Gia Minh, biên tập viên RFA
2011-11-13
Tình trạng ô nhiễm do các làng nghề gây ra lại được các vị đại biểu quốc hội đưa ra mổ xẻ tại nghị trường. Có vị cho rằng tình hình ô nhiễm đó trầm trọng như một quả bom nguyên tử, khó tẩy rửa hơn cả chất da cam dioxin…Vậy thực tế tình hình ra sao?
Mời quí thính giả cùng theo dõi trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này.
Chưa có gì thay đổi
Mới trong một kỳ họp quốc hội trước ủy ban khoa học - môi trường quốc hội cũng cử một đoàn kiểm tra đến các làng nghề ở khu vực miền Bắc để xem xét tình hình gây ô nhiễm do hoạt động sản xuất từ các ngành nghề thủ công truyền thống gây nên.Từ đó đến nay chỉ mới hơn nửa năm thôi, nhưng cảnh báo về nạn ô nhiễm ở các khu làng nghề lại được đưa ra.
Vậy có đúng không có chuyển biến gì trong việc cải thiện tình hình hay sao?
Một người dân làm nghề thủ công truyền thống tại làng lụa Vạn Phúc thừa nhận tình hình tại một số nơi vẫn còn bết bát không có gì thay đổi như ở làng làm miến dong mà ông đặt chân đến. Thực tế ở đó và nguyên nhân vì sao được ông cho biết:
Khi đến đó, đường làng, cống rảnh đều rất hôi, mùi chua, mùi hôi bốc lên khắp làng.“Tôi thấy làng nghề làm miến dong, nơi mà chúng tôi có đến xem, gây ô nhiễm mạnh nhất. Mỗi ngày người ta sản xuất mấy chục tấn củ dong riềng rồi thải ra chất bả, nước chua, rồi nước chứa tất cả các loại chất bẩn được chắt ra. Khi đến đó, đường làng, cống rảnh đều rất hôi, mùi chua, mùi hôi bốc lên khắp làng.”
Một người dân làng lụa Vạn Phúc
Tại khu vực làng lụa Vạn Phúc trước kia thuộc địa phận Hà Tây nay đã sát nhập về Hà Nội, theo người dân tại đó vẫn còn tình trạng các hộ thải nước dệt nhuộm ra ao hồ, sông ngoài; cũng như các hộ gia đình làm các nghề khác cũng thải theo những tuyến cống riêng của họ:
“Chất thải của làng dệt cũng thải ra chỗ chung chứ chưa có nơi tập trung lại để xử lý. Đã có thấy vấn đề nhưng chưa giải quyết nổi. Nước thải chảy theo nhiều đường quá, không có lối để tập trung vào một hướng, thế rồi nơi tập trung nước thải dồn vào là từ nhiều nguồn khác nhau nữa.”
Chạy theo lợi nhuận
Tình trạng ô nhiễm do các làng nghề gây nên cũng được thừa nhận vì quá chạy theo lợi nhuận của các gia đình làm nghề mà quên đi trách nhiệm xử lý những chất thải ra trong quá trình sản xuất, như trình bày của ông Lưu Duy Dần, phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam sau đây:
“Sắt Đa Hội mỗi năm sản xuất từ 900 đến 1000 tỷ đồng; nên người ta sản xuất với bất kỳ giá nào, không chú ý gì đến ô nhiễm môi trường. Ở đó ngay cả trẻ em học cũng không học được vì tiếng động rất lớn. Nguồn nước, không khí, tiếng động… gây ra bệnh là có thực.
Phần lớn tập trung ở những tỉnh như Bắc Ninh có làng Đa Hội, giấy Phong Khê, làng giết mổ, gạch ngói. Tại Hà Nội có những làng nghề gây ô nhiễm tập trung tại khu vực Hoài Đức chuyên chế biến sắn, 2:20 dong riềng, thực phẩm như tương Cự Đà.”
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lưu Duy Dần dù tình trạng một số nơi càng lúc càng thêm trầm trọng, từ lần kiểm tra trước đến nay chưa có chuyển biến gì trong thực tế; nhưng với sự lên tiếng như vừa qua và gần đây là một điểm tích cực. Ông lý giải vì sao:
“Tình hình được cải thiện tức vấn đề đã được đưa ra công luận rồi. Đại chúng và các làng nghề có hiểu sâu hơn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là cần minh bạch ở điểm không phải tất cả các làng nghề đều gây ô nhiễm chỉ có những làng nghề tái chế nhựa, gạch ngói, sắt thép với lợi nhuận cao nên họ bất chấp môi trường.
Sắt Đa Hội mỗi năm sản xuất từ 900 đến 1000 tỷ đồng; nên người ta sản xuất với bất kỳ giá nào, không chú ý gì đến ô nhiễm môi trường.Tại các làng nghề ở miền Trung và Nam không có gì trầm trọng lắm..
PCT HH Làng nghề VN Lưu Duy Dần
Vấn đề quan trọng hiện nay nhiều nơi có chú ý về môi trường, mở rộng diện tích mặt bằng.”
Người dân từ làng lụa Vạn Phúc cũng nêu ra một số chuyển biến tại địa phương của ông trong việc giảm thiểu gây ô nhiễm cho môi trường từ hoạt động sản xuất loại lụa truyền thống nổi tiếng của địa phương đó. Theo ông các hộ dệt nhuộm lụa tại Vạn Phúc nay sử dụng các loại thuốc nhuộm tốt hơn giúp ô nhiễm giảm bớt đi:
“Mặt hàng truyền thống thôi chứ hiện nay chúng tôi sản xuất bằng các thiết bị cải tiến. Nhuộm bây giờ sử dụng thuốc nhuộm công nghiệp chứ không như xưa.
Thuốc mà chúng tôi sử dụng hiện nay mức độ độc hại không cao vì chỉ sử dụng thuốc trực tiếp, acid là chính. Dung môi mức độ độc hại không cao, tỷ lệ thải ra môi trường không nhiều.”
Lý do tồn tại
Trong thực tế Việt Nam đã có luật xử phạt gây ô nhiễm. Ngoài ra các địa phương cũng có nỗ lực như vừa nêu; thế nhưng có những lý do khiến không thể giải quyết nạn các làng nghề gây ô nhiễm như phân tích của ông Lưu Duy Dần sau đây:“Vấn đề thứ nhất là mối quan hệ họ hàng trong dân: chủ tịch có quan hệ với xã đội trưởng, với dân nên xử phạt rất khó. Họ nể nang, oán trách nhau.
Luật có nhiều nhưng không sát thực tế. Ý thức cộng đồng không cao. Từ đó gây ra thiếu trách nhiệm. Luật không được thi hành đầy đủ. Chính sách nhiều quá. Rồi mối quản lý nằm ở Bộ Nông Nghiệp, Công Thương, Môi trường, đâu là đầu mối quản lý.”
Người dân ở làng lụa Vạn Phúc nêu ra hướng giải quyết của địa phương thế nhưng chưa thực hiện được cũng vì lý do sau:
“Việc thành lập khu xử lý tập trung đã có chủ trương với hướng các khu làm nghề nhuộm tập trung vào một khu vực với hệ thống xử lý nước riêng. Tập trung nước vào một khu mới có điều kiện xử lý. Hiện diện tích để các gia đình ra để sản xuất chưa làm xong.
Riêng chỗ chúng tôi đã làm việc với tập đoàn Jaica hai đợt rồi để nghiên cứu việc xử lý chất thải nhuộm cho dân, nhưng cuối cùng không có điều kiện làm đành phải bỏ.”
Về phía cơ quan chức năng cao nhất là Bộ Tài Nguyên- Môi trường trong lĩnh vực này, ông thứ trưởng ông Bùi Cách Tuyến nói đã có những hỗ trợ để các làng nghề có thể phát triển mà không gây ô nhiễm như thông tin nêu ra lâu nay:
“Có những hỗ trợ lâu nay từ Bộ Nông nghiệp, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Tài nguyên - Môi trường. Gần đây Quốc hội cũng có chương trình hỗ trợ khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.
Hiện đã có qui hoạch tập trung cho các làng nghề. Nơi đang có những làng nghề thì người ta đang làm như vậy.”
Thống kê cho thấy tại Việt Nam có gần 4600 làng nghề. Trong số này có 1300 làng nghề đã được công nhận. Ngoài ra có 3200 làng có nghề. Khu vực này tạo ra công ăn việc làm cho chừng 11 triệu lao động. Chừng một phần ba lao động nông thôn tham gia sản xuất của các làng nghề.
Vấn đề thứ nhất là mối quan hệ họ hàng trong dân: chủ tịch có quan hệ với xã đội trưởng, với dân nên xử phạt rất khó. Họ nể nang, oán trách nhau.Từ bao đời nay, những nghề truyền thống là một phương kế mưu sinh của người dân, nhất là trong những lúc nông nhàn. Xưa kia đất rộng, người thưa, mọi chất thải ra có được môi trường dường như lớn hơn vì ít cư dân sinh sống nên phân tán đi mà người ta không nhận thấy.
PCT HH Làng nghề VN Lưu Duy Dần
Rồi nguồn lợi có được từ các nghề truyền thống, hay nghề tay trái cũng góp phần làm cho cuộc sống người dân tốt hơn. Đồng thời những mặt hàng truyền thống của từng địa phương đó cũng góp phần làm nên nét văn hóa độc đáo riêng của làng có nghề.
Tuy nhiên, qua thời gian, đến lúc con người ngày càng đông, nhiều đô thị mọc lên, các làng nghề xả thải trở thành một vấn nạn, cũng như các khu sản xuất công nghiệp khác nếu không được tập trung lại và có hệ thống xử lý các chất thải chung nhau theo phương pháp khoa học.
Tình trạng không được giải quyết kịp thời nên ô nhiễm ngày càng trầm trọng là không thể tránh khỏi.
Bản thân các làng nghề có lỗi hay không, nếu như cơ quan chức năng xây dựng đầy đủ các cơ sở hạ tầng để xử lý mọi chất thải ra.
Cảnh báo của các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp lần này không có gì mới; duy chỉ mức độ là mạnh thêm như cảnh báo tình trạng ô nhiễm do các làng nghề gây ra được ví như ‘bom nguyên tử’ và khó dọn sạch như chất dioxin…
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.
Gia Minh chào tạm biệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét