Việt Nam và Campuchia hiện đang có cuộc đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng lần đầu tiên ở Phnom Penh.
Thông tấn xã Việt Nam cho hay cuộc đối thoại khai mạc sáng thứ Hai 19/10 tại trụ sở Bộ Quốc phòng Campuchia.
Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn. Đoàn Bộ Quốc phòng Campuchia do Đại tướng Neang Phat, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng nước này làm trưởng đoàn.
Hai bên được nói cùng "trao đổi và đánh giá tác động của tình hình thế giới, khu vực đối với quan hệ Việt Nam-Campuchia".
Quản lý và bảo vệ an ninh biên giới là một trong các lĩnh vực hợp tác hàng đầu giữa quân đội hai bên, nhất là thời gian qua đã xảy ra một số vụ lộn xộn trên đường biên hai nước.
Đảng đối lập ở Campuchia cũng sử dụng lý do tranh chấp đất đai tại những nơi chưa phân định cột mốc rõ ràng trong các cuộc vận động chính trị.
Một số lĩnh vực hợp tác khác được đề cập trong cuộc đối thoại lần này là chia sẻ thông tin, đào tạo, tập huấn cán bộ, trao đổi đoàn các cấp, đấu tranh phòng chống buôn lậu, ma túy, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa..., theo hãng thông tấn chính thức của Việt Nam.
Ông Nguyễn Chí Vịnh cũng sẽ dẫn đầu đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam tới chào xã giao Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người vừa trở về từ chuyến thăm Trung Quốc; chào Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia; thăm và nói chuyện tại Đại học Tổng hợp Quốc phòng Campuchia.
Họp ủy ban hỗn hợp
Trong khi đó, sáng thứ Hai 19/10, Phiên họp toàn thể lần thứ 14 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật khai mạc tại TP HCM.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong, đồng chủ trì phiên họp này.
Hai bên sẽ xem xét đẩy mạnh kết nối kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch nhằm phục vụ phát triển kinh tế hai nước.
Đặc biệt hai vấn đề nổi cộm được mang ra thảo luận là: các biện pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền cùng quản lý biên giới; và bảo đảm các quyền chính đáng của kiều dân hai nước được làm ăn, sinh sống ổn định tại mỗi nước.
Thời gian gần đây tâm lý bài người Việt ở Campuchia cũng bị dấy lên vì mục tiêu chính trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét