Pages

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

.VĂN HÓA BĂNG HOẠI VÌ ĐỊNH HƯỚNG SAI

Vấn đề xuống cấp văn hoá và nếp sống hiện nay đã lan rộng đến mức báo động đỏ…Nhưng để quản lý tình trạng mới này, nhân danh sự ổn định chính trị, các nhà ý thức hệ của Đảng vẫn bám chặt vào hệ tư tưởng đã cũ.

Đó là các khái niệm như chuyên chính vô sản, truyền thống cách mạng, xu thế tất yếu của thời đại, sự tất yếu của chủ nghĩa hội, sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, quốc doanh là chủ đạo, sở hữu toàn dân về đất đai…
Còn gì thiêng liêng?


Chúng đã bất khả thi hoàn toàn nhưng vẫn được sử dụng cho mục đích duy trì tính chính danh đã quá mòn mỏi, suy yếu của Đảng, bằng những thủ đoạn gò ép giả tạo (gọi là điều tiết) buộc sự vận hành của kinh tế thị trường phải khuôn nắn theo những chính sách được quy định bởi những phạm trù lý luận giáo điều nói trên.

Và cũng chính vì vậy mà cản trở cuộc sống xã hội phát triển tự nhiên theo hướng cần phải có, cho nên xét trên tổng thể, mô thức phát triển gọi là “đổi mới” này, bên cạnh kết quả tích cực về vật chất, đã làm phát sinh những phản ứng chống trả của thực tế, biểu hiện trên bình diện nếp sống và văn hoá một cách tiêu cực và cực đoan như mọi người đều biết.

Các phương tiện truyền thông đã nói nhiều, nhưng tập trung nhất có lẽ phải kể đến hiện tượng bùng nổ – mang tính bù trừ sau một thời kỳ lâu dài các nhu cầu bị đè nén – của một thứ chủ nghĩa vật chất, mang màu sắc chụp giật dung tục, trắng trợn chưa từng có trên đất nước, lan tràn như một bệnh dịch, lau lách xâm nhập vào toàn bộ các ngõ ngách của đời sống, kể cả những lĩnh vực được coi là thiêng liêng cao quý.

Nổi bật nhất về hiện tượng này chính là khu vực công quyền với vai trò “đầu têu” của những tiết mục tiêu cực gây tai tiếng làm rúng động công luận, thể hiện qua cả những quyết sách đặt nền trên sự thống soái của cái mà có người đã đặt tên là “chủ nghĩa GDP”.

Kèm theo đó là một thói “chủ nghĩa thành tích vĩ cuồng”, đua đòi chơi trội, ngông nghênh, cùng với thái độ liều lĩnh trong sự nhũng lạm, bòn rút, phung phí của công, trắng trợn, tràn lan, bất chấp mọi hậu quả làm băng hoại môi trường tự nhiên và môi trường đạo đức.

Một thứ công thức mới dường như đã định hình giúp con người nhanh chóng đi tìm sự thăng tiến cho đời sống vật chất hiện nay: không có tiền thì dùng bạo lực hoặc sự phi pháp để kiếm tiền, đã có tiền rồi thì dùng tiền mua quyền lực để kiếm thêm tiền vì quyền lực ngày nay cũng đã trở thành cái có thể đem bán để kiếm tiền.

Tiền kiếm được theo công thức đó vì thế không thể không đi liền với sự chà đạp lên nhân cách, với sự bất lương, với tội ác hoặc dẫn đến tội ác. Không biết chính xác đến mức nào nếu như chúng ta nói rằng đặc trưng của đời sống văn hoá hiện nay là như thế! Và tình trạng ấy đã diễn ra trên khắp mọi vùng miền của đất nước, không từ một xó xỉnh nào!

Đổ tại bên ngoài?

Khi nhắc đến các hiện tượng nhức nhối này, chúng ta thường thấy xuất hiện các ý kiến đổ lỗi cho cái gọi là “mặt trái của kinh tế thị trường”, hoặc do sự xâm nhập của “văn hoá phương Tây” khi đất nước mở cửa. Tất cả đều có, nhưng cần chú ý rằng, trừ những kẻ theo thuyết tôn giáo toàn thống hoặc những đệ tử trung thành với chủ nghĩa Stalin, ngày nay không ai dám xác quyết sự xấu xa có tính bản chất của thị trường và văn hoá phương Tây cả.

Những mặt tiêu cực của các hiện tượng văn hoá này là có thực nhưng vì được quản lý bằng một nền pháp quyền thích hợp, tồn tại chung với những xu hướng khác, chúng không có điều kiện để trở thành phổ biến, trùm lấp như ở nước ta…
Rốt cuộc thì đối với vấn đề suy thoái đạo đức, văn hoá ở Việt Nam hiện nay thiết nghĩ chúng ta không thể đem các thứ cộng sản hoặc tư bản trừu tượng ra giải thích mà phải tìm đến sự giao thoa và cộng hưởng của hai cơ sở lý luận “dỏm” dẫn xuất từ những nguồn gốc đó: đó là thứ chủ nghĩa cộng sản mạo danh, biến thái cùng với cái mặt trái của nó là thứ chủ nghĩa tư bản sơ kỳ, man rợ.

Để hai thứ này riêng ra chúng sẽ đi theo con đường của chúng mà tiết ra nhưng độc tố riêng biệt, nhưng khi để chúng kết lại với nhau thì chúng sẽ quyện lại thành một thứ chủ nghĩa thực dụng sùng bái quyền lực do vật chất mang lại, có sức tàn phá đặc biệt ghê gớm với bất cứ những gì cản trở đường đi của nó.

Trong khi đưa lên bàn thờ con bò vàng và sử dụng những thủ đoạn chính trị tàn độc và dối trá nhất để bảo vệ ngẫu tượng đó, nó cũng nhân danh những mục tiêu thực dụng trước mắt để hạ bệ mọi cung cách ứng xử trung thực, trong sáng trước cuộc sống, làm tan chảy tất cả những ý thức phản kháng chính đáng trước bất công, giam vào tù ngục mọi lý tưởng lành mạnh, mọi khát vọng tự do của con người… Đó là một hình thái cực đoan nhất của chủ nghĩa hư vô về đức lý.

Từ những gì đã trình bày, xét từ nội tại, tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất, đáng đặt ra nhất hiện nay là thực hiện một tổng kết về cuộc đổi mới trên 20 năm qua với tư cách là một mô thức phát triển quá độ, trong đó quan trọng nhất là phải nhận ra cho được cái điểm nút sinh tử của nó là sự đối kháng huỷ diệt của tăng trương kinh tế đối với phát triển văn hoá.

Nhìn vấn đề từ yêu cầu hài hoà, toàn cục, bền vững và “vì con người”, như người ta thường nói, thì cái mô thức mệnh danh “đổi mới” nói trên rõ ràng đã không còn phù hợp nữa: trong khi tạo ra một số của cải vật chất để đẩy lùi tình trạng nghèo khổ khan hiếm do thứ chủ nghĩa xã hội giáo điều, không tưởng cũ gây ra, trong khi buộc phải đổi thay theo thời thế để cứu nguy một định chế chính trị đang rơi vào khủng hoảng.

Bên cạnh một số mặt thành công không thể phủ nhận, mô thức đó cũng tạo ra quá nhiều hỗn loạn và mất mát trong lĩnh vực tinh thần, phá vỡ lòng tin của con người về những giá trị nhân văn phổ biến, về niềm tự trọng dân tộc chính đáng, xâm hại đến cả lợi ích tối thượng của quốc gia.

Các biện pháp mà Nhà nước sử dụng bấy lâu để đối phó, gọi là tuyên truyền, giáo dục, răn đe, trừng trị… đã tỏ ra vô hiệu, một phần vì không triệt để nhưng do bất lực là chính; các biểu hiện băng hoại về lối sống, các tệ đoan xã hội, các hình thức tội ác… mà nguyên nhân chủ yếu là cuộc thác loạn vì chủ nghĩa vật chất như đã được nhấn mạnh nhiều lần, ngày một tăng “đô ”, ngày càng liều lĩnh, ngang nhiên, thách thức.

Không chỉ tạo ra cái bầu khí bất an gây kinh hãi thường trực cho người lương thiện, ảnh hưởng xấu đến mọi hoạt động giáo dục, văn hoá, kinh tế, môi trường mà trong tình hình mới hiện nay, thứ triết lý tham lam, chạy theo lợi ích nhất thời và vô trách nhiệm, không màng đến hậu quả lâu dài, cũng đang trở thành một chất xúc tác tâm lý lót đường cho những toan tính xâm nhập của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán phương Bắc, như đang diễn ra gần đây, ai cũng nhận thấy.

Phát khởi một hình thức vận động giống như một cuộc cách mạng tinh thần vào lúc này, có thể sẽ bị xem là quá nhạy cảm. Nhưng dù vậy trước tình hình băng hoại đáng báo động về văn hoá như hiện nay, nếu không dấy lên được một phản ứng thức tỉnh quyết liệt của cộng đồng để cảnh giác và tìm phương cách đối phó, thì nguy cơ rơi vào một hình thức lệ thuộc kiểu thực dân mới nào đó về văn hoá, hoặc một cái gì tương tự tinh vi hơn, không thể loại trừ là không xảy ra.

Điều đó khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ thêm về tình cảnh của đất nước vào những năm tháng này: phải chăng vấn đề mất nước mà chúng ta tưởng đã không còn đặt ra nữa sau ngày thống nhất, nay lại lấp ló hiện ra, lần này không còn đến từ phương Tây nữa mà giống như cả ngàn năm trước, lại từ phương Bắc.

Phụcc hồi văn hóa

Có thật thế không? Dù sao thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, trước bất cứ nguy cơ nào, mọi người đều có thể chia sẻ một cách thật bức xúc sự cần thiết phải vun đắp lại một trạng thái tinh thần lành mạnh và cường tráng cho các tầng lớp nhân dân, qua đó tích tụ thành một tiềm năng văn hoá tích cực, để khi cần thiết sẽ hiện thể thành những ứng phó thích hợp với những thử thách mới trong tương lai.

Đối với phần việc này, những người lãnh đạo đất nước phải là những người nhận lãnh trách nhiệm trước tiên: cùng với bao nhiêu phần việc khác, công cuộc phát triển kinh tế mà họ đang điều hành phải góp phần tạo ra những điều kiện thuận lợi để củng cố thêm tinh thần đó chứ không thể làm ngược lại.

Từ ý hướng đó mà nhìn lại thì rõ ràng mô thức phát triển mệnh danh “đổi mới” cho đến nay đã không làm tròn được chức năng nói trên, do vậy cái chính sách nửa vời đó đã đến lúc cần phải chấm dứt – và mọi người phải có nhiệm vụ tạo áp lực cho nó sớm chấm dứt – để chuyển sang một mô thức phát triển có chất lượng tích cực hơn, phù hợp hơn với hoàn cảnh mới của xã hội và lịch sử.

Nội dung của mô thức này ra sao, sẽ được hình thành như thế nào, làm sao để thực hiện, là những vấn đề lớn lao, có lẽ không phải là chỗ để bàn luận ở đây, bản thân tôi cũng không dám lạm bàn.

Tuy vậy, do đã xuất phát từ một tiền đề nhấn mạnh tính mô thức của một đường lối phát triển tổng thể, tôi trộm nghĩ nếu mình được phép đưa ra mấy nhận xét như sau thì cũng không có gì không thuận chiều về mặt logic:

Trong nỗ lực đi tìm mô thức mới thay thế, vực dậy đời sống tinh thần cho xã hội, nếu không thanh toán cho được cơ sở lý luận cho phép người ta dựa vào các phạm trù ý thức hệ lỗi thời để thiết lập chính sách quốc gia, coi đó đã là những quyết định tối hậu, từ trên áp xuống, dựa vào những lợi ích nhất thời, cục bộ coi là giá trị để theo đuổi, cứ thế mà thực hiện, bất chấp hậu quả, bất chấp lòng dân thì cái giá phải trả, trong tình hình mới, không phải chỉ diễn ra như cũ, cũng không chỉ trên phương diện văn hoá mà có thể dẫn tới những tác hại quan trọng, không lường trước được, về mọi mặt đối với sự an nguy của đất nước.
Với những phần nghiêng lệch về tiêu cực như đã phân tích, chủ trương “đổi mới” với tư cách là một mô thức phát triển, rõ ràng đã không còn lý do để tiếp tục nữa. Một cách có ý thức và chủ động, nó phải được chuyển sang một mô thức mới dựa trên những nguyên tắc mới về lý luận và văn hoá, dân chủ hơn, hiện đại hơn.

Bài dài hơn được ông Lữ Phương đăng trên trang Bấm Diễn đàn – Forum ra ở Paris hôm 21/11 vừa qua. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện sống tại Sài Gòn. BBC sẽ tiếp tục giới thiệu các ý kiến đa chiều về tình hình thời sự, chính trị Việt Nam trong thời gian trước Đại hội Đảng đầu 2011.

Nguồn: BBCVietnamese

Không có nhận xét nào: