Pages

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Nông dân Việt Nam: Sau cơ cực là bần cùng


SÀI GÒN 12-5 (NV) – Chìm trong đủ loại nợ (vay chi tiêu hàng ngày, vay để mua: giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu…) nhưng lúa vẫn mất giá, đã vậy lại tiếp tục ế ẩm, nông dân càng ngày càng bần cùng.


Lúa gạo ứ đọng. Càng nỗ lực, sản lượng càng cao, nông dân càng thua thiệt (Hình: Người Lao Động)

Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn của nhà cầm quyền Hà Nội, riêng vụ hè – thu năm nay, đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch được chừng 9 triệu tấn lúa, qua đó sẽ có thêm khoảng 3.5 triệu tấn gạo phục vụ xuất cảng.

Trong khi đó, theo Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (thường được gọi tắt là VFA), các doanh nghiệp thành viên của VFA đang “ôm” khoảng 2 triệu tấn gạo vì chưa tìm được đầu ra cho xuất cảng.
Viên Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang  báo động rằng “Vụ đông – xuân vừa qua, riêng Kiên Giang còn đang ứ đọng 588 ngàn tấn lúa. Nhiều nơi trong tỉnh, lúa đang được chất đống vì không có người mua. Vụ hè – thu này, sản lượng dự trù sẽ ở mức một triệu tấn. Nếu chính phủ không có kế hoạch mua tạm trữ thì lúa tiếp tục ứ đọng, giá lại giảm, nông dân lại thiệt!”
Chi phí liên tục giá tăng, giá lúa thì liên tục giảm, nông sản ế ẩm, ứ đọng, nợ nần chồng chất nên nông dân Việt Nam không chỉ cơ cực mà càng ngày càng bần cùng. Đáng chú ý là do thiếu chính sách đúng đắn, tương lai của nông thôn, nông dân Việt Nam càng ngày càng ảm đạm, không có lối ra.
Vì nhu cầu tiêu dùng gạo trên thế giới đang có xu hướng giảm (do các quốc gia thường nhập cảng gạo trúng mùa) và cả vì đang “ôm” hai triệu tấn gạo ứ đọng từ vụ đông – xuân , VFA – tổ chức độc quyền xuất cảng gạo cho biết, họ… “chưa có kế hoạch mua gạo từ vụ hè – thu để tạm trữ chờ xuất cảng”.
Do yếu tố vừa kể, năm ngoái, các thành viên của VFA đã hạ giá mua lúa xuống 700 đồng/ký, so với năm 2011. Năm nay, nếu chịu mua để tạm trữ chờ xuất cảng, giá mua lúa của các thành viên VFA chắc chắn sẽ thấp hơn cả năm ngoái. Phía lãnh đủ, tất nhiên vẫn là nông dân.
Việt Nam vẫn là một trong hai quốc gia dẫn đầu về xuất cảng gạo. Lượng gạo xuất cảng của Việt Nam liên tục tăng. Quý một năm nay, lượng gạo xuất cảng của Việt Nam tăng 350 ngàn tấn so với quý một năm ngoái nhưng số ngoại tệ thu về từ xuất cảng gạo giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
VFA vẫn tiếp tục biện bạch, họ phải giảm giá mua lúa gạo của nông dân bởi cần  giảm giá gạo xuất cảng để cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ và Miến Điện. Do tình hình bất lợi trong xuất cảng gạo, VFA dự trù sẽ tiếp tục hạ giá mua lúa gạo của nông dân Việt Nam.
Trong khi đó, chính quyền Thái Lan vẫn thực hiện chính sách trợ cấp để giữ giá mua lúa, giúp nông dân hưởng lợi, giữ giá gạo xuất cảng mà vẫn không đánh mất ưu thế trong cuộc cạnh tranh xuất cảng gạo với Việt Nam. Gía gạo xuất cảng của Thái Lan luôn cao hơn giá gạo xuất cảng của Việt Nam từ 100 đến 170 USD một tấn.
Một số chuyên gia về kinh tế và nông nghiệp cho rằng, cách kinh doanh gạo xuất cảng  của VFA là thiếu khôn ngoan. VFA không cần phải giảm giá gạo để cạnh tranh với Ấn Độ bởi lượng gạo xuất cảng của Ấn Độ thất thường, khi có, khi không, gạo xuất cảng thường là gạo có thời gian tồn trữ lâu (do dân số đông, nhu cầu lương thực lớn, thỉnh thoảng Ấn Độ mới mở kho, xuất một phần lượng gạo dự trữ nếu trúng mùa lớn). VFA cũng không cần phải giảm giá gạo để cạnh tranh với Miến Điện vì chất lượng gạo xuất cảng của Miến Điện thua xa Việt Nam.
Cũng theo nhiều chuyên gia về kinh tế và nông nghiệp, Việt Nam và Thái Lan đang chia nhau đáp ứng 50% nhu cầu về gạo của thị trường thế giới. Chẳng quốc gia nào có thể để dân đói, thành ra VFA chỉ cần giữ giá gạo xuất cảng của Việt Nam thấp hơn giá gạo xuất cảng của Thái Lan chừng $50 thì đã đủ sức cạnh tranh. Làm như vậy vừa có lợi cho quốc gia, vừa giúp nông dân Việt Nam có cơ hội thụ hưởng thành quả lao động của họ.
Vấn đề là chính quyền CSVN và VFA có thật sự quan tâm đến nông dân hay không. Thực tế chỉ ra rằng, câu trả lời gần như luôn luôn là… không! Thu nhập trung bình của nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long – nơi cung cấp gần như toàn bộ lượng gạo xuất khẩu (vốn là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Việt Nam), vẫn chỉ ở mức 535,000 đồng/người/tháng (khoảng 25 USD/người/tháng). (G.Đ)

Không có nhận xét nào: