Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Bà Suu Kyi bắt đầu tranh cử

Bà Suu Kyi đang ở thăm Dawei
Lãnh đạo dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi đã tới thăm thị trấn Dawei trong chuyến đi vận động trước cuộc bầu cử bổ sung ngày 1/4.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng nay bà Suu Kyi ra khỏi phạm vi Rangoon. Chuyến đi lần này được xem như phép thử mức độ tự do mà chính quyền dành cho bà và đảng của bà trong việc vận động bầu cử.

Hàng nghìn người đã tụ tập để chiêm ngưỡng bà Suu Kyi, người từng được trao giải thưởng Nobel về hòa bình và vừa được bỏ quản thúc năm 2010.
Chính quyền Miến Điện hiện đang bắt đầu một quá trình cải cách thận trọng.
Đảng của bà Aung San Suu Kyi, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đang tranh cử tại tất cả các khu vực có chỗ trống trong kỳ bầu cử bổ sung sắp tới.

Bản thân bà ứng cử tại thị trấn Kawhmu.
Một người phát ngôn của NLD nói với BBC rằng chuyến đi của bà Suu Kyi tới Dawei là nhằm giúp tổ chức cơ sở đảng trước bầu cử.
Tuy nhiên phóng viên BBC tại khu vực, Rachel Harvey, nhận định rằng đây không chỉ là một chuyến thăm có tính hành chính.
Bà Suu Kyi đi bất cứ đâu thì người dân cũng đổ đến vây quanh để được nhìn thấy người phụ nữ vốn đã bị quản chế tại gia 15 năm trong 23 năm qua.

Cơ hội mới

Tại Dawei, người dân đứng bên hai lề đường hò reo: "Aung San Suu Kyi muôn năm!"
Hãng thông tấn AFP dẫn lời bà nói với các ủng hộ viên: "Nếu như chúng ta đi đúng hướng thì đất nước chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội. Chúng ta cần nhanh chóng nắm lấy chúng".
Chính quyền Miến Điện đang lên kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp khổng lồ ở Dawei và dự án này có thể sẽ thay đổi toàn diện bộ mặt của khu vực.
Hồi đầu tháng, chính phủ đã phải đình chỉ việc xây dựng một nhà máy nhiệt điện dùng than ở đây vì quan ngại môi trường.
Quyết định này được xem như chiến thắng cho các nhà vận động địa phương, và chỉ dấu rằng tiến trình cải cách đang mở ra.
Cuộc bầu cử tháng Tư sẽ là lần đầu tiên bà Suu Kyi có sự tham gia trực tiếp. Bà bị quản chế từ năm 1990 khi NLD thắng cử đa số nhưng không được quyền lãnh đạo.
NLD sau đó đã tẩy chay cuộc bầu cử năm 2010, trong đó chính quyền dân sự có sự hậu thuẫn của giới quân sự do Tổng thống Thein Sein đứng đầu lên nắm quyền.
Chính quyền của ông Thein Sein từ đó đã mở đối thoại với bà Suu Kyi và thay đổi luật bầu cử vốn dẫn đến việc tẩy chay của NLD.

Không có nhận xét nào: