"Việc chuyển lá bùa của Nguyên - Mông, vào lưu giữ ở Bảo tàng Hùng Vương, chẳng khác nào chủ nhà thấy kẻ cắp trên bàn thờ thì mời xuống ngồi phòng khách xơi nước".
Bùa giải tai ách cho cá nhân
Bên phải của lá bùa có 5 chữ Hán 百解消灾符 BÁCH GIẢI TIÊU TAI PHÙ, nghĩa là "Bùa giải trăm tai ách". Nhưng ông Thông - người đặt hòn đá lại dịch là: "Bùa giải hóa bách nạn, bách khổ, bách bệnh cho nhân dân".
Làm gì có 8 chữ hóa, bách khổ, bách bệnh cho nhân dân ở trong 5 chữ Hán trên mà ông lại dịch thêm vào cho quan trọng hóa theo ý đồ riêng của mình? Rõ ràng đây là lá bùa chỉ cầu giải trăm điều tai ách thôi, mà ám chỉ là cho cá nhân. Tại sao ông lại cố tình thêm chữ và dịch sai để cho thêm phần linh thiêng và vì nhân dân, để lừa dối người khác là có ý gì? Năm chữ Hán trên là tên của lá bùa ở mặt chính hòn đá, nhưng tại sao lại coi nó là phụ và đặt úp mặt lá bùa này vào trong tường. Phải chăng có ý đồ gì ở đây?
Phần chính giữa của lá bùa có hai chữ Hán viết theo kiểu thư pháp cuồng thảo. Đó là hai chữ VĨNH THỌ 永寿, nghĩa là Sống thọ mãi mãi. Rõ ràng lá bùa mặt ở trước của hòn đá có nội dung là: "Cầu được giải trừ trăm hạn ách, tội nặng, cầu trường thọ khỏi chết yểu, cầu xua đuổi tà ma và cầu quan chức đang không được toại ý", chứ không phải như tác giả hòn đá đã giải thích là để tăng hào quang cho Phật, cho Đức Thánh Trần để hóa giải lá bùa của Phương Bắc đã trấn yểm ở Đền Hùng và phù hộ cho nhân dân. Lá bùa của Trung Quốc tiếp nhận năng lượng là để tăng hào quang và công năng cho họ, để làm hại cho ta, do vậy không thể nói nó tăng hào quang cho Phật, cho Đức Thánh Trần được?
Bên trái lá bùa có dòng chữ Phạn chạy dọc xuống, đọc là: "Úm, chiết lệ chủ lệ Chuẩn đề ta bà ha". Đây là một nửa của câu trì chú hay nhất trong Kinh Phật Mẫu Chuẩn đề. Toàn văn câu trì chú đó như sau: "Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đà câu chi nẫm, đát diệt tha: Úm, chiết lệ chủ lệ Chuẩn đề ta bà ha". Nghĩa của câu trì chú này là: "Thỉnh cầu được giảm trọng tội, cầu trường thọ cho chúng sinh có số yểu mạng và xua đuổi tà ma, cầu quan chức không được toại ý". Nhưng tác giả hòn đá lại giải thích là làm tăng độ linh, tăng độ uy cho Phật Tổ và Đức Thánh Trần.
Lá bùa mặt sau hòn đá. |
Bịa đặt và xuyên tạc lich sử
LÁ BÙA Ở MẶT SAU CỦA HÒN ĐÁ, nhưng lại cố ý xoay ra phía trước, nhìn thẳng hướng chính Nam. Trong thư giải thích đây là "Trận đồ Bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai dựa trên trận đồ Bát quái của Đức Thánh Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên - Mông.". Giải thích như vậy là bịa đặt trắng trợn, xuyên tạc lịch sử!
Trận đồ Bát quái là sản phẩm của Kinh dịch Trung Quốc, do Gia Cát Lượng sáng tạo ra, sao lại gán cho Phật Tổ Như Lai? Nhưng nếu là của Phật Tổ Như Lai thật đi chăng nữa, thì Phật Tổ làm sao dựa vào trận đồ của Trần Hưng Đạo mà vẽ ra được, vì Phật Tổ có trước Trần Hưng Đạo! Trận đồ Bát quái của Gia Cát Lượng là trận đồ dùng ngựa, đánh kỵ binh trên bộ. Còn trận đồ của Trần Hưng Đạo là trận đồ dùng thuyền, thủy chiến ở sông Bạch Đằng. Trận đồ ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông là trận đồ phản công, chứ không phải trận đồ nghênh chiến. Khác nhau một trời một vực. Kiến thức quân sự sơ đẳng như vậy ai cũng biết, sao lại cố tình gán ghép?
Thực tế, trận đồ trên hòn đá lạ đích thực là Trận đồ Bát quái Kỵ binh thứ 20 của Gia Cát Lượng 诸葛亮八卦骑兵二十图阵bài binh bố trận để ứng chiến với Kỵ binh của Tào Ngụy do Tư Mã Ý chỉ huy. Vậy ý đồ của người đặt hòn đá ở đây và ngụy biện nói đó là Trận đồ của Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên - Mông là có ý gì?
Trong thư giải thích cũng có nói là đã bỏ lá bùa của Nguyên - Mông yểm ở Đền Hùng, nhưng lại thay vào đó lá bùa của Trung Quốc thời nay, công lực mạnh hơn, thâm hiểm hơn! Chính vì thế mà cố ý quay mặt lá bùa này ra ngoài, nhìn về hướng Nam!
Trong thư cũng nói các đạo sĩ cao tăng Nguyên - Mông đã yểm bùa ở Đền Thượng Đền Hùng từ thời Nhà Trần. Nhưng ông Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu lịch sử hoài nghi: "Đã có tổ chức có uy tín nào đã kết luận khách quan và khoa học điều này hay tự biên, tự diễn"? Rồi lấy đó là cái cớ để đưa bùa mới lên yểm Đền Hùng. Nếu là bùa của Nguyên - Mông, sao không tiêu triệt, hóa giải và phá hủy lá bùa đó đi, mà còn đưa nó vào lưu giữ ở Bảo tàng Hùng Vương, chẳng khác nào kẻ cắp ở trên bàn thờ mời xuống ngồi phòng khách xơi nước, như vậy nó vẫn còn ở trong nhà mình cơ mà!
(Kiến thức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét