Pages

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

”Sốt” thanh khoản ngân hàng đẩy vàng “nội” tăng giá


Từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC liên tục đứng ở mức cao bất chấp giá thế giới nhiều thời điểm giảm mạnh. Điều này đang đặt ra câu hỏi có hay không sự tăng giá bất hợp lý khi mà Ngân hàng nhà nước đã thống nhất quản lý thương hiệu này hơn một năm qua? Và ai đang là người được hưởng lợi từ sự tăng giá bất hợp lý này? 
Vàng Việt Nam “lạc điệu”
Theo Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng miếng đã có hiệu lực từ tháng 6/2012, Ngân hàng Nhà nước được độc quyền sản xuất, dập đúc vàng miếng SJC. Ngoài vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC, các loại vàng miếng khác sẽ phải ngừng sản xuất kể từ sau thời điểm trên.
Giao dịch vàng tại Techcombank. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN). 
Mặt khác, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã từng phát biểu rằng mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 400.000 đồng trở xuống mới là hợp lý và sẽ nỗ lực đưa giá vàng trong nước về gần với thế giới.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, giá vàng SJC luôn bỏ xa vàng thế giới quy đổi trên 2 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý là trong đợt tăng giá cuối tháng Chín và đầu tháng Mười, giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 80 USD/ounce (tương đương 1,6 triệu đồng/lượng) thì vàng trong nước đã nhanh chân tăng từ 2,5 – 3,1 triệu đồng/lượng.
Chính sự điều chỉnh “vênh” nhau này đã khiến vàng SJC liên tục nới rộng khoảng cách so với thế giới và đến thời điểm hiện tại (12/10) đã bỏ xa trên 3 triệu đồng/lượng.
Lý giải cho hiện tượng này, các chuyên gia trong ngành cho hay, đó là do “sốt” thanh khoản vàng từ các ngân hàng thương mại vốn đã trót để trạng thái vàng âm quá sâu. Các ngân hàng huy động vàng của dân rồi mang bán, khi thị trường có biến động, người dân cấp tập rút vàng ra nên buộc các ngân hàng phải mua vào nhiều, khiến giá vàng bị đẩy lên cao.
Thêm vào đó, theo quy định của Thông tư 12 thì đến ngày 25/11, các ngân hàng sẽ không được huy động vàng nữa, chính vì vậy, các tổ chức tín dụng này càng “cấp tập” huy động vàng.
“Hiện một số ngân hàng đang lâm vào thế kẹt, mỗi ngân hàng một lý do nhưng tựu chung lại là do họ đã trót bán vàng quá sâu so với trạng thái âm 20% như quy định, thậm chí, tỷ lệ này ở một số ngân hàng còn cao hơn,” một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói.
Như vậy, có thể nói hoạt động mua gom vàng của các ngân hàng thương mại đã góp phần quan trọng gây nên cơn sốt vàng vừa qua. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu không có sự tham gia của ngân hàng thương mại vào thị trường vàng thì cơn sốt vàng có chấm dứt hay không? Thật khó có câu trả lời chính xác lúc này vì sự tham gia của hệ thống ngân hàng chủ yếu hỗ trợ phía cung hơn là phía cầu. Điều này được chứng minh bởi trạng thái vàng của các ngân hàng luôn âm ở mức lớn.
Đứng ở góc độ khác ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội vàng Việt Nam lại chỉ ra những bất hợp lý của thị trường vàng Việt Nam: Người dân đi mua vàng SJC, nhưng khi đi bán hoặc đổi do cong, vênh (mặc dù vẫn là chính miếng vàng SJC đó), thì lại bị mất phí! Đó là chưa kể, đã là vàng, dù thương hiệu nào thì cũng chỉ là 9999 hay 999, nhưng chính do sự “độc quyền” mà thương hiệu SJC hiện đang bỏ xa các loại vàng thương hiệu khác hàng triệu đồng. Chính vì lẽ đó, một chủ hãng vàng đã từng chua chát nói, nếu “chuyển đổi”, thì dù có tiếc thương hiệu đã gây dựng nhưng doanh nghiệp ông vẫn lời ra hàng triệu đồng một lượng vì được dập “ké” thương hiệu SJC!
Minh bạch để chống đầu cơ
Rõ ràng, doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ là những người được hưởng lợi, cho dù là SJC hay phi SJC. Chính vì vậy mà  bà Trần Như My, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Doji đã “hiến kế”: Ngân hàng Nhà nước nên đẩy nhanh hơn việc chuyển đổi các thương hiệu vàng phi SJC để giảm bớt áp lực cung. Vì hiện nguồn lực vàng từ các thương hiệu này còn khá lớn trong khi người dân khá thờ ơ dù giá khá “mềm” so với vàng SJC.
“Giải pháp này có thể coi là mũi tên trúng hai đích vừa giảm áp lực nguồn cung, vừa tránh lãng phí. Khi cung dư thừa không có lý gì khoảng cách giá vàng không thu hẹp lại”, bà My nói.
Trước diễn biến của thị trường vàng trong nước, Ngân hàng Nhà nước – cơ quan quản lý về vàng vẫn cho hay “đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ổn định thị trường vàng”.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cho phép tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản vàng được vay vốn bằng vàng.
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn lạc quan khi cho rằng, chỉ một thời gian ngắn nữa, các ngân hàng thương mại sẽ cân đối đủ thì giá vàng sẽ xuống và “Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh khi tham gia mua bán trên thị trường để tránh những thiệt hại không đáng có. Vì lẽ, sau khi Ngân hàng Nhà nước giải quyết xong câu chuyện ‘huy động – cho vay vàng,’ thì giá vàng sẽ không còn quá nóng như hiện nay.”
Cũng có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên cho phép tiếp tục lùi “mốc 25/11” nhằm tránh giá vàng căng thẳng kéo dài.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lại không đồng tình với quan điểm trên và cho rằng không nên gia hạn thêm thời gian huy động vàng cho các ngân hàng. Ông giải thích, trước đó, từ hạn chót ngừng huy động vàng ban đầu là 1/5/2012, các nhà băng được nới thêm 7 tháng, tới 25/11/2012. Chuyên gia này lo ngại, nếu tiếp tục “nới” huy động vàng, các nhà băng có thể lặp lại kịch bản cũ, khiến cho mục tiêu bình ổn, tái cấu trúc thị trường vàng khó thực hiện.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đang xem xét tình hình thanh khoản của các ngân hàng rồi sau đó mới quyết định có lùi mốc 25/11 hay không, nhưng “sẽ cho những ngân hàng này huy động ngắn hạn buộc các ngân hàng phải mua để bù đủ số đã trót bán của bên gửi.”
Các chuyên gia cho rằng, để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế thông tin minh bạch, kịp thời để lường được phản ứng của thị trường trước các chính sách của mình. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước cần phải mạnh tay hơn trong việc chống nạn đầu cơ, làm giá để lập lại trật tự trên thị trường vàng./.
Quảng – Thúy (Vietnam+)

Không có nhận xét nào: