Về phía truyền thông nhà nước, và ngay cả những đại diện đến với Thái Hà, gọi là “đối thoại”, cũng chỉ lập đi lập lại một quyết tâm là xây dựng trạm xử lý nước thải, mà không hề muốn bàn đến ước muốn của DCCT Hà Nội, và cộng đồng dân Chúa giáo xứ Thái Hà. Điều làm cho nhiều người có đạo cũng như không có đạo không đồng tình với dự án này, vì cách làm của nhà cầm quyền Hà Nội có nhiều khuất tất, có dấu hiệu che đậy sự thật.
Người ta hỏi, với một trạm xử lý nước thải cho một bệnh viện tuyến quận, sao lại phải chi tới 75 tỉ? Đây là công trình được “nhân dân đồng thuận”, sao không khởi công vào ban ngày, mà phải đêm hôm triển khai?
Như tin chúng tôi đã đưa tối qua, lúc gần 23:00, các xe công an cơ động bắt đầu được điều đến trong và ngoài tu viện DCCT-bệnh viện Đống Đa. Rồi sau đó, sự gia tăng cứ tiếp tục và liên tục đến hơn 500 nhân viên công lực với trang bị sung ống, và những dụng cụ chống bạo động.
Trong khi đó, các giáo dân cùng với tu sĩ, linh mục DCCT Thái Hà bắt đầu cầu nguyện. Hơn ai hết, cộng đoàn này hiểu được giá trị thật của cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện mà 8 giáo dân bị bắt oan sai và bất công năm 2008 luôn bình an, can đảm làm chứng cho sự thật. Nhờ cầu nguyện, mà kế hoạch tư nhân hoá đất tu viện đã bị dừng lại, ngăn cho xã hội một tiền lệ công khai biến của công, mà ở đây là của công thuộc tôn giáo, thành của tư để chia chác. Nhờ cầu nguyện, những người nghèo khổ nhận ra Thiên Chúa yêu thương họ, bảo vệ họ, ngay khi những người nhân Danh Chúa bỏ rơi họ, khinh miệt và loại trừ họ bằng những lý thuyết tân kỳ nào đó, mà không biết lý thuyết đó xuất phát từ sứ mạng của Chúa Yêsu hay của Mác-Lê-Hồ.
Chuyện xây dựng trạm xử lý nước thải tại tu viện Thái Hà có thật sự là giải pháp an toàn cho dân chúng? Trong bàiBệnh viện Đống Đa không bảo đảm an toàn môi trường, vì sao? đã cho biết: “Cái toà nhà đó [tu viện Thái Hà] có được xây dựng để làm bệnh viện đâu. Đó là tu viện, nên từ nội thất cho đến hệ thống ngầm chỉ thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu tôn giáo chứ đâu có cho nhu cầu khám chữa bệnh! Nghe đến đây thì chúng tôi bắt đầu hiểu. Té ra 40 năm qua, người ta cố tình che giấu không cho dân biết sự thật này! Đó là suốt 40 năm qua chính quyền Hà Nội cố tình phát tán nguồn lây bệnh nguy hiểm trong khu dân cư thuộc bốn phường Quang Trung, Ô Chợ Dừa, Trung Liệt, Nam Đồng, quận Đống Đa, làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm trong và ngoài bệnh viện. Y như tên bạo chúa thả con hổ vào làng, mà đánh lừa dân, rồi bảo chỉ là con cừu non dễ thương mà thôi”.
Tin đồn từ Hà Nội còn cho biết: Việc xây dựng trạm xử lý nước chỉ là cái cớ, chứ thật ra chính quyền trung ướng đã có quyết định phải di dời các bệnh viện ra khỏi khu vực dân cư đông đúc. Nên kế sau việc xây trạm xử lý nước thải này là việc đập tu viện DCCT Hà Nội để biến đây thành một cao ốc dùng cho những việc gì đó, chứ không còn dùng để phục vụ nhân dân nghèo.
Đây là việc làm vi phạm pháp luật của UBND quận Đống Đa, Sở y tế thành phố Hà Nội và chính bệnh viện Đống Đa. Và được yểm trợ, bao che cho sự sai trái này của cả hệ thống chính trị.
Những người sai trái này thường dựa vào Luật đất đai để khẳng định họ [nhà nước] có quyền, vì đất là sở hữu toàn dân. Nhưng họ lại quên hai điều quan trọng. Trước tiên là tuy người dân với tính cách cá nhận và tập thể không có quyền sở hữu, nhưng có quyền sử dụng. Quyền sử dụng này phải được thu hồi bằng văn bản. Cho đến nay, tu viện DCCT Hà Nội chưa hề nhận được một quyết định nào về việc nhà nước thu hồi quyền sử dụng của DCCT trên thửa đất đang có hai toà nhà tu viện cả. Và thứ hai, tuy dân không được sở hữu đất, nhưng được sở hữu nhà như Luật nhà ở quy định: “Điều 5. Bảo hộ quyền sở hữu nhà ở: “1. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu nhà ở của chủ sở hữu. 2. Nhà ở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân không bị quốc hữu hoá. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước quyết định trưng mua hoặc trưng dụng nhà ở thì Nhà nước bồi thường cho chủ sở hữu nhà ở theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán và tạo điều kiện để họ tạo lập nhà ở khác”.
Thuỵ Minh, VRNs
Ảnh: Thái Hà, VRNs
Nguồn: VRNs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét