Ông Kavi cho rằng quan hệ chặt chẽ xưa nay với Trung Quốc càng làm tăng trông đợi rằng Thái Lan sẽ có thể giúp ổn định hòa bình và ổn định ở Biển Đông, nhất là khi nước này không tham gia trực tiếp các tranh chấp chủ quyền biển ở đây.
Nhà báo của tờ Nation viết: "Trong ba năm qua, dưới sự điều phối của Philippines, căng thẳng [tại Biển Đông] đã gia tăng, gây quan ngại nghiêm trọng cho khối Asean và cộng đồng quốc tế về khả năng xảy ra xung đột vũ trang".
Ông cũng nhận xét rằng nhằm chuẩn bị cho sự tương tác trong tương lai về cả phương diện song phương và qua khối Asean, Thái Lan và Trung Quốc đã nhanh chóng tiếp cận nhau và phản ứng một cách tích cực về các mục tiêu an ninh chung như thể hai nước đã là đồng minh lâu năm.
Gần đây Bangkok đã gửi thông điệp rõ ràng tới Hoa Kỳ và các nước trong khu vực, đặc biệt là Campuchia (quốc gia đang có xung đột biên giới với Thái Lan), rằng quan hệ an ninh-quốc phòng giữa Thái và Trung Quốc rất vững mạnh.
Tuy nhiên, theo Kavi Chongkittavorn, Bắc Kinh và Bangkok sẽ phải có hành động cụ thể để chứng minh cam kết chung và sự hợp tác đối tác chiến lược của hai bên.
Vấn đề Biển Đông
Tuy không trực tiếp can dự vào bất đồng quanh chủ quyền Biển Đông, trong cuộc gặp mới đây ở Bắc Kinh với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Tổng Tư lệnh Quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha cùng đoàn của ông đã đề cập tới xung đột Biển Đông bên cạnh chủ đề sát sườn là căng thẳng quanh ngôi đền Preah Vihear.Được biết hai bên đã khẳng định lập trường ủng hộ nhau.
"Trung Quốc rất muốn lôi kéo Thái Lan về phía mình vì Bắc Kinh muốn tham gia vào quá trình soạn thảo Quy tắc Ứng xử của các nước tại Biển Đông (COC) với Asean ngay từ bước đầu."
Nay với vai trò điều phối viên quan hệ Asean-Trung Quốc, Bangkok có được Bắc Kinh chèo kéo thì cũng không phải là chuyện khó hiểu.
Cây viết của báo Nation cho rằng đã có nhiều khác biệt giữa ngành ngoại giao và quân đội Thái Lan trong cách tiếp cận nhiều vấn đề.
Hiện tại đối với các tranh chấp ở Biển Đông, Thái Lan giữ quan điểm chung chung, cũng giống nhiều quốc gia khác trong khu vực, là các bất đồng phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua thương lượng và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trung Quốc rất muốn lôi kéo Thái Lan về phía mình vì Bắc Kinh muốn tham gia vào quá trình soạn thảo Quy tắc Ứng xử của các nước tại Biển Đông (COC) với Asean ngay từ bước đầu.
Hai quốc gia có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng nhất với Trung Quốc là Việt Nam và Philippines thì muốn Asean cùng nhau thông qua các chi tiết chính trước, sau đó mới cho Trung Quốc tham vấn.
Tuần tới, quan chức cấp cao Asean sẽ gặp nhau lần thứ ba tại Bandung, Indonesia, để thảo luận đề xuất của Philippines về việc thiết lập Khu vực Hợp tác chung, cũng như đưa ra các nguyên tắc cho cơ chế giải quyết bất đồng trước khi mang ra cho các bộ trưởng thông qua vào tháng Bảy.
Tại cuộc họp gần đây nhất ở Phnom Penh, Asean vẫn chưa đạt được đồng thuận về các chi tiết này. Nếu như Trung Quốc được tham dự ngay từ bây giờ, thì rõ ràng việc ảnh hưởng lên văn bản COC sẽ dễ dàng hơn.
Thăng bằng quan hệ với Campuchia
Từ sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen thực thi chính sách làm thân với Trung Quốc từ cuối năm 1999, Phnom Penh và Bắc Kinh ngày càng nồng ấm.
Chỉ trong một thập niên, Trung Quốc đã trở nên đối tác hàng đầu của Campuchia, đầu tư gần 9 tỷ đôla vào vương quốc này và cấp viện tới trên hai tỷ đôla.
Trong dân số 14 triệu người ở Campuchia, có tới một triệu là dân nhập cư từ Trung Quốc.
Vậy thế cho nên xung đột Thái-Miên có thể trở thành chướng ngại vật đáng kể.
Ông Kavi viết: "Khi hai người bạn tốt nhất của Trung Quốc ở Asean lại sử dụng vũ khí của Trung Quốc để chiến đấu với nhau thì thật là thảm họa".
Thế cục trở nên nhạy cảm khi vào tháng Bảy tới, Campuchia vẫn ngồi ghế chủ tịch Asean, và Thái Lan trở thành điều phối viên quan hệ của khối với Trung Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh chắc đang vắt óc suy nghĩ làm sao để hai ông bạn vàng này có thể dẹp bất đồng để hành động một cách có lợi cho Trung Quốc, nhất là trong các chủ đề không trực tiếp ảnh hưởng quyền lợi của họ như tranh chấp Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét