết, theo tôi có hai ý: Thứ nhất, những quyết định của các cơ quan liên quan đến vụ việc khiếu nại dường như là đúng quy định pháp luật. Đúng, nhưng vì sao bà con vẫn kiện? Là vì pháp luật đất đai không đúng với thực tế; thế nên người dân bức xúc. Thứ hai, là các cơ quan đã giải quyết rồi, có cảm giác họ cũng không muốn sửa sai do tâm lý sợ khuyết điểm, sợ bị truy cứu trách nhiệm. Một số người còn nói là do lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nên người ta không muốn sửa. Tôi nghĩ, trong một số vụ việc cụ thể, nhận  xét đó cũng không có gì là quá.
Trong khi đó, Mặt trận đâu có quyền xử phạt ai, đâu có quyền kỷ luật ai! Chỉ biết nghiên cứu, tập hợp để chuyển các kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết cho dân và đề nghị thông báo cho Mặt trận biết kết quả. Nhưng rất nhiều nơi không giải quyết, cũng không thông báo. Tôi thường xuyên nhận được điện thoại của người dân đề nghị Mặt trận can thiệp việc này việc kia. Dù Mặt trận không thể can thiệp chuyện đó. Nhưng dù là việc gì thì Mặt trận cũng không bao giờ “cúp máy” trước nhân dân.
Kỳ họp này khá đặc biệt vì QH sẽ bàn thảo nhiều nội dung rất hệ trọng, đó là việc sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng và Đề án lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Riêng về Luật Đất đai, với dự thảo hiện nay, bản thân tôi cũng chưa hài lòng vì thấy một số vấn đề rất lớn mà cơ quan soạn thảo còn lúng túng lắm. Mấy tuần nay, tôi được biết liên tục có các hội thảo khoa học liên quan đến Luật Đất đai không những của cơ quan nhà nước, của một số cơ quan của Quốc hội mà của cả các tổ chức xã hội; ngoài ra còn rất nhiều bài nói, bài viết rất tâm huyết của các nhà khoa học trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rất nhiều kênh phản biện như thế, có điều, các cơ quan nhà nước, cơ quan soạn thảo và đặc biệt là các đại biểu QH, những người sẽ bàn và bấm nút có nghe được hết, có trân trọng được hết các ý kiến đó không để sửa đổi trong luật. Nếu lắng nghe được mọi kênh phản biện như vậy, trên cơ sở lấy ý kiến của công chúng một cách rộng rãi thì hy vọng luật này sẽ phù hợp với thực tế.
TƯ làm không tốt thì không thể làm gương đượcPV : Cũng liên quan đến vấn đề niềm tin, với cương vị Phó Chủ tịch Mặt trận, ông thấy người dân đang suy nghĩ, đang kỳ vọng và đang yêu cầu gì ở việc chấn chỉnh đàng theo NQ TƯ 4?Ông Nguyễn Văn Pha: Việc BCH Trung ương Đảng khóa XI ra NQTƯ 4, và nhất là Hội nghị BCH Trung ương lần thứ sáu của Đảng đang diễn ra đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân, cán bộ, đảng viên. Hầu hết đều đồng tình với những nhận định rất đúng và trúng của NQTƯ 4 và kỳ vọng vào kết quả chỉnh đốn Đảng lần này. Cũng có nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn khi thấy kết quả kiểm điểm theo NQTƯ 4 được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng dường như mọi chuyện không có vấn đề gì và mong muốn được thông báo công khai kết qủa.
Xin trân trọng cảm ơn ôngBox: Với Thủy điện Sông Tranh 2, người dân hoang mang là đúng. Tôi thường xuyên theo dõi vụ này qua báo chí và phản ánh của các cấp Mặt trận tỉnh Quảng Nam. Không chỉ có người dân không đâu, thậm chí nhiều cán bộ chính quyền địa phương cũng còn không tin vào một số kết luận, một số lời hứa vừa qua. Với Thủy điện Sông Tranh 2 chúng tôi đang nghiên cứu để có kiến nghị trong báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri tại kỳ họp QH tới đây. Với Đồng Nai… nếu đủ cơ sở, Mặt trận cũng sẽ có kiến nghị thỏa đáng

Không có nhận xét nào: