Pages

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Khi ý kiến người dân bị “bỏ sọt rác”

Gia Minh, biên tập viên RFA

qh-1-305.jpg
Kỳ họp thứ năm, Quốc Hội khóa XIII hôm 20/05/2013.
Courtesy chinhphu.vn
Sửa đổi hiến pháp năm 1992 được Quốc hội cho biết là một trong những vấn đề quan trọng tại kỳ họp khai diễn vào ngày 20 tháng 5 sau một thời gian kêu gọi công dân góp ý.
Tuy nhiên theo nhiều người thì đã có câu trả lời qua phát biểu của ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật, ủy viên Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp, trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi hiến pháp hồi chiều ngày 20 tháng 5 tại hội trường Quốc hội.

Vẫn như cũ

Báo cáo và giải trình tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi hiến pháp được ông Phan Trung Lý trình bày trước Quốc hội vào ngay chiều khai mạc kỳ họp thứ năm, Quốc Hội khóa 13.
Theo báo cáo của ông Phan Trung Lý thì trong thời gian từ khi hoạt động góp ý bắt đầu vào ngày 2 tháng giêng năm nay cho đến lúc tổng kết, ủy ban này nhận được trên 26 triệu lượt người góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Cơ quan chức năng tổ chức hơn 28 ngàn hội thảo góp ý như thế.
Và báo cáo của ông Phan Trung Lý cũng được đề cập đến bốn vấn đề lớn được nhiều người nói đến là tên nước, vai trò của Đảng Cộng sản, vai trò của quân đội và quyền sở hữu đất đai Theo báo cáo tổng kết của ông Phan Trung Lý thì hầu như các ý kiến đóng góp đều theo hướng là giữ nguyên tên nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hiện nay. Ông này còn nói thêm nếu thay đổi tên nước vào thời điểm này có thể đưa đến những hệ quả bất lợi, thậm chí bị xuyên tạc xa rời mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội; cũng như từ đó gây phát sinh nhiều thủ tục tốn kém.
Sự chuẩn bị hầu như không có gì cả. Ít nhất là lãnh đạo phải nói thẳng, nói thực với nhân dân về thực trạng đất nước hiện nay thế nào.
-Ông Nguyễn Thượng Long
Về ý kiến đối với Điều 4 qui định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì ông Phan Trung Lý nói các ý kiến mà ủy ban của ông tiếp thu cho rằng giữ điều 4 là cần thiết.
Đối với vai trò của lực lượng vũ trang, thì chỉ có đảo một số chữ nhưng giữ nguyên điều 70 ghi trong dự thảo. Theo đó lực lượng vũ trang nhân dân ngoài việc tuyệt đối trung thành với Tổ quốc vẫn phải tuyệt đối trung thành với Đảng.
Riêng vấn đề quyền sở hữu đất đai, ông Phan Trung Lý cho rằng đây không phải là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị- xã hội nên ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp đề nghị quốc hội giữ nguyên khái niệm sỡ hữu toàn dân.
Ngay sau khi bài phát biểu của ông Phan Trung Lý được công khai trên những phương tiện thông tin đại chúng, nhiều trang mạng đã đưa lên ý kiến của một số người quan tâm kết luận là như vậy mọi điều cơ bản vẫn như cũ, không có gì thay đổi.
Blogger Đào Tuấn cho rằng ‘điểm mới nhất trong bản dự thảo lần này có thể tóm gọn trong 4 chữ ‘tiếp tục giữ nguyên’ đối với những vấn đề cơ bản nhất.

Thiếu lắng nghe

qh-250.jpg
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật, ủy viên Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp, đang trình bày trước quốc hội hôm 20/05/2013. File photo.
Sau khi chính ông Phan Trung Lý lên tiếng hồi tháng 12 năm ngoái rằng mọi người dân được kêu gọi góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 và việc góp ý không có ‘vùng cấm’, nhiều người quan tâm đã hưởng ứng lời kêu gọi đó. Nhóm 72 nhân sĩ trí thức đã ra một bản góp ý với 7 điểm cụ thể đề ngày 19 tháng 1 năm 2013. Đến ngày 4 tháng 2, một nhóm đại diện do ông cựu bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc dẫn đầu đã đến văn phòng Ban dự thảo sửa đổi hiến pháp của Quốc hội để trao bản kiến nghị đó.
Một số tổ chức tôn giáo như Hội Đồng Giám mục Việt Nam cũng có thư nhận định và góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Nhóm Công dân Tự do cũng có góp ý với những đề xuất mạnh mẽ như phải cho trưng cầu dân ý về Hiến Pháp thực sự của người dân… Nội dung của những góp ý vừa nêu về bốn điểm mà ông Phan Trung Lý báo cáo trước Quốc hội vào chiều ngày 20 tháng 5 vừa qua hầu như hoàn toàn trái ngược.Những góp ý được đưa ra là phải bãi bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, cần có đa nguyên - đa đảng để cạnh tranh công bằng; ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập với nhau để tránh lộng quyền; và đất đai không thể là thuộc sở hữu toàn dân, thống nhất do Nhà nước quản lý như lâu nay khiến nảy sinh vố số những thảm cảnh cưỡng bức thu hồi, đền bù rẻ mạt dẫn đến khiếu kiện dai dẳng bấy lâu nay…

Gây thất vọng

Sau khi có những phản công từ phía truyền thông Nhà Nước đối với Bản kiến nghị góp ý của 72 nhân sĩ, trí thức về sửa đổi dự thảo hiến pháp năm 1992, rồi việc phát tờ góp ý đến từng hộ dân với gợi ý cho mục đồng ý… nhiều người lên tiếng nhận định hoạt động kêu gọi góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp chỉ là một trò mang tính hình thức, thậm chí là lừa bịp người dân. Ông Nguyễn Thượng Long, một cựu giáo viên và là người tham gia công cuộc đấu tranh cho dân chủ nhân quyền Việt Nam hiện nay từng phát biểu:
Sự chuẩn bị không kỹ càng dễn dàng rơi vào hình thức, và cũng không có gì khác so với những dự thảo lần trước. Đó là điều rất buồn cho nhân dân chúng tôi.
-Ông Nguyễn Thượng Long
“Tôi nghĩ rằng đồi với người dân Việt Nam trước khi người ta bày tỏ góp ý cho hiến pháp thì về phía ban lãnh đạo Việt Nam về phía Đảng, Nhà Nước, Chính quyền cũng cần phải có sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị hầu như không có gì cả. Ít nhất là lãnh đạo phải nói thẳng, nói thực với nhân dân về thực trạng đất nước hiện nay thế nào. Tình trạng của đất nước đứng trước người Trung Quốc như thế nào. Không thể giấu nhân dân bất cứ điều gì; chứ còn những điều nói với nhân dân không hết, chưa hết, thậm chí còn nói ngược nhiều vấn đề thì sự góp ý chắc chắn sẽ không thể nào mỹ mãn, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng. Mà có bao nhiêu người dân quan tâm đâu khi mà cuộc sống phải luôn đối diện với ‘miếng cơm, manh áo’; thì có bao nhiêu người trong 90 triệu dân này đau đáu với ‘khế ước xã hội’.
Sự chuẩn bị không kỹ càng dễn dàng rơi vào hình thức, và cũng không có gì khác so với những dự thảo lần trước. Đó là điều rất buồn cho nhân dân chúng tôi.”
Đối với báo cáo của ông Phan Trung Lý, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên tức blogger Gốc Sậy, có bài đăng trên mạng với tựa để ở thế nghi vấn ‘Ông Phan Trung Lý xổ toẹt tất cả các đóng góp sửa đổi hiến pháp?’ Ts Nguyễn Hồng Kiên chất vấn ‘tại sao chủ nhiệm ủy ban pháp luật và là người phát ngôn của ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992, Phan Trung Lý lại có thể phủ nhận tất cả các kết quả đóng góp sửa đổi hiến pháp khi bảo ‘không đưa vấn đề ban hành luật về Đảng’. Ts Nguyễn Hồng Kiên tiếp tục cho thấy ông Phan Trung Lý bỏ qua Hội nghị góp ý về dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 do Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hồi ngày 19 tháng 2 tại đó ông Hoàng Thái, nguyên ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam nêu vấn đề Nhà Nước, Quốc hội, Mặt trận đều có luật nên cần phải có luật về Đảng để công khai, minh bạch, tránh tùy tiện.
Theo Ts Nguyễn Hồng Kiên một ý kiến khác cũng bị ông Phan Trung Lý bỏ qua là của ông Lê Quang Vinh, nguyên phó tổng thư ký UB Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc VN cho rằng nếu không ban hành luật về Đảng thì cũng chỉ là khẩu hiệu, mệnh lệnh mà thôi.
TS Nguyễn Hồng Kiên cho rằng ông Phan Trung Lý còn ‘bỏ sọt rác’ cả ý kiến của giáo sư Nguyễn Quang Thái, tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế khi góp ý phải có một đạo luật về hoạt động của Đảng để giám sát, phản biện như thế sẽ giúp giảm một bộ phận không nhỏ những đảng viên cán bộ thoái hóa biến chất như ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng thừa nhận.

Không có nhận xét nào: