Pages

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Tiến tới xoá bỏ Điều 04 ?

Nguyễn Tiến Dũng

Như nhiều chuyên gia đã phân tích, Điều 4 trong Hiến Pháp (đặt ĐCS lên trên Nhà nước) là một điều mà trong lý thuyết lẫn thực tế khiến cho Việt Nam trở thành phi dân chủ, vì ĐCS và các lãnh đạo ĐCS không hề do dân bầu ra mà lại là chính quyền tối cao, trong khi đó theo nguyên lý dân chủ thì chính quyền phải do dân bầu ra. Trong một số hoàn cảnh lịch sử đặc biệt nào đó, thì việc thiếu dân chủ này có thể được chấp nhận một cách tạm thời. Nhưng nếu để nó thành vĩnh viễn thì vô cùng có hại cho sự phát triển của đất nước. Điều này chúng ta cũng đã thấy trong 40 năm qua: tốc độ phát triển của Việt Nam kém xa các nước trong cùng khu vực trong các giai đoạn tương tự, để rồi ngày nay Việt Nam vẫn đang thuộc vào nhóm các nước nghèo nàn lạc hậu trên thế giới, trong khi những láng giềng như Hàn Quốc đã tiến lên thành nước hiện đại, bỏ rất xa chúng ta. Điều 04 cũng chính là nguyên nhân vì sao bao nhiêu phong trào chống tham nhũng ở VN đều thất bại, càng chống thi tham nhũng càng tăng: nó cản trở các cơ chế kiểm soát quyền lực.

Tôi cũng đã nói rất thẳng về điều này trong bài phân tích “Hiến Pháp nào cho Việt Nam” cách đây 3 tháng.

Vấn đề lớn đặt ra đối với những người tiến bộ trong và ngoài ĐCS ở VN ngày hôm nay là: làm sao để tiến tới xoá bỏ Điều 04 ?

Việc xoá hoàn toàn ngay lập tức có vẻ rất khó thực hiện, vì nó gặp phải cản trở quá lớn từ phe bảo thủ, và từ những người tuy nhìn nhận ra sự cần thiết phải cải cách nhưng vẫn sợ cải cách (cái cũ thì biết nó tồi rồi, nhưng đã quen sống trong cái tồi đó và một số thành phần “elite” có khi còn được hưởng nhiều lợi lộc từ nó, còn chưa biết thay đổi thì sẽ ra sao, nên sợ). Nhưng nếu không lấy việc xoá Điều 04 làm mục đích sửa đổi Hiến Pháp, và không có những bước lớn nhằm xoá bỏ dần nó, thì sẽ không bao giờ xoá được đó, và điều đó có nghĩa là VN sẽ lại bị lạc hậu thêm mấy thế hệ nữa.

Chính vì vậy mà tôi hoàn toàn thất vọng khi nhóm “cùng viết hiến pháp”, sau khi tỏ ra cấp tiến đưa tin về các ý kiến tiến bộ khác nhau, thì “quay ngoắt 180 độ” và đưa ra một bản kiến nghị trong đó về cơ bản giữ nguyên nội dung quan trọng nhất của Điều 04: đặt ĐCS vào vị trí lãnh đạo nghiễm nhiên đối với nhà nước. Đối với tôi thì hành động (đầy mưu toan ?) này của một số người trong nhóm đó đã làm hại cho VN, và cho một số người khác trong nhóm bị họ lôi kéo vào trò hề này.

Nhóm soạn thảo hiến pháp của Quốc Hội có đưa ra một bản dự thảo  vào ngày 11/04 (gọi là bản thứ 3, tuy không được công bố nhưng có thể tìm thấy trên mạng ở một số trang “lề dân”). Trong đó có đưa ra hai lựa chọn khác nhau cho Điều 04. Lựa chọn 1 là như bản dự thảo 01/2013, còn lựa chọn 2 có thay đổi câu chữ đi so với lựa chọn 1, bỏ bớt mấy dòng “công nhân, Mác-Lê …” nhưng về cơ bản vẫn giữ nội dung như lựa chọn 1. Đấy không thể coi là một thay đổi lớn về bản chất.

Có thể có chăng 1 thoả hiệp, tạo ra một sự thay đổi lớn về bản chất, nhưng không đến mức làm cho ĐCS (thế lực lãnh đạo de facto hiện tại) không thể chấp nhận được.  Theo tôi, nếu có nhiều lãnh đạo trong Đảng có thiện chí, thì có thể đạt được thoả hiệp như vậy: một thoả hiệp mở đường cho chuyển đổi. Nếu được như vậy,thì đây cũng không phải là lần đầu co thoả hiệp trong hiến pháp trên thế giới để mở đường cho thay đổi tiến bộ. Ví dụ sau đây có thể là hơi khập khiễng, nhưng Pinochet khi còn là độc tài ở Chile cũng đã chịu thoả hiệp trong hiến pháp dẫn đến dân chủ hoá.

Một Điều 4 của một “giai đoạn quá độ” có thể thành kiểu đại loại như sau:

- ĐCS hiện tại đảm nhiệm việc  lãnh đạo nhà nước VN …

(chú ý chữ “hiện tại“, không có nghĩa là vĩnh viễn)

Sự lãnh đạo này là được nhân dân VN uỷ thác cho đến năm …. (2015-6 ?) Vào năm đó sẽ bầu cử lại … và Quốc Hội sẽ quyết định …

Các đảng phái chính trị khác ở VN được phép thành lập … được pháp luật bảo vệ …

(đây là điểm quan trọng – ngay Trung Quốc cũng có nhiều đảng, tại sao VN lại không ?!)

Kể từ năm …, trong các cuộc bầu cử  vào Quốc hội và các vị trí lãnh đạo …, các ứng cử viên có thể thuộc ĐCS, thuộc đảng chính trị khác, hay không thuộc đảng nào cả.

Nguyễn Tiến Dũng


Các câu viết phía trên chỉ có tính chất gợi ý thôi còn cụ thể có thể khác nhiều. Nhưng cần tạo được một lộ trình trong hiến pháp lần này, và sau khi lộ trình đó kế thúc cần đạt đến một hiến pháp khác có tính ổn định lâu bền hơn !

(zung.zetamu.net)

Không có nhận xét nào: