Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Có nên tẩy chay thực phẩm Trung Quốc?

Trong những ngày sắp tới, nếu chính quyền Trung Quốc không đưa ra một giải pháp cụ thể nào để phục hồi niềm tin của giới tiêu thụ quốc tế về an toàn thực phẩm, chắc chắn sẽ có một phong trào tẩy chay hàng hóa thực phẩm Trung Quốc trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là Việt Nam...

Hình minh họa
Những tin tức dồn dập về nguồn thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có chất độc buộc khách tiêu thụ người Việt Nam phải đặt ra câu hỏi : có nên tẩy chay thực phẩm Trung Quốc?

Câu hỏi này là chính đáng vì liên quan đến sức khỏe không những của người tiêu thụ Việt Nam mà còn cả thế giới. Đáng lý ra câu hỏi này phải đặt ra từ lâu vì khối lượng lương thực và thực vật nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam, chính thức cũng như buôn lậu, ngày càng lớn và chưa có dấu hiệu suy giảm trong một thời gian gần. Lý do thực phẩm Trung Quốc được ưa chuộng và lấn át nguồn thực phẩm nội địa là giá rẻ và được trình bày hấp dẫn hơn.

Chỉ gần đây, khi chính quyền cộng sản Việt Nam tăng cường biện pháp kiểm nghiệm nguồn thực phẩm nhập khẩu, dân chúng Việt Nam mới khám phá đã bị đầu độc không biết từ lúc nào và không biết khi nào thì những chứng bệnh liên quan đến thực phẩm bị nhiễm độc phát tác.

Phát hiện độc tố trong gạo tại Trung Quốc

Ngày 23/05/2013, cuộc thử nghiệm những mẫu hạt gạo cung cấp cho các nhà hàng và cơ quan nhà nước trong tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, cho biết 60% lượng gạo cung cấp chứa chất độc catmi (cadmium). Cadmium là một kim loại độc, nếu bị lạm dụng sẽ gây ra những chứng bệnh ung thư hay các bệnh về xương (bị biến dạng), thận (bị liệt) và gan (bị sơ cứng). Sự hiện diện của chất cadmium trong lúa gạo do canh tác trên những vùng đất bị nhiễm độc khi khái thác khoáng sản hầm mỏ (chì, gang, đồn), hay do sử dụng triệt để phân bón hóa chất có nồng độ phốt phát cao. Hiện nay khu vực canh tác lúa gạo trong tỉnh Hồ Nam, vừa lúa của Trung Quốc, đang bị nhiễm độc nặng. Năm 2011, 10% tổng sản lượng lúa gạo sản xuất tại Trung Quốc có chứ chất độc cadmium, ngày nay tỷ lệ đó tăng cao hơn nhiều vì lượng phân bón sử dụng nhiều hơn nhưng chính quyền Trung Quốc không cho công bố.

Đây là một bài toán khó tìm ra một giải đáp trong tức thì. Gạo là nguồn thực phẩm chính của người Trung Quốc, các chính quyền trung ương và địa phương áp dụng giá thu mua cao để khuyến khích nông dân sản xuất và gia tăng dự trữ. Bắc Kinh luôn tự hào có thể tự cung cấp 95% nguồn lương thực cho cả nước với hơn 1,5 tỷ dân. Trong khi đó, để gia tăng lợi tức, nông dân Trung Quốc đã huy động mọi khả năng để gia tăng canh tác, đặc biệt là sử dụng tối đa nguồn phân bón từ hóa chất, và gia tăng tổng sản lượng lúa gạo bán cho nhà nước.

Từ gạo, giới công nghệ thực phẩm Trung Quốc chế biến các sản phẩm và phó sản gạo như bột gạo, bún gạo, các loại bánh bằng bột gạo… và xuất khẩu đi khắp nơi.

Hiện nay Trung Quốc là quốc gia sản xuất 1/4 lúa gạo trên thế giới, với 200 triệu tấn gạo trắng hàng năm và nhập hơn một triệu tấn năm 2012. Với sự phát hiện có độc tố trong gạo, tỉnh Hồ Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ lượng lúa sản xuất sau vụ gặt hè thu (tháng 10) sắp tới. Chắc chắn năm nay Bắc Kinh sẽ gia tăng lượng gạo nhập khẩu để bù đắp sự "tẩy chay" của dân chúng Trung Quốc.

Cũng nên biết hiện nay, trước quá trình đô thị hóa quá ngày càng nhanh và càng lớn, những vùng đất canh tác quanh các đô thị lớn và khu công nghiệp đều bị nhiễm độc, do chính quyền Trung Quốc không có kế hoạch giải quyết các loại chất thải công nghiệp. Biện pháp giản tiện nhất là đổ ra sông ngòi và ao hồ khiến các loại cây lương thực và thực phẩm trồng trọt quanh đó đều bị nhiễm độc, vì nguồn nước bị ô nhiễm.

Ngay nay, mức sống của người Trung Quốc được nâng cao, nhu cầu về an toàn thực phẩm  cũng gia tăng, nhưng hệ thống kiểm phẩm an toàn thực phẩm chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Thực ra Viện Phát triển Nông thôn thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc không thể làm vì không có giải pháp, gần như tất cả các vùng đất canh tác đều bị ô nhiễm, không nặng thì nhẹ do sử dụng tối đa nguồn phân bón hóa chất để gia tăng năng suất.

Những loại cây thực vật khác cũng bị nhiễm độc

Không riêng gì gạo, củ gừng sản xuất tại tỉnh Sơn Đông có chứa chất độc do ngâm tảm thuốc trừ sâu hoạt chất Aldicarb để giữ củ gừng tươi lâu hơn. Aldicarb là một trong những hoạt chất cực độc, chỉ được sử dụng cho 5 loại cây ở Trung Quốc là cây bông vải, thuốc lá, hoa hồng, lạc và khoai tây với điều kiện phải được sự cho phép và kiểm soát nghiêm ngặt của Bộ Nông nghiệp. Nếu cơ thể người bị nhiễm Aldicard ở mức độ cao có thể gây co thắt phế quản, chảy nước miếng, teo đồng tử, co thắt ruột, tiêu chảy, buồn nôn và tim đập chậm, dẫn đến tử vong.

Trong dịp Tết vừa qua, các cửa hàng Việt Nam và các cửa hàng thực phẩm nơi có đông người Việt ở nước ngoào bày bán rất những các loại mứt gừng nhập khẩu từ Trung Quốc, chắc chắn những loại gừng này có chứa không nhiều thì ít chất độc Aldicarb.

Gần đây, ngày 06/05, sau khi thử nghiệm một mẫu chanh vàng nhập từ Trung Quốc, Cục bảo vệ thực vật phát hiện có chất độc Carbendazim, dùng để diệt sâu bọ, có nguy hại tới sức khỏe con người. Trước đó, kết quả kiểm tra công bố năm 2012 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhiều loại hoa quả có nguồn gốc Trung Quốc như nho, lê, táo, dưa vàng, khoai tây… có dư hóa chất vượt quá ngưỡng cho phép từ 1-5 lần. Tất cả những loại hoa quả sản xuất từ Trung Quốc không ít thì nhiều đều bị nhiễm độc bởi những hóa chất bảo quản và giữ màu tươi.

Đầu năm nay, ngày 22/01/2013, Đội quản lý thị trường số 2 thuộc Chi cục quản ý thị trường tỉnh Bình Dương phát hiện một cơ sở chế biến hàng loạt gia vị thực phẩm lậu với quy mô lớn tại số nhà 4/5B khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương có sử dụng hóa chất, bột phẩm, đường hóa học có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cơ sở này sản xuất các loại chai hũ gia vị như giấm tinh luyện, xa tế, tương hột, dầu mè, mắm nêm, mắm ruốt Huế…

Xác hàng chục ngàn heo vịt chết bị thả trôi sông

Trong tháng 03/2013, dân chúng sinh sống dọc hai bờ sông Hoàng hó, thành phố Thượng Hải đã phải lợm giọng vì mùi hôi thối của khoảng 16.000 xác heo đang rữa trôi trên sông. Chỉ riêng trong ngày 12/03/2013, có 5.916 xác heo được lôi khỏi mặt sông. Vấn đề là chính quyền Thượng Hải cho biết nước sông vẫn an toàn, chất lượng nước vẫn đạt tiêu chuẩn của chính phủ. Không ai biết tiêu chuẩn này có phù hợp với tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển phương Tây hay không. Cũng nên biết, sông Hoàng Phố là nguồn cung cấp nước uống chính của thành phố Thượng Hải, với 25 triệu dân. Không biết cơ quan lọc nước sử dụng các loại hóa chất gì để lọc nguồn nước vốn rất dơ bẩn cho dân Thượng Hải uống. Những xác heo này trôi từ quận Tùng Giang ở thượng nguồn Thượng Hải, gần tỉnh Chiết Giang, nghĩa là cách đó hàng trăm cây số, không ai biết vì sao chung chết và ai đẩy chúng xuống sông. Gần đây chính quyền địa phương chó biết chúng chết vì dịch bệnh cúm heo, nhưng không trả lời được tại sao lại không chôn hay đốt mà lại đẩy xác chúng xuống sông. Bí ẩn !

Ngày 26/03/2013, cư dân huyện Bằng Sơn, tỉnh Tứ Xuyên đã tìm thấy khoảng một ngàn xác vịt chết đang phân hủy trôi trên sông Nam Hà. Sau khi điều tra, chính quyền Bằng Sơn cho biết số vịt chết này trôi từ thượng nguồn, không ảnh hưởng đến người dân cũng như đàn gia súc địa phương vì không dùng nước sông này để uống.

Sự kiện này xảy ra cùng một lúc với những lo ngại về môi trường của Trung Quốc đang gia tăng, trong đó có mật độ khói cao u ám cả bầu trờ Bắc Kinh, các vụ ô nhiễm nước và không khí ở các vùng quê… Nhưng an toàn thực phầm đang trở thành lo ngại lớn hơn so với vấn đề an ninh lương thực sau một loạt những vụ bê bối, từ sữa có chất melamine tới gạo và rau quả nhiễm kim loại nặng.

Dùng thịt bẩn để chế biến thức ăn

Dân chúng Trung Quốc ngày càng lo ngại hơn về các vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là sau vụ sản phẩm sữa cho trẻ em có chứa chất melamine. Vụ sữa có chất melamine dùng cho công nghiệp cách đây năm năm khiến hàng chục ngàn em nhỏ bị nhiễm bệnh và sáu em thiệt mạng.

Ngày 24/04/2013, hai bé gái ở làng Lương Hà, huyện Bình Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, đã ăn phải sữa chua trộn bả chuột, bị co giật một hồi, rồi tử vong.

Đầu tháng 05 vừa qua,chính quyền Trung Quốc cho biết họ phát hiện ra gần 400 trường hợp và thu giữ hơn 20.000 tấn thịt giả trong vòng ba tháng qua. Gần 1000 người bị bắt vì bán thịt giả hoặc thịt bẩn mà họ nói là thịt cừu nhưng trên thực tế là thịt chuột, chồn và cáo, rồi thêm chất hóa học. Đó là chưa kể những vụ lặt vặt như dùng chất hydrogen peroxide để tẩy trắng chân gà và bơm nước vào thịt để tăng trọng lượng. Trước đó đã xảy ra vụ chế biến dầu nấu ăn từ dầu thải của các nhà hàng, bếp ăn.

Theo báo Sức khỏe Đời sống đăng hồi tháng 06/2012, 70% thịt bẩn từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường cửa khẩu Lạng Sơn, trong đó có các loại như nội tạng, chân giò bò, lợn, chân gà... đã bốc mùi hôi thối. Thịt bẩn có thể là thịt heo chết được chế biến thành phó phẩm như lạp xưởng, thịt sấy khô… để tung ra thị trường.

Ngoài thịt, trên thị trường cũng có các loại rau quả nhập về từ Trung Quốc nhưng dán mác hàng Việt Nam, như nho, mận, lựu đều không an toàn do có chứa các loại hóa chất độc hại. Ngay cả các loại hạt dưa, hạt hướng dương nhập từ Trung Quốc cũng có chứa kim loại nhôm.

Tại Việt Nam, phần lớn thực phẩm đã hư thối, hay động vật mang dịch bệnh được vận chuyển theo tuyến Nam - Bắc, nhiều trường hợp được phát hiện là từ Đồng Nai.

Gần đây nhất, tháng 04/2013, hơn một tạ nội tạng thối lọt qua cửa hải quan của Hàng không Việt Nam ra tới sân bay Nội Bài, với mác ghi xuất xứ là từ Sài Gòn, theo truyền thông trong nước.

Vấn đề của Trung Quốc là bảo vệ sức khỏe người dân

Trong những năm sắp tới, Trung Quốc phải đương đầu với những hậu quả của sự mất vệ sinh và an toàn thực phẩm. Hiện nay Bộ Môi trường của Trung Quốc đã thừa nhận sự hiện diện của những "làng ung thư" sau nhiều năm có những dư luận của công chúng về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường ở một số vùng.

Trung Quốc cũng chứng kiến ngày càng nhiều sự tức giận của dân chúng trước nạn ô nhiễm không khí và nguồn nước bị nhiễm độc. Người Trung Quốc được hưởng lợi gì khi đất nước của họ được xếp vào cường quốc thứ hai về kinh tế trong khi người dân đang chết dần chết mòn bởi những chứng bệnh ung thư do tăng trưởng kinh tế mang lại ?

Từ nhiều năm, dư luận quốc tế đã từng nghe những nhà tranh đấu cho môi trường tại Trung Quốc nói về tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở một số làng nằm gần các nhà máy và các hệ thống cấp, thoát, tưới tiêu nước bị ô nhiễm đã tăng vọt. Dư luận trong và ngoài Trung Quốc yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải minh bạch hơn về nạn ô nhiễm môi trường, dám xác nhận có ô nhiễm và đưa ra những biện pháp ngăn chặn.

Báo cáo mới nhất từ Bộ Môi trường được đặt tiêu đề "Phòng chống và kiểm soát các rủi ro bởi các loại hóa chất đối với môi trường trong giai đoạn năm năm lần thứ 12 (2011-2015)" cho biết sản xuất và tiêu thụ tràn lan các hóa chất độc hại vốn bị cấm ở nhiều quốc gia phát triển vẫn còn được tìm thấy ở Trung Quốc đã gây ra các tình trạng khẩn cấp về môi trường liên quan ô nhiễm nước và không khí. Bản báo cáo thừa nhận các loại hóa chất độc hại này có thể đã gây ra một số nguy cơ lâu dài đối với sức khỏe con người.

Tại Trung Quốc, số vụ bê bối về an toàn thực phẩm tiếp tục diễn ra không ngừng, gần như mỗi ngày các cơ quan truyền thông Trung Quốc tải đi những thông tin về mất vệ sinh thực phẩm và nguồn thực phẫm bị nhiễm độc. Qua những vụ việc này, một câu hỏi được đặt ra tại sao lợi nhuận lại được đặt lên trên sức khỏe con người như vậy ?

Đáng lẽ vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm phải được giải quyết cách đây năm năm, sau khi hàng chục ngàn em nhỏ bị bệnh sau khi uống sữa bột trẻ em bị nhiễm độc. Hóa chất melamine dùng cho công nghiệp đã bị bỏ thêm vào bột để tạo cảm giác sữa giàu protein hơn. Sáu em nhỏ thiệt mạng và hai trong số những kẻ phải chịu trách nhiệm trong vụ này đã bị án tử hình.

Điều này cho thấy, vệ sinh thực phẩm không phải là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. Ưu tư chính của Bắc Kinh là thực hiện mộng bá quyền trên Thái Bình Dương. Do đó, mặc dù có đầy đủ các cơ quan dịch tể, kiểm nghiệm nhưng không ai có thể kiểm soát và làm sạch các dây chuyền cung cấp thực phẩm tại Trung Quốc. Tham nhũng và sự thiếu vắng luật lệ đã giúp bỏ qua các quy trình cần thiết, không quan tâm tới an toàn thực phẩm cho quần chúng.

Trong những ngày sắp tới, nếu chính quyền Trung Quốc không đưa ra một giải pháp cụ thể nào để phục hồi niềm tin của giới tiêu thụ quốc tế về an toàn thực phẩm, chắc chắn sẽ có một phong trào tẩy chay hàng hóa thực phẩm Trung Quốc trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là Việt Nam, khách hàng gần nhất và cũng là khách hàng tiêu thụ nhiều nhất nguồn thực phẩm chế biến từ Trung Quốc.

Nguyễn Văn Huy

(Thông luận)

Không có nhận xét nào: