Tổ chức Động vật Châu Á vào đầu năm nay ra thông cáo gửi các cơ quan truyền thông Việt Nam nói "việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng."
Truyền thông Việt Nam vào tuần trước đưa tin Bắc Ninh sẽ không chém lợn giữa sân đình mà đưa vào nơi kín đáo sau khi Ban Tổ chức Lễ hội chém lợn từng khẳng định "Chẳng ai có quyền cấm cả, lễ hội là của chúng tôi, hãy để chúng tôi tự quyết."
Rất nhiều lý do được các bô lão làng Ném Thượng – Bắc Ninh đưa ra trước những chỉ trích về lễ hội “chém lợn” bị coi là dã man và đẫm máu.
Đặc biệt là hai lý do chính yếu là "Truyền thống" và "Bản sắc dân tộc".
Dùng máu và sinh mạng để hiến tế không có gì là mới mẻ cả, càng không phải là truyền thống, là bản sắc riêng và duy nhất người Việt. Tất cả các nền văn minh lớn, bao gồm Trung Quốc, Hy-La, Lưỡng Hà, Ai Cập...đều đã từng dùng máu và sinh mạng để hiến tế thần linh từ hàng trăm năm trước công nguyên. Đầu tiên là mạng người, rồi sau đó tiến bộ hơn đùng máu và sinh mạng động vật để thay thế.
Những ví dụ như thế nhiều không kể hết trong lịch sử. Tư Mã Thiên trong cuốn sử ký của mình đã ghi chép lại ở những lễ hiến tế mà người ta đã ném các trinh nữ xuống sông để làm vợ Hà Bá, những mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Người La Mã sau thất bại tại trận Cannae năm 216 TCN, cũng đã dùng sinh mạng người đế hiến tế cho thần chiến tranh mong xoay chuyển thế cục trận chiến.
Khi con người trở lên văn minh, tiến bộ hơn. Người ta bắt đầu dùng các loài động vật trâu bò, lợn gà, cừu... thay thế để hiến tế cho thần linh. Người Hy Lạp thậm chí có hẳn một thuật ngữ "Con dê tế thần" với nghĩa đen ban đầu là dùng dê để tế thần linh thay cho việc dùng mạng người.
Ban đầu, người ta hẳn tế sống bằng máu và sinh mạng động vật. Sau cũng chuyển thành nấu chín để cúng tế thần linh, tổ tiên, những người đã khuất... Đó là lý do vì sao mà mâm cơm cúng tổ tiên của người Việt là thịt luộc chín, là gà luộc chín... chứ không phải là lợn sống, gà sống,
Các nền văn hóa lớn đều thay đổi nghi thức hiến tế này từ rất rất lâu rồi, chứ không phải đến thế kỷ 21 chúng ta vẫn lặp lại các nghi thức có từ thời nguyên thủy của loài người rồi khoác lên những nghi lễ này chiếc áo văn hóa, truyền thống hay bản sắc.
Thật là vớ vẩn khi nghĩ rằng những cái gì chỉ riêng mình ta có là bản sắc! Cả thế giới này mặc quần áo riêng mình ta “khỏa thân” thì đó cũng là bản sắc của riêng của mình ta? Bản sắc là những cái tinh túy, những chân thiện mỹ mà nền văn hóa chúng ta đóng góp cho thế giới văn minh tuyệt đối không phải là chém giết, bạo lực là máu và sự man rợ.
Còn nếu vẫn muốn giết, thì cứ nói thẳng lý do là muốn nhiều người đến xem, muốn nhìn thấy máu, muốn thỏa mãn cái khát khao bạo lực ẩn sâu trong tiềm thức mỗi con người. Chứ xin đừng làm vẩn đục "Truyền thống" và "Bản sắc dân tộc".
Nếu thế hệ con cháu chúng ta sẽ nghĩ đó là truyền thống và bản sắc đó của dân tộc thì chúng sẽ nghĩ gì về cha ông chúng? Bạn nghĩ gì về lễ hội “chém lợn”?
Còn tôi, tôi phản đối và lên án những người tổ chức lễ hội này!
Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét