Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Khác biệt nhỏ hệ quả lớn

Chính phủ Việt Nam
Hiến pháp sửa đổi đang tồn tại những ý kiến khác nhau về việc quy định chính phủ là cơ quan chấp hành hay cơ quan hành pháp, đây là khác biệt tuy nhỏ nhưng hệ quả là vô cùng lớn.

Chấp hành hay hành pháp?

Chúng ta biết rằng ngôn ngữ là công cụ của tư duy, cho nên với một cơ số ngôn từ nhất định sẽ khiến tư duy của con người bị bó hẹp trong một chừng mực giới hạn. Cũng theo đó, việc lựa chọn sử dụng những thuật ngữ khác nhau sẽ tạo hình dung đánh giá sự việc theo những hướng hoàn toàn khác.

Khi quy định chính phủ là cơ quan hành pháp sẽ tạo nhận định chính phủ ngang bằng, đối trọng và phân quyền với các cơ quan lập pháp và tư pháp, như thế sẽ xác lập vị thế chính phủ hơn hẳn so với quy định chính phủ là cơ quan chấp hành.
Quan điểm muốn hiến pháp quy định chính phủ là cơ quan hành pháp là muốn nâng cao vị thế và mở rộng quyền hạn chính phủ. Ngược lại ý kiến quy định chính phủ là cơ quan chấp hành là muốn giảm bớt vị thế quyền hạn chính phủ.
Vấn đề thực chất ở đây là xét lại xem chính phủ có nên tiếp tục được quyền làm chính sách, làm luật và được quyết định chi tiêu ngân sách quốc gia hay không? Đây là vấn đề ẩn sâu có sức ảnh hưởng rộng lớn trong khi biểu hiện ở bề nổi bên ngoài chỉ đơn giản là tranh cãi về việc sử dụng các cụm từ chấp hành và hành pháp.
Khi quy định chính phủ là cơ quan hành pháp ngoài việc tôn cao vị thế chính phủ, còn tạo cảm giác gần gũi với thông lệ quốc tế tiệm cận với hệ thống tam quyền phân lập. Nhưng tại sao Hiến pháp năm 1992 vừa quy định chính phủ là cơ quan hành pháp lại thòng thêm nội dung chính phủ là cơ quan chấp hành của quốc hội?
"Ở Việt Nam rất phổ biến tình trạng chính phủ tự định đoạt việc chi tiêu ngân sách, ví dụ gần đây là quyết định đầu tư 200 triệu USD xây dựng mạng xã hội cho thanh niên, hay chính sách sử dụng 30.000 tỷ cứu trợ bất động sản và nhiều chính sách khác."
Vấn đề này có nguyên do là ngay từ khi ra đời Quốc hội Việt Nam đã có vị thế yếu, quyền hạn rất hạn chế so với chính phủ. Quốc hội chỉ đơn giản là có vai trò luật hóa chính sách của Đảng và nhiều đại biểu quốc hội là cán bộ hành pháp hoạt động kiêm nhiệm.
Việc đưa thêm nội dung chính phủ là cơ quan chấp hành của quốc hội là nhằm vớt vát vị thế cho quốc hội và cũng tạo hy vọng giúp giảm bớt áp lực quyền hạn từ chính phủ, tránh tình trạng chính phủ lấn át hoàn toàn quốc hội.
Thực tế bao năm qua cho thấy quy định đó đúng chỉ là hình thức, nó không giúp gì được cho mong muốn, chính phủ vẫn nhiều quyền hạn và đẩy hoạt động của quốc hội vào tình trạng mờ nhạt.

Trông sang nước Nhật

Hiến pháp Việt Nam đang được sửa đổi nên học tập quy định từ hiến pháp Nhật Bản, quốc gia dân chủ phát triển hàng đầu thế giới. Liên quan đến chế định Chính phủ và Quốc hội, hai nước có nhiều điểm giống nhau, chính phủ Nhật Bản cũng được bầu ra từ trong số các đại biểu quốc hội.
Có một quy định hiến pháp hai nước đã quy định giống nhau nên duy trì, đó là: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất và là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp.
Không biết bên Nhật nội dung đó được khai triển thế nào nhưng ở Việt Nam thực tế vai trò của chính phủ trong hoạt động lập pháp là rất lớn.
Một mặt chính phủ được ban hành ra Nghị định, Thông tư là các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý như luật, đồng nghĩa với đó chính phủ được quyền phân bổ sử dụng nguồn lực và ngân quỹ quốc gia. Mặt khác tất cả các luật do quốc hội ban hành muốn đi vào đời sống đều phải qua chính phủ hướng dẫn giải thích, do đó khi chính phủ chưa làm việc thì luật của quốc hội cũng không có giá trị áp dụng.
Có một nội dung hiến pháp nước Nhật quy định mà hiến pháp Việt Nam không có, đó là: Không một khoản tiền nào được chi cho dù chính phủ có yêu cầu trừ khi được Quốc hội cho phép.
Họp chính phủ
Thực tế vai trò của Chính phủ trong lập pháp ở Việt Nam là rất lớn
Đây là điểm khác biệt nhỏ giữa hai hiến pháp nhưng hệ quả là vô cùng lớn.
Quy định như trên đã buộc chính phủ không chỉ chấp hành mà còn phải phụ thuộc vào Quốc hội, quy định như thế cũng có nghĩa là chỉ quốc hội mới có thẩm quyền phân bổ nguồn nhân lực vật lực quốc gia.
Ở Việt Nam rất phổ biến tình trạng chính phủ tự định đoạt việc chi tiêu ngân sách, ví dụ gần đây là quyết định đầu tư 200 triệu USD xây dựng mạng xã hội cho thanh niên, hay chính sách sử dụng 30.000 tỷ cứu trợ bất động sản và nhiều chính sách khác.
Khi nguồn lực quốc gia được định đoạt bởi chính phủ đồng nghĩa với việc ý chí nguyện vọng của các tầng lớp dân chúng không là căn cứ để làm chính sách. Từ đó phát sinh nghi ngờ về sự cần thiết của các khoản chi và tạo ra bất công khi nguồn ngân sách vốn đã nghèo nàn lại không được dành giải quyết những vấn đề dân sinh cấp thiết.

Còn Zimbabwe?

Ông Tổng thống Robert Mugabe giữ quyền điều hành đất nước phía nam lục địa Châu Phi này trong nhiều chục năm, thời gian lâu đã giúp ông tạo ra vây cánh quyền lực lớn đến mức có thể làm bất cứ điều gì với ngân sách quốc gia. Sự thành công của ông ta đánh đổi lại là đất nước bị tàn phá, ngay cả khi lạm phát lên tới 11 triệu % và đồng 100 tỷ đô la Zimbabwe chỉ mua được một ổ bánh mỳ, điều này vẫn không khiến ông thôi giữ cương vị tổng thống cho tới hiện nay và nhiều năm nữa.
Không rõ hiến pháp Zimbabwe quy định chính phủ là cơ quan chấp hành hay hành pháp? Điều này xem có vẻ mỉa mai nhưng có thể nghiêm túc khẳng định một điều quan trọng rằng chính phủ đã không chấp hành quốc hội và quốc hội của nước này đã bị vô hiệu hóa không còn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Cơ quan hành pháp Zimbabwe không chấp hành mà cũng không phụ thuộc vào quốc hội, đó là điểm khác biệt về mối quan hệ giữa các thiết chế chính quyền của hai nước Nhật Bản và Zimbabwe. Đây là điểm căn bản tạo ra sự khác biệt về mức độ phát triển giữa hai quốc gia giàu và nghèo nhất thế giới.
Quy định nào cho hiến pháp Việt Nam?
Nhìn lại Việt Nam thì thấy tình trạng nghèo nàn tụt hậu rất xa so với thế giới, mấy năm gần đây kinh tế khủng hoảng, hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản, nhiều triệu lao động thất nghiệp.
"Thực trạng đất nước là cơ sở vững chắc nhất để thấy rằng cần giới hạn lại chứ không phải tăng quyền cho chính phủ."
Thành tích kinh tế như thế nhưng các lãnh đạo chính phủ không có ai bị thôi chức và cũng không có gì cho thấy họ sẽ thôi không tiếp tục điều hành đất nước thêm nhiều năm nữa.
Trong trường hợp này đặt ra câu hỏi vai trò của quốc hội ở đâu? Quốc hội Việt Nam có như quốc hội Zimbabwe? Nếu không thì quốc hội có hành động gì để phản ánh ý chí và nguyện vọng của nhân dân? Đây cũng là lúc xác định xem quốc hội có đáng là cơ quan để chính phủ phải chấp hành hay không?
Thực tế là ở Việt Nam quyền lực tư pháp và lập pháp đều yếu và rất ít khả năng ảnh hưởng tới chính phủ, như thế mà vẫn còn những ý kiến tha thiết muốn đề cao vị thế cho chính phủ thì đúng là thiếu cả hiểu biết lẫn trách nhiệm.
Lâu nay chính phủ tự ban hành và thực thi chính sách tức là tự quyết định cách mà nguồn nhân lực vật lực quốc gia được sử dụng. Nhưng kết cục thì sao, đất nước kém phát triển, kinh tế khủng hoảng kéo dài, đời sống lao động bần cùng.
Thực trạng đất nước là cơ sở vững chắc nhất để thấy rằng cần giới hạn lại chứ không phải tăng quyền cho chính phủ. Nếu thả sổng chính phủ như lâu nay thì điểm đến của Việt Nam sẽ là Zimbabwe, còn nếu muốn Việt Nam phát triển được như Nhật Bản thì phải ràng buộc chính phủ, kiểm soát việc ban hành chính sách và chi tiêu ngân sách của chính phủ.
Song hành với đó cần một kế hoạch nâng cao năng lực quyền hạn cho quốc hội bằng việc bớt dần những người thuộc bộ máy hành pháp kiêm nhiệm đại biểu quốc hội. Các cán bộ chính phủ cần thôi kiêm nhiệm đại biểu quốc hội. Ở mỗi tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc công an tỉnh và nhiều Giám đốc sở cũng cần thôi kiêm nhiệm đại biểu quốc hội.
Trong các kỳ bầu cử quốc hội tới đây cần từng bước lược bỏ đi các thành phần này.
Thực tế thì sự phát triển của đất nước phụ thuộc vào sự bố trí hợp lý các thiết chế mà điều này thì nằm trong tầm tay của các cấp lãnh đạo. Nhưng tại sao họ lại không sắp xếp lại hệ thống vốn đã đầy lỗi nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo điều hành đưa đất nước phát triển đi lên?
Lịch sử và hiện tại cho thấy nhiều khi sự công chính lại chẳng phải là luôn thắng thế bởi những người công tâm không phải khi nào cũng chiếm đa số và điều này dẫn đẩy quốc gia vào tình thế phát triển trôi dạt theo may rủi.
Lịch sử và hiện tại cũng cho thấy nhiều ví dụ về sự thành công của một vài cá nhân đánh đổi lại là tình trạng yếu kém lay lắt kéo dài của đất nước mà Zimbabwe là một ví dụ điển hình.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, Trưởng văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự.

Không có nhận xét nào: