Lại thêm một dự án lớn lấy đi những “bờ xôi ruộng mật”. Lại thêm một cánh đồng trăm triệu sẽ vĩnh viễn biến mất. 500ha đất nông nghiệp của Văn Giang – niềm tự hào của nông nghiệp miền Bắc đã bị khai tử…
LTS: Vụ cưỡng chế, thu hồi đất nông nghiệp ở Văn Giang (Hưng Yên) để triển khai Dự án Ecopark đã qua gần nửa tháng nhưng dư âm của nó vẫn còn kéo dài. Cánh đồng trăm triệu, niềm tự hào của người dân miền Bắc – cánh đồng vàng Văn Giang – rồi sẽ chỉ còn lại trong ký ức của những người nông dân nơi đây. Tương lai của họ rồi sẽ ra sao? Sau Văn Giang, còn có bao nhiêu cánh đồng vàng biến mất để nhường cho dự án, công trình?
Anh Phan Văn Táo chăm sóc cây cảnh
trong vườn của mình.
Thiên thời, địa
lợi
Nằm sát sông Hồng, xa xưa vùng đất này là nơi chiêm
trũng với rất nhiều đầm bãi. Năm 1958, “người khổng lồ” của thuỷ nông miền Bắc –
kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải chính thức hoạt động, biến nơi đây thành vùng đất
vàng, đất bạc, cho năng suất lúa cao nhất cả nước.
Cánh đồng đạt năng suất 5 tấn/ha, sau này phát triển thành phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Thái Bình. Năm 1966, cánh đồng 5 tấn với 64 mẫu ở khu vực này được đồng chí Vũ Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đoàn về thăm và tặng cờ Nguyễn Văn Trỗi.
Hiện nay, năng suất lúa trên địa bàn Văn Giang đã xấp xỉ 5 tạ/sào – hai vụ (trên 10 tấn/ha). Ông Lê Văn Chi – nông dân xã Xuân Quan cho biết: “Tuy chỉ được nửa sào/khẩu, nhưng về lương thực thì chúng tôi không lo thiếu. Hơn thế, với chất đất màu mỡ và thuỷ lợi cực kỳ thuận lợi, chúng tôi có nhiều hướng chuyên canh cây, hoa màu đặc sản cho năng suất cao”.
Cách đây vài năm, khi cả nước phát động phong trào “Cánh đồng 50 triệu”, người dân Văn Giang chỉ… cười nhạt. Với họ, thu nhập 50 triệu/ha đồng nghĩa với… thất bại.
Nhân hòa
Từ trước năm 2000, nghề trồng cây cảnh bắt đầu du nhập về đây. Gặp những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu và nhất là một vị trí thuận lợi cạnh đê sông Hồng, cây cảnh phát triển tốt, dễ dàng toả đi cả nước nên nghề này phát triển nhanh chóng.
Những làng cây cảnh tại đây bắt đầu nổi tiếng cả nước. Người thuộc hàng nghệ nhân, tay nghề cao, vốn nhiều thì trồng, tạo dáng cây thế hàng trăm triệu đồng/gốc bán cho các công trình. Người ít vốn, sức yếu trồng cây cảnh hàng chợ, ngày ngày mang bán rong trên Hà Nội.
Chị Võ Thị Loan (xã Xuân Quan) chỉ vào một góc ruộng con con nói như đinh đóng cột: “Mỗi năm phải ra vài triệu”. Trên mảnh đất ấy có khoảng tám chục gốc vạn niên thanh tím, loại cây cảnh bình dân rất được ưa chuộng tại các văn phòng.
Chị Loan cho biết: “Mỗi cây chỉ cần bán được gần trăm nghìn thôi là ổn rồi. Hơn nữa, cây cảnh không phụ thuộc vào mùa vụ, thích bán lúc nào thì bán, cứ để đấy cũng không sợ mất vốn…”. Thu nhập như thế nhưng mảnh vườn này cũng chỉ là dạng cò con. Gặp những ông chủ tay nghề cao thì năng suất mơ ước “50 triệu đồng/ha” không bằng con số lẻ.
Khu vườn của anh Phan Văn Táo (đội 1, Xuân Quan) trước ngày cưỡng chế quả thật là chốn bồng lai. Những cây sanh, si, tùng, bách… ở đây đẹp kỳ ảo, đến nỗi tôi không dám hỏi giá, nhưng sau này ông Phạm Phú Chủ – Trưởng thôn bảo tôi: “Trăm triệu cả đấy”. Về khu vườn này, tôi không dám bình luận bởi hàng chục giấy khen của huyện, của tỉnh treo trên tường đã thay lời cho tất cả. Nhưng phải ra khu sản xuất ngoài đồng của gia đình anh Táo mới thấy cánh đồng vàng thực sự là như thế nào.
5 mẫu đất ken chặt các loại cây cảnh, không chỉ tranh nhau diện tích, chúng còn tranh nhau cả không gian, cây nào treo lên được thì treo để tận dụng khoảng không. Vỗ bồm bộp vào mấy cây trơ trụi bị chặt hết cành tưởng như chỉ làm hàng rào, anh Táo tự hào: “Rút mấy cái cọc rào này lên cũng có tiền triệu”.
Thì ra đây là những cây lâu năm ở nhiều nơi được cưa cụt cành, đánh gốc đưa về trồng tạm tại đây. Tất cả các khu công nghiệp, khu đô thị mới đều rất ưa chuộng loại cây này vì sau khi trồng, chẳng mấy chốc chúng lại ra cành lá sum sê.
Bên trong mảnh ruộng dễ có đến hàng nghìn chậu cây chờ khách đến chở đi. Anh Táo cho biết: “Làm nghề cây cảnh thì thu nhập còn tuỳ vào thị hiếu của thị trường, nhưng chưa năm nào thu nhập dưới 400 triệu đồng/ha”.
Nói đến chuyện sắp bị mất đất, tất thảy sự hồ hởi ấy biến mất. Anh Táo chỉ thảng thốt: “Phá sản! Mất đất sản xuất thì bao nhiêu tính toán, trình độ, tay nghề cũng thành vô nghĩa hết. Tôi thì phá sản, bà con thì mất việc làm”. Từ khi có thông tin triển khai dự án, suốt vài năm nay, anh Táo lo đi tìm chỗ thuê đất để sản xuất nhưng biết đi đâu để tìm được mảnh đất “bờ xôi ruộng mật” như ở đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét