Theo đó, ngoài việc xin hỗ trợ vốn hoặc điều chuyển dự án mở rộng QL1 đoạn
Thanh Hóa – Hà Tĩnh, Bộ GTVT kiến nghị sử dụng tiền thu phí hạn chế phương tiện
cá nhân mà bộ này đề xuất trước đây để làm vốn ngân sách nhà nước góp cùng các
nhà đầu tư mở rộng QL1 từ Hà Tĩnh (Vũng Áng) đến Cần Thơ (1.050km).
Theo Bộ GTVT, để mở rộng QL1 đoạn Hà Tĩnh – Cần Thơ cần khoảng 91.000 tỉ
đồng, trong đó ngân sách nhà nước (từ tiền thu phí hạn chế phương tiện cá nhân)
từ 45.000-60.000 tỉ đồng.
Việc mở rộng QL1 được Bộ GTVT chia thành 18 dự án thành phần và sử dụng
trạm thu phí để hoàn vốn. Bên cạnh đó, các dự án đều có sử dụng một phần vốn từ
ngân sách nhà nước và Bộ GTVT đề xuất sử dụng nguồn thu phí hạn chế phương tiện
giao thông cá nhân cho phần ngân sách này.
Thêm trạm, thêm phí
Theo Bộ GTVT, trên toàn đoạn sẽ hình thành 18 dự án, sử dụng 18 TTP gồm: 12
dự án có thể lập ngay TTP (gồm 5 trạm mới), 6 dự án được hình thành trên cơ sở
mở rộng phạm vi các dự án BOT hiện có (trường hợp nhà đầu tư BOT không muốn đầu
tư tiếp thì Nhà nước sẽ trưng mua lại dự án để đầu tư tiếp).
Bộ GTVT cũng đề xuất mức thu phí đường bộ qua các TTP trên là 750 đồng/CPU
(xe con quy đổi)/km. Mức phí đề xuất này bằng 75% mức phí đường cao tốc TP.HCM –
Trung Lương hiện đang thu (1.000 đồng/CPU/km).
Theo Bộ GTVT, mức thu phí đường bộ được Bộ Tài chính ban hành từ năm 2004
đến nay đã lạc hậu so với sự biến động giá cả và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy cần
nâng mức thu phí đường bộ hiện nay lên để góp phần thu hút các thành phần kinh
tế tham gia đầu tư dự án giao thông theo hình thức BOT.
Phí là yếu tố quyết định
Theo Bộ GTVT, hiện nay lưu lượng xe một số đoạn tuyến trên QL 1 còn thấp,
với quy mô dự án khoảng 70km thì khả năng thu phí hoàn vốn chỉ đáp ứng 25-40%
(khoảng 23-38km), tương ứng với các điều kiện tăng mức phí như trên.
Do vậy, hầu hết các dự án BOT đều cần có thêm vốn từ ngân sách nhà nước.
Nếu thu phí với mức 750 đồng/CPU/km, phần vốn nhà nước tham gia các dự án sẽ
khoảng 45.000 tỉ đồng (trên tổng mức đầu tư 91.000 tỉ đồng). Nếu thu phí theo
mức 500 đồng/CPU/km thì ngân sách nhà nước cần khoảng 60.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước khó khăn nên Bộ GTVT đề xuất sử dụng nguồn
thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cho phần ngân sách này. Bộ GTVT
khẳng định nguồn thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là yếu tố quyết
định việc triển khai thành công các dự án mở rộng QL 1.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng báo cáo Quốc hội thông qua phí
hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để tạo nguồn ngân sách nhà nước tham gia
các dự án BOT mở rộng QL 1. Khi được chấp thuận chủ trương và phương án thu phí
hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giao Bộ Tài chính phát hành trái phiếu
công trình hoặc trái phiếu chính phủ để chi trả trước cho công tác xây dựng tái
định cư, giải phóng mặt bằng và một số công tác khác.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho biết việc mở rộng QL 1 được thực hiện trong bối
cảnh các rủi ro đầu tư hạ tầng giao thông lớn (thời gian hoàn vốn kéo dài, tổng
mức đầu tư lớn, doanh thu không được Nhà nước bảo lãnh…), thị trường tài chính
trung hạn và dài hạn trong nước khó khăn nên các nhà đầu tư khó huy động vốn nếu
không có bảo lãnh của Chính phủ, chỉ số tín nhiệm thấp nên huy động vốn từ nước
ngoài cũng khó khăn.
Bộ kiến nghị Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp nhà nước có kinh nghiệm
thi công cầu đường, có năng lực về thiết bị, công nghệ, nhân lực… tham gia đầu
tư mở rộng QL 1 mà không bị khống chế bởi các quy định về tỉ lệ vốn chủ sở hữu
đối với phần vốn đầu tư, huy động vốn…; Nhà nước bảo lãnh doanh thu cho các dự
án trong trường hợp doanh thu thực tế không đảm bảo so với doanh thu tính toán
phương án tài chính.
Sẽ tăng thêm 5 trạm thu phí
Hiện nay trên QL 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ có 22 TTP, trong đó đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh (Vũng Áng) có 4 trạm, đoạn Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cần Thơ có 18 trạm.
Theo kế hoạch của Bộ GTVT sẽ bỏ TTP hầm đèo Ngang (Hà Tĩnh) khi kết thúc thời hạn thu phí và xóa bỏ TTP Nam Hải Vân sau khi Thủ tướng cho phép tăng mức phí trên QL 1. Đồng thời Bộ GTVT sẽ sắp xếp lại khoảng cách các TTP hiện có trong quá trình thực hiện các dự án mở rộng QL 1 để bổ sung 5 TTP tại km1138 QL 1 (dự án mở rộng đoạn Bình Định), km1208 (dự án mở rộng đoạn Bình Định – Phú Yên), km1278 (dự án mở rộng đoạn qua Phú Yên), km1587 (dự án mở rộng đoạn qua Ninh Thuận) và bổ sung TTP Tuy Phong (Bình Thuận). Như vậy, nếu mở rộng QL 1 theo kế hoạch của Bộ GTVT thì từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sẽ có tất cả 25 TTP (tăng thêm 5 trạm so với hiện nay).
Đối với đoạn Hà Tĩnh (Vũng Áng) – Cần Thơ, Bộ GTVT cho biết đoạn Biên Hòa – Cần Thơ đã mở rộng nên sẽ mở rộng tiếp khoảng 1.050km với tổng mức đầu tư khoảng 91.000 tỉ đồng. Các dự án sẽ được tổ chức đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) có sự tham gia vốn của Nhà nước với nguyên tắc khoảng 70km/dự án/trạm thu phí (TTP).
Thiếu vốn mở rộng QL 1 đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh
Với dự án mở rộng QL 1 đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh, Bộ GTVT cho biết dự án này
được Thủ tướng cho phép triển khai bằng vốn ngân sách nhà nước từ nguồn bán
quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương và Bộ GTVT đã hình thành tám dự
án đầu tư với tổng mức 13.465 tỉ đồng, đến nay đã ứng được 1.558 tỉ đồng. Hiện
nay đã khởi công đoạn Dốc Xây – TP Thanh Hóa và đoạn Diễn Châu – Quán
Hành.
Tuy nhiên, do chưa bán được quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung
Lương nên việc mở rộng QL 1 đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn về vốn.
Vì vậy Bộ GTVT kiến nghị chấp thuận cơ chế cho nhà thầu tự bỏ kinh phí thi công
đoạn Dốc Xây – TP Thanh Hóa, Nhà nước bố trí vốn trả sau và hỗ trợ lãi suất vốn
vay ngân hàng để hoàn thành việc mở rộng QL 1 lên bốn làn xe từ Hà Nội tới Thanh
Hóa vào năm 2013.
Với đoạn Diễn Châu – Quán Hành, Bộ GTVT đề nghị tạm giãn tiến độ thi công.
Với các dự án còn lại tổ chức thành bốn dự án để đầu tư theo hình thức BOT và sử
dụng bốn TTP hiện có trên tuyến để hoàn vốn.
TUẤN PHÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét