Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
Trung Quốc trong thời gian gần đây có thêm nhiều hành động tại khu vực Biển Đông mà Hà Nội cho là gây hấn, xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Gần nhất là vụ cho tàu cá làm đứt cáp của tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam.
Source Unclos
Đường màu đỏ trên bản đồ là vùng biển hình “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để giành chủ quyền vùng biển Đông và khu vực bãi cạn Scarborough. Unclos
Tải xuống – download
Đối phó với Trung Quốc
Gia Minh hỏi chuyện nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, ông Trần Công Trục, về những thông tin liên quan, và được ông cho biết:
Ông Trần Công Trục: Nếu xét theo Công ước Luật biển năm 1982 mà chúng ta sắp kỷ niệm 30 năm ngày công ước ra đời. Hơn thế nữa với hành động đó cũng có vi phạm đối với thỏa thuận của hai bên, ví dụ hai bên đồng ý với nhau tiến hành đàm phán để giải quyết những sự cố, những tranh chấp trong những vùng biển có liên quan đến hai bên như tại cửa vịnh Bắc Bộ mà theo tôi biết các đoàn đàm phán của hai bên hằng năm vẫn gặp gỡ nhau.
Một vi phạm nữa là theo Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông DoC ( 10 năm rồi), cũng có thỏa thuận các bên không được làm những gì mới, gây phức tạp tình hình, cố gắng kiềm chế để giữ ổn định; hai bên cùng ngồi tiến đến xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử, CoC. Thế nhưng Trung Quốc vẫn cứ tiến hành vi phạm.
Cần phải hiểu rằng Trung Quốc có một chủ trương chiến lược xuyên suốt từ rất lâu rồi. Và trong tương lai chúng ta có thể phải đề phòng có những hoạt động mạnh mẽ hơn nữa của Trung Quốc.
Các nước có liên quan trong khu vực này cần phải có những thống nhất với nhau, để có phương án đối phó hiệu quả nhất, phù hợp nhất với những qui định của luật pháp quốc tếÔ. Trần Công Trục
Trước tình hình đó, có lẽ các nước có liên quan trong khu vực này cần phải có những thống nhất với nhau. Đặc biệt từng nước một phải có thống nhất với nhau để có phương án đối phó hiệu quả nhất, phù hợp nhất với những qui định của luật pháp quốc tế.
Vừa rồi khi xảy ra những sự kiện, hiện tượng đó thì chính phủ Việt Nam có những tuyên bố, phản ứng, có những công hàm hết sức mạnh mẽ để phản đối chuyện đó.
Rồi các nước khác trong khu vực như Philippines, Malaysia, Brunei, cả đến những nước ngoài khu vực như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản; thậm chí cả Đài Loan nữa đều có những phản ứng, phê phán rất mạnh mẽ những điều họ (Trung Quốc) làm – kể cả những việc làm trong thực tế kể cả đường yêu sách lưỡi bò nữa.
Tôi nghĩ tất cả những việc làm đó hoàn toàn cần thiết và phù hợp với những tiêu chuẩn của công pháp quốc tế đặt ra. trong việc bảo vệ các quyền, chủ quyền trên các vùng đất liền và vùng biển, hải đảo.
Thế còn bây giờ việc họ quấy phá ở khu vực nào, phạm vi ra sao, thì các nước cần xem xét kỹ và tiến hành các thủ tục cần thiết, cụ thể để khẳng định một cách chắc chắn những vi phạm ra làm sao.
Thậm chí phải có việc kiểm tra, kiểm soát, rồi lập biên bản, giải quyết những sai phạm đó bằng những thủ tục pháp lý đã qui định, và công ước luật biển đã qui định.
Như vậy tiếng nói đấu tranh có hiệu quả hơn. Chứ còn nếu chỉ dừng lại ở những đấu tranh có tính chất nguyên tắc thì tôi cho rằng, dù cần thiết, nhưng có thể có chuyện này chuyện nọ, hay có chuyện ‘bày binh bố trận’ nào đó mà việc đấu tranh của những người có liên quan có hạn chế đi.
Dân chúng Philippines biểu tình phản đối TQ in hình bản đồ lưỡi bò lên hộ chiếu. AFP
Theo tôi nghĩ, những phản đối, những câu nói đó trong tình hình như vậy phải gửi đến các cơ quan như Tổ chức Liên hiệp quốc và những tổ chức khác liên quan có quan tâm đến chuyện này để người ta biết được.
Và đồng thời nói cho dư luận thế giới ngừơi ta hiểu rõ thực chất vấn đề, mức độ của vấn đề ra sao để tạo ra được sự đồng thuận chung, sự đoàn kết nhất trí chung không những của đất nước anh mà cả khu vực và thế giới nữa.
Hiện đại hoá lực lượng bảo vệ chủ quyền
Gia Minh: Điều đó có liên quan đến khả năng của các lực lượng bảo vệ chủ quyền nữa, phải không thưa ông?
Ông Trần Công Trục: Đúng quá, những điều cụ thể đó, chính những lực lượng bảo vệ như cảnh sát biển, biên phòng, hải quan, kiểm ngư… đã có của các nước phải hoạt động theo đúng như luật định. Tuy nhiên, hoạt động trên biển không phải như trên đất liền- phải phụ thuộc vào phương tiện kỹ thuật, phát hiện, thăm dò rồi khả năng tác chiến, tốc độ tàu bè…
Chúng ta không nên đòi hỏi tuyệt đối, nhưng phải cố gắng bởi vì tranh chấp trên biển vốn đã phức tạp rồi, trên biển bao la mênh mông rồi, xác định ranh giới đến đâu là một câu chuyện rồi, tọa độ đến đâu, ghi ra làm sao không phải đơn giản chút nào. Có khi không đuổi kịp thì ‘nó’ đã vượt ra khỏi ranh giới cần kiểm soát rồi.
Đó là vấn đề nên chúng ta phải rất chia xẻ với những lực lượng đó; giúp cho người ta có thêm những cơ sở vật chất và những trình độ kỹ thuật cần thiết. Chính cái đó là cơ bản nhất giúp giải quyết các mối tranh chấp với tất cả những mức độ của nó.
Gia Minh: Ông nói rằng phải thông tin sự thật cho quốc tế biết, cũng như phải thông tin rõ ràng cho người dân để họ nắm mọi vấn đề. Vậy ông thấy những thông tin như thế đến nay đã thỏa đáng chưa về tất cả những điều xảy ra?
Ông Trần Công Trục: Những thông tin xảy ra ngoài biển thì người dân chỉ có thế biết qua những phương tiện mà Nhà Nước đã công bố hoặc các thông tin của các lực lượng thôi. Do những hạn chế đó mà vừa rồi việc đấu tranh của chúng ta chỉ có thể nêu những vấn đề về mặt nguyên tắc, cơ bản thôi. Còn cụ thể thế nào thì vừa rồi ngoài những tuyên bố chính thức, báo chí cũng có một số bình luận nhất định. Đó cũng là một hình thức để cho người dân hiểu rõ vấn đề thế nào.
Theo tôi trong vấn đề này chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh, cần phải nghiên cứu một cách cẩn trọng, phải lắng nghe thông tin; và những người cung cấp thông tin cũng phải hết sức khách quan để làm sao dư luận hiểu bản chất của vấn đề, tạo ra sự đồng thuận, tạo ra sức mạnh của cuộc đấu tranh nếu sự vi phạm đó rõ ràng. Đó là điều cần thiết.
Gia Minh: Cám ơn ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét