HÀ NỘI (NV) .- Nếu tiếp tục duy trì hai dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, mỗi năm, Việt Nam vừa mất tài nguyên, vừa mất 60 triệu USD.
Dự án Nhân Cơ ở Đắk Nông đang gần hoàn tất. Bất chấp các khuyến cáo, lãnh đạo CSVN vẫn chi gần một tỷ USD cho hai dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Bây giờ thì tiến thoái lưỡng nan. Không làm thì mất cả tỷ USD đã đầu tư. Làm thì vừa mất cả tỷ USD, vừa lỗ gần trăm triệu USD/năm. (Hình: VietNamNet)
Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Sơn, một tiến sĩ đang làm việc tại Ban Quản lý Các dự án than đồng bằng sông Hồng.
Ông Sơn cho biết, theo qui định hiện hành, thuế xuất cảng quặng nhôm dao động trong khoảng từ 15% đến 40% giá xuất khẩu.
Nếu cho phép các dự án khai thác bauxite được hưởng thuế xuất cảng là 0% thì điều này hết sức phi lý.
Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa tổ chức một cuộc họp báo về dự án Alumin Nhân Cơ tại Đắk Nông (thường được gọi tắt là dự án Nhân Cơ) và dự án Tổ hợp Nhôm – Bauxite Lâm Đồng (thường được gọi tắt là dự án Tân Rai).
Tại cuộc họp báo, đại diện Vinacomin vẫn khẳng định, dự án Tân Rai và dự án Nhân Cơ “sẽ có hiệu quả”, nếu được… nhà nước ưu đãi bằng cách miễn thuế xuất cảng quặng nhôm!
Tuy nhiên cho phép như thế thì vừa mất tài nguyên, mà ngân sách sẽ thất thu tối thiểu 15% giá trị số quặng nhôm được xuất cảng, tương đương 60 triệu USD/năm.
Sau đó, đuối lý trước các chất vấn của những chuyên gia kinh tế và khai thác khoáng sản, đại diện Vinacomin thòng thêm ý kiến: “Vinacomin muốn giới chuyên gia, các nhà khoa học góp ý xem nếu dừng thì được lợi gì, hại ra sao, giải quyết hậu quả như thế nào vì nhà máy đã ký thầu EPC với nhà thầu nên không thể nói bỏ là xong”.
Mặt khác, ông Nguyễn Tiến Chính, Trưởng ban Khoa Học Công Nghệ và Chiến Lược Phát Triển của Vinacomin nói trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm 16/5/2013 rằng:
“Sau khi xem xét, tính toán, Vinacomin đã thống nhất là không dừng và cũng không dám dừng dự án. Là chủ đầu tư, chúng tôi chịu trách nhiệm theo sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về hiệu quả kinh tế của dự án”.
“Sau khi xem xét, tính toán, Vinacomin đã thống nhất là không dừng và cũng không dám dừng dự án. Là chủ đầu tư, chúng tôi chịu trách nhiệm theo sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về hiệu quả kinh tế của dự án”.
Với tuyên bố đó, trách nhiệm về tính hiệu quả của việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã được Vinacomin chuyển sang cho lãnh đạo Đảng CSVN và chính quyền CSVN.
Tuần trước, tại hội thảo về “Bauxite Tây Nguyên: Thực trạng, định hướng và kiến nghị”, do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (thường gọi tắt là VUSTA) tổ chức, các chuyên gia khẳng định, nếu tiếp tục thực hiện hai dự án liên quan đến việc khai thác bauxite và chế biến quặng nhôm, Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt.
Hồ chứa bùn đỏ độc hại với môi trường thiên nhiên do nhà máy tuyển quặng Tân Rai (Lâm Đồng) thải ra.
Đây mới chỉ là một phần rất nhỏ vì nhà máy Tân Rai mới chỉ làm thử được hơn 20 ngàn tấn alumina trong kế hoạch khai thác 600,000 tấn/năm. (Hình: Kiến Thức Việt Nam)
Cách nay năm năm, khi nghe tin chính quyền CSVN dự định tổ chức khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhiều nhà khoa học, chuyên gia của đủ mọi lĩnh vực ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã lên tiếng ngăn cản, bởi ý định đó không những sẽ không khả thi về mặt kinh tế mà còn lãng phí công qũy, gây nguy hại cho cả môi trường, an ninh – quốc phòng, lẫn văn hóa – xã hội.
Bất chấp các phân tích, khuyến nghị, đầu tháng 2 năm 2009, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN đăng đàn tuyên bố: “Khai thác bauxite là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước”.
Ý định khai thác bauxite ở Tây Nguyên vẫn được thực hiện thông qua hai dự án: Dự án Nhân Cơ và dự án Tân Rai.
Theo những thông tin do chính Vinacomin công bố: Tính đến cuối tháng 3, tổng vốn đầu tư cho dự án Tân Rai đã ở mức 11,000 tỉ đồng (tương đương $640 triệu USD).
Nếu so giá thành với giá bán, Vinacomin sẽ phải bù lỗ khoảng 5 năm và mất chừng 12 năm để thu hồi vốn.
Tương tự, với dự án Nhân Cơ, Vinacomin tiết lộ, vốn đầu tư đã tăng thêm 31% so với dự tính.
Thời gian hoàn thành dự án chậm khoảng 18 tháng so với kế hoạch. Thời gian thu hồi vốn khoảng 13 năm.
Trước mắt, theo tính toán, chi phí vận chuyển sẽ tăng thêm 250,000 đồng/tấn.
Những thông tin này khiến nhiều chuyên gia lo ngại bởi giá bán thấp hơn giá thành thì đó rõ ràng là thua lỗ.
Những thông tin này khiến nhiều chuyên gia lo ngại bởi giá bán thấp hơn giá thành thì đó rõ ràng là thua lỗ.
Trong vài năm qua, giá khoáng sản liên tục giảm và chưa biết bao giờ ngưng.
Nếu so giá thành với giá bán quặng nhôm ở thời điểm hiện nay, mỗi năm, các dự án khai thác bauxite sẽ lỗ vài chục triệu USD.
Các chuyên gia còn cảnh báo, nếu tính đúng, tính đủ, không thể loại bỏ khoản chi lên tới ba tỷ USD để xây dựng một tuyến đường sắt nhằm vận chuyển quặng nhôm từ Tây Nguyên đến cảng.
Không tìm ra ba tỷ USD để làm tuyến đường sắt này, quặng nhôm sẽ kẹt trong núi, chẳng bán được cho ai.
Trong thực tế, hiện có hơn 20,000 tấn quặng nhôm đang kẹt ở Tân Rai vì thiếu đường vận chuyển.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, ông tin Vinacomin cũng muốn dừng việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên nhưng họ sợ trách nhiệm.
Chỉ một nơi có thể ra lệnh này là lãnh đạo Đảng CSVN. Với các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, ra lệnh dừng là lối thoát duy nhất! (G.Đ.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét