Pages

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Hội nghị Trung ương và nẻo đường tin tức



Công nhân tham gia trang trí kỷ niệm ngày 30/4 hôm 24/4/2013 ở Hà Nội
Đảng vẫn họp kín và độc quyền tin tức sau 38 năm thống nhất
Tin tức, theo một trong những định nghĩa dân dã, là 'một điều gì đó một ai đó ở đâu đó muốn giấu'.
Ví dụ điển hình nhất là vụ Wikileaks với một bên là chính phủ Hoa Kỳ muốn ém đi các thông tin mà họ có được qua mạng lưới cộng tác viên ở các nước và một bên là ông Julian Assange và cộng sự muốn lật tẩy các thông tin và cả cách lấy tin của Hoa Kỳ.

Điều này hoàn toàn phù hợp với định nghĩa chung về tin tức ở trên.
Những thông tin mà các đại sứ quán Hoa Kỳ ở khắp nơi chuyển qua điện tín về Bộ Ngoại giao cũng là những thông tin gây nhột khiến quan chức của các nước có liên quan cũng muốn ỉm đi.

Một góc nhìn khác của tin tức đó là 'tin đọc xong thấy tức'. Góc nhìn với tin tức trên báo này cũng áp dụng cho cả truyền thông qua âm thanh và hình ảnh.
Như vậy tin tức ở góc độ nào đó có thể được hiểu là một điều gì đó người ta muốn che giấu mà một trong các lý do là tránh sự bất bình của người đọc.
Ngoài ra sự thật, mà tin tức phải là một phần của nó, thường phải được tìm ra chứ ít khi được cung cấp.
Áp những tiêu chí này vào hai hội nghị trung ương gần đây, người ta thấy đa số thông tin tới người dân qua truyền thông là qua chế độ ban phát.
Khi khai mạc, Đảng ra thông cáo, khi bế mạc Đảng lại đăng đàn thế còn 'trận mạc' thực sự diễn ra như thế nào thì không ai biết và cũng không ai dám chất vấn.

Tìm tòi sự thật

Mặc dù ít kịch tính hơn so với Hội nghị Trung ương 6 mà ở đó lần đầu tiên Việt Nam có ủy viên Bộ Chính trị bị đề nghị kỷ luật được gọi là 'đồng chí X', Hội nghị Trung ương 7 cũng được theo dõi nhiều chủ yếu do việc bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.
Cập nhật trên Facebook của Osin Huy Đức hôm 4/5/2013
Truyền thông xã hội đã đưa tin nhân sự mới của Bộ Chính trị trước truyền thông chính thống đúng một tuần
Hội nghị 7 chỉ mới họp được ba ngày truyền thông xã hội, chủ yếu qua Facebook và blog, đã rộ lên tin hai người đứng đầu hai ban của Đảng đã không lọt được vào danh sách các chính trị gia quyền lực nhất trong Bộ chính trị.
Cả Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh và Trưởng ban Kinh tế Vương Đình Huệ đã phải nhường chỗ cho Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Như vậy truyền thông xã hội đã thay thế truyền thông chính thống để đưa tới công chúng tin tức nóng sốt và chính xác vào thời điểm mà Đảng còn chưa muốn cho ai biết.
Ngoài ra truyền thông xã hội cũng đưa nhiều bình luận để những người đọc hiểu ý nghĩa và tác động của thông tin mà Đảng đưa ra.
Điều này thể hiện sự tìm tòi sự thật thay vì để 'sự thật' được công bố theo định hướng của Đảng.

Tiếp nối chiến tranh?

Câu hỏi đặt ra là tại sao Đảng phải họp kín giữa thời bình?
Điều này càng khó giải thích trong khi các hoạt động của chính quyền và quốc hội đã ngày càng công khai trong những năm gần đây.
Đảng không nói nên người ta chỉ có thể đưa ra các giả định.
Thứ nhất có thể đó là thói quen cố hữu từ hàng chục năm cầm quyền.
"Các lãnh đạo cộng sản Việt Nam luôn nhắc nhở báo giới rằng họ là "những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng" và cho dù họ đã từ bỏ độc quyền trong nhiều lĩnh vực, thông tin vẫn là lĩnh vực thuộc sự chi phối toàn diện của Đảng."
Thứ hai Đảng đang sợ những bất đồng nội bộ giữa các lãnh đạo cao cấp nhất bị phơi bày trước dân chúng.
Thứ ba Đảng lo dân biết nhiều quá, bàn nhiều quá, kiểm tra nhiều quá và làm nhiều quá thì Đảng sẽ không còn việc gì để làm.
Thứ tư Đảng vẫn có tâm lý đang ở trong một cuộc chiến với các 'thế lực thù địch trong và ngoài nước'.
Tâm lý này cũng không có gì là bất thường vì nhà tư tưởng người Pháp Michel Foucault đã đảo ngược lý luận "chiến tranh là sự tiếp nối của chính trị bằng những cách khác" của lý thuyết gia quân sự người Đức Carl Philipp Gottfried von Clausewitz.
Foucault nói "hòa bình là sự tiếp nối của chiến tranh bằng những cách khác" và thách thức công chúng tìm hiểu xem những bên nào tham chiến và mục tiêu của cuộc chiến đó là gì.
Về điều này, các đảng cộng sản cũng không hề giấu diếm rằng thông tin là một trận địa của điều có thể coi là 'sự tiếp nối của chiến tranh bằng những cách khác'.
Mao nói: "Chúng ta giành quyền bằng họng súng và giữ quyền bằng ngòi bút."
Các lãnh đạo cộng sản Việt Nam luôn nhắc nhở báo giới rằng họ là "những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng" và cho dù họ đã từ bỏ độc quyền trong nhiều lĩnh vực, thông tin vẫn là lĩnh vực thuộc sự chi phối toàn diện của Đảng.
Và trong khi các nhà cộng sản thường trích Marx nói 'Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh', Foucault cho rằng 'Ở đâu có quyền lực, ở đó có sự phản kháng'.
Ham muốn thể hiện quyền lực của Đảng đã được đáp lại bằng sự bất tuân thể hiện trên truyền thông xã hội vốn được công chúng ưa chuộng hơn cả truyền thông chính thống trong thời gian gần đây.

Không có nhận xét nào: