Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

‘Doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản đã trở thành dịch rồi’

Ông Trần Hoàng Ngân – Thành viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội – cho rằng dấu hiệu nền kinh tế suy yếu đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, với bằng chứng là mỗi năm có đến hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản và giải thể, mà nguyên nhân chủ yếu là do các bộ, ngành chức năng không nhận được diện được đầy đủ tình hình, dẫn đến việc đánh giá sai “sức khỏe” của các doanh nghiệp.
Kinh tế Việt Nam khó khăn lắm rồi, và sao nữa?
 
“Nếu như năm 2012 là khó khăn, là đáng lo ngại thì đến bây giờ tôi có thể khẳng định là vô cùng khó khăn và vô cùng đáng lo ngại, doanh nghiệp phá sản ngày một nhiều. Việc “vực dậy” đang cấp bách lắm rồi, càng chậm trễ càng lún sâu hơn vào khó khăn”, ông Trần Hoàng Ngân nói trong bài phỏng vấn với tờ VnEconomy ngày 23/5.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh tế “bi đát” như hiện nay, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng ngoài một số ít nguyên nhân khách quan còn chủ yếu là do các bộ, ngành chức năng không nhận diện được đầy đủ tình hình, dẫn đến việc đánh giá sai “sức khỏe” của các doanh nghiệp. Trong khi đó, thực tế, số lượng các doanh nghiệp “chết yểu” vẫn không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2010 có 43.000 doanh nghiệp tuyên bố giải thể, phá sản thì đến năm 2011 con số này là trên 53.000,và năm 2012 là hơn 54.000. Ba tháng đầu năm nay, mỗi tháng có khoảng 5.000 đơn vị ngừng hoạt động và tổng số đến nay đã là 20.000 doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp còn hoạt động thì cũng không khả quan gì hơn. Năm 2012, có tới 69% doanh nghiệp báo lỗ – con số lớn nhất từ trước đến nay. Chỉ cần nhìn vào những con số biết nói này cũng đủ thấy tình hình kinh tế hiện tại vô cùng đáng lo ngại. Trong khi đó, chưa kể những con số thống kê này mới chỉ là “tảng băng trôi”, tình hình thực sự có thể còn nguy cấp hơn rất nhiều như đánh giá của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “có thể có tới 100.000 doanh nghiệp chết chứ không chỉ mấy chục nghìn, tỷ lệ doanh nghiệp lỗ cũng cao hơn nữa”. Nếu hết năm 2013 này mà kinh tế Việt Nam vẫn cứ rối như hiện tại thì “e rằng có cứu cũng quá muộn”.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Mai Hữu Tín chia sẻ với tờ VnExpress ngày 21/5 cũng khẳng định khó khăn của doanh nghiệp lớn hơn so với hình dung của nhiều người. Một số lớn doanh nghiệp đã “chết” và chỉ còn chờ chôn, tình trạng đình đốn sản xuất kinh doanh diễn ra khắp nơi. Hơn 50% doanh nhân trẻ bi quan, không tin là có thể trụ nổi qua hết giai đoạn này, và bản thân ông cũng “không có tiên đoán nào lạc quan cho tương lai cả, bởi vì tình hình sẽ còn tiếp tục xấu”.
Trước tình trạng nguy cấp của nền kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn và lo lắng. Theo ông Trần Hoàng Ngân, những chính sách của Chính phủ chậm đi vào cuộc sống khiến nền kinh tế không thể “ấm” lên được. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch thì nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn bên lề cuộc họp của Quốc hội diễn ra ngày 22/5: muốn vực dậy nền kinh tế, Chính phủ cần có những biện pháp “mạnh tay” hơn nữa đối với khối DNNN (TTXVN). Thẳng thắn hơn, đại biểu Huỳnh Minh Thiện cho rằng tình hình kinh tế hiện nay là hệ quả tất yếu của việc quản lý điều hành nền kinh tế mang tính chất ngắn hạn, không có chiến lược trong chuyển đổi mô hình kinh tế làm thay đổi chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế (theo báo Lao động ngày 23/5).
Nhìn chung, các chuyên gia đều nghiêng theo hướng sức cầu nền kinh tế còn thấp, kéo theo đó là nhiều hệ lụy. Ông Ngân có nhấn mạnh thêm vai trò không nhỏ của nhà nước: không những chậm đưa chính sách vào cuộc sống mà số liệu còn chắp vá, thiếu thống nhất, cơ quan quản lý không nhận diện đầy đủ tình hình, chính sách rất tốt trên giấy nhưng ra đến thực tế thì lại trật nhịp, “xử lý sự vụ cụ thể còn yếu”. Trong khi đấy, chỉ cần nhìn huy động vốn 4 tháng đầu năm tăng 5,34% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,4% đã cho thấy, nguồn lực tài chính trong dân còn rất lớn, dân không thiếu tiền để mua hàng hóa, mà là không đủ tin tưởng để tiêu dùng khi một đồng chi tiêu trong hôm nay chưa biết ngày mai có kiếm lại được để bù đắp và đảm bảo chi tiêu trong tương lai không, khi kinh tế cứ “nguy lắm rồi”. Cho nên, buộc họ phải tìm đến với các sản phẩm Trung Quốc – thứ hàng hóa vừa rẻ vừa dễ tìm, có thể chạm mặt ở bất cứ đâu mà không cần phải treo bất cứ biển “Made in…” quảng cáo nào.
Vân Du Tổng hợp

Không có nhận xét nào: