Pages

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Tiền chảy mạnh vào nhà băng rồi đi đâu?


Dù lãi suất huy động liên tiếp giảm, nguồn vốn huy động của các ngân hàng vẫn tăng mạnh... nhưng doanh nghiệp cần vốn vẫn khó tiếp cận.

Huy động vốn tiếp tục tăng mạnh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ trong 4 tháng đầu năm 2013.

Theo đó điểm nổi bật trong 4 tháng qua là huy động vốn của hệ thống vẫn tiếp tục tăng mạnh, say khi lãi suất huy động đã giảm về mức thấp.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tốc độ tăng huy động vốn bằng VND cao hơn huy động vốn bằng ngoại tệ là phù hợp với chủ trương chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ và cho thấy niềm tin của người dân vào hệ thống tổ chức tín dụng tăng lên.

Trước đó Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết con số tăng trưởng tín dụng được cập nhật đến ngày 18/4 là 1,4% (giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước).

Ông Tiến lý giải con số này rằng, các tháng đầu quý 1 các doanh nghiệp và các hộ gia đình hoàn trả ngân hàng, nên cho vay tháng 1 và 2 bao giờ cũng thấp hơn thu nợ.

Khác với lý giải của ông Tiến, đại biểu Nguyễn Thế Tuy (Lạng Sơn) kể câu chuyện chi nhánh một ngân hàng quốc doanh ở Lạng Sơn vừa phải chuyển 1.000 tỷ đồng vốn huy động về trung ương, vì không cho vay nổi.

 "Nếu chính sách không hài hòa, không cho vay được và không gắn kết với doanh nghiệp thì ngân hàng cũng chết thôi", ông Tuy lo lắng.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ: “Mức tăng của tín dụng trong 4 tháng đầu năm mặc dù đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu định hướng chủ yếu do tính quy luật hàng năm, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp ở mức thấp, một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ và chưa có nhu cầu vay vốn các tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nên nhu cầu tín dụng hạn chế và tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, các nhân tố tác động chủ yếu là vấn đề hàng tồn kho của doanh nghiệp, khả năng tiêu thụ sản phẩm, vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm”, Vụ Chính sách tiền tệ lý giải.

Dù tiền các ngân hàng huy động nhiều nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn
Dù tiền các ngân hàng huy động nhiều nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn

Hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 11%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 11 - 13%/năm ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, 12 - 15%/năm ở khối ngân hàng cổ phần; trong đó, một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên, có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ từ 9 - 10%/năm.

Dù có giảm, lãi suất cho vay trên thực tế vẫn đang vượt quá sức chịu đựng và khả năng hấp thụ của số đông doanh nghiệp. Chưa kể, không ít doanh nghiệp lẫn ngân hàng cho đến nay vẫn giữ tâm lý ngại đi vay và ngại cho vay...

Chủ một doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ gỗ tại Hoàng Đông (Duy Tiên - Hà Nam) chia sẻ, hiện cơ sở của gia đình ông đang được một NHTM có vốn nhà nước cho vay với lãi suất 1,2%/tháng với hạn mức vay tối đa 500 triệu đồng. Mức lãi suất (LS) này tương đương 14,4%/năm, thấp hơn đáng kể so với mức lãi vay ngắn hạn cao nhất (15%/năm) tại các NHTM nhà nước hiện nay.

“Các điều kiện vay và giải ngân cũng khá dễ dàng. Song có cái khó là NH yêu cầu chúng tôi phải thanh toán toàn bộ khoản vay 6 tháng một lần có thể nhằm chứng minh khả năng tài chính. Cái này nhiều khi gây rất nhiều khó khăn cho việc bố trí vốn sản xuất và trả nợ”. Cũng theo chủ cơ sở này, có thời điểm hàng chưa bán được và cũng không thể huy động được vốn từ gia đình hay bạn bè, ông phải “giật nóng giật nguội” từ bên ngoài.

Giám đốc Cty CP chăn nuôi Tiến Mạnh (Thái Nguyên) Phan Nhất Thống khẳng định ngay: “Nếu không hạ LS, các DN chăn nuôi sẽ cầm chắc lỗ”. Ông này cho hay, hiện các DN chăn nuôi đang phải chịu mức LS 14,5%/năm và nếu vay 15 tỉ đồng, hằng tháng DN phải trả xấp xỉ hơn 180 triệu đồng tiền lãi. Chưa kể, muốn vay được nguồn vốn lớn, thông thường DN phải có được nguồn tài sản thế chấp gấp 3 lần mức vay. “Anh có được 2 tỉ đồng tài sản thế chấp thì may mắn chỉ vay được NH tối đa 700-800 triệu đồng”.

Cũng theo vị giám đốc này, ngoài tài sản thế chấp, DN phải chứng minh được phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. “Chăn nuôi giờ chỉ cầm cự và chờ cơ hội, nên đánh giá đúng thực tế thì chắc chắn NH sẽ không cho vay”.

“Chưa kể đối với những DN sản xuất nhỏ và vừa như chúng tôi, yêu cầu về tài sản thế chấp là rất khó khăn bởi tài sản duy nhất của Cty chỉ có nhà xưởng, không đủ khả năng để thế chấp” - bà Mai cho biết.

Ngược lại cũng có một thực tế có DN ngại sử dụng vốn vay.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TPHCM - nguyên nhân là DN sợ không mở rộng được thị trường trong thời điểm hiện nay. Ông này xác nhận, một số ít DN lớn và khỏe hiện đã tiếp cận được vốn LS 9-11%. Song phần lớn các DN còn lại không đủ điều kiện vay vốn do kinh doanh không có lời, thậm chí thua lỗ.

“Đơn vị nào đủ điều kiện cũng chẳng dám vay vì hàng tồn kho nhiều, không mở rộng được thị trường. Do vậy, họ phải co cụm lại và chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có là chính” - ông Hưng lý giải.

Bích Ngọc

(Đất Việt)

Không có nhận xét nào: