Nguyễn Văn Thạnh/ Dân luận
Hôm qua (11.10.2014) trên tờ báo lớn nhất TQ do chính quyền điều hành - tờ Nhân dân Nhật báo - có bài xã luận nói rằng các giới chức Hoa Kỳ, các tổ chức phi chính phủ và truyền thông đang tích cực xúi giục một “cuộc cách mạng màu" trên lãnh thổ bán tự trị này của Trung Quốc. Bài báo còn nói Hoa Kỳ ra vẻ bênh vực dân chủ và nhân quyền, nhưng thực chất là “bảo vệ cho lợi ích của Mỹ và làm suy yếu các chính phủ mà Mỹ xem là không chịu phục tùng.” (theo tin đài VOA).
Những ai quan tâm đến tin tức dân chủ hẳn sẽ không ngạc nhiên trước tin tức này. Trong những đất nước do độc đảng lãnh đạo như Trung Quốc hay Việt Nam thường thì thông tin bị bưng bít, kiểm duyệt. Ở đó báo chí cũng như các cơ quan truyền thông chỉ là phương tiện để phục vụ cho ý đồ của chính quyền thay vì làm chức năng truyền thông sự kiện chân thật đến dân chúng. Có câu chuyện khôi hài ở Việt Nam là sau hàng tháng im lặng bỗng nhiên đồng loạt các tờ báo ở Việt Nam đăng tin hoan nghênh bà con đã thấu hiểu chính sách đất đai của nhà nước nên không còn tập trung khiếu kiện đông người trước các cơ quan chức năng trung ương. Bà con vui vẻ về quê lo làm ăn để đóng góp cho đất nước. Người dân xem đó như một tin tức bình thường, không mảy may biết đầu đuôi, nguyên nhân câu chuyện thế nào. Tất cả các cơ quan truyền thông do nhà nước nắm thường không đưa tin đầy đủ sự việc cũng như né tránh mọi cuộc tranh luận mà ở đó chính quyền thua lý.
Tương tự như vậy, các mạng thông tin ở TQ cũng bị kiểm duyệt nghiêm ngặt. Gần như người dân đại lục không biết sự kiện xảy ra ở Hồng Kông. Ngoài việc bưng bít thông tin, họ thường đưa tin theo hướng có lợi cho mình. Họ đưa tin sự kiện theo hướng vu vạ như cho rằng những người biểu tình là bị nước ngoài mua chuộc, xúi giục, nhận tiền nước ngoài để gây rối xã hội,…. Luận điệu tuyên truyền trên có thể thuyết phục người dân đại lục bị bưng bít thông tin, ngu dân còn với thế giới, nó trở nên lố bịch. Bởi lẽ, người tham gia biểu tình lên đến cả trăm ngàn người thì ai mua chuộc, xúi giục nổi? Lãnh đạo cuộc biểu tình không chỉ tuổi 17-20 mà còn là những giáo sư uy tín như ông Benny Tai, 50 tuổi.
Chống trả những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của chính quyền Bắc Kinh, giới trẻ Hồng Kông đã dùng internet để đưa tiếng nói của họ ra khắp thế giới. Trong lời kêu gọi của các bạn trẻ nơi đây, họ liên tục nhấn mạnh điều họ đòi hỏi đó là “chúng tôi chỉ yêu cầu không gì khác hơn là quyền phổ thông đầu phiếu”, họ nhấn mạnh thêm “quyền phổ thông đầu phiếu là quyền lợi rất thông thường ở các nước dân chủ” và họ nói “nó không có ở Hồng Kông”. Xin nói thêm quyền phổ thông đầu phiếu không chỉ là câu chuyện được tự do đi bầu mà nó còn phải đảm bảo từ quyền tự do ứng cử. Sẽ không có ý nghĩa gì nếu chỉ được bầu những người do ai đó sắp xếp trước. Bỡi lẽ khi đó người dân chỉ có thể bầu được một trong hai con: hoặc là chó hoặc là mèo mà thôi.
Rõ ràng đòi hỏi của người Hồng Kong là chính đáng. Cách đây hơn 200 năm, khi Jean-Jacques Rousseau trình bày cho nhân loại thấy nguồn gốc quyền lực nhà nước là từ người dân, người dân ủy quyền cho sự cai trị thì việc phổ thông đầu phiếu là đương nhiên của một chính quyền chính danh.
Đây chính là luận điểm mà không thế lực nào, dù có hùng mạnh như nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng không thể bác bỏ được. Đây là điều tạo nên chính nghĩa cho người biểu tình Hồng Kông.
Nhất thời, bạo lực, súng đạn, xe tăng,… có thế chiến thắng nhưng về lâu dài chính nghĩa sẽ chiến thắng. Hồng Kông hôm nay khác với Thiên An Môn năm 1989, mạng internet đã đưa tiếng nói chính nghĩa của giới trẻ Hồng Kông đi khắp toàn cầu. Chính vì điều này mà thời gian qua chính quyền Bắc Kinh không thể làm được gì với người biểu tình Hồng Kông dù học nắm trong tay một lực lượng súng ống, xe tăng khổng lồ.
Mặc cho những tuyên truyền xuyên tạc, giới trẻ Hồng Kông bám chắc vào luận điểm quyền phổ thông đầu phiếu tự do để chọi lại với một thể chế cường quyền hơn 1 tỷ dân, có võ khí nguyên tử, có quyền phủ quyết ở hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.
Có thể trong ngắn hạn, phong trào ở Hồng Kông có thể bị bóp nghẹt, bị suy tàn nhưng tôi tin về lâu dài người HK sẽ chiến thắng. Vì hạt mầm chính nghĩa họ gieo hôm nay được cả thế giới loài người tiến bộ lắng nghe. Sức mạnh của người Hồng Kông hôm nay là tiếp nối chính nghĩa của lý thuyết khế ước xã hội của Rousseau cách đây hơn 200 năm.
Tôi tin, nếu người Hồng Kông thành công nó sẽ lan tỏa, làm thức tỉnh những dân tộc còn bị bịt mắt, ngu dân, lừa dối trong trò ảo thuật “đảng cử-dân bầu”. Tôi hy vọng giới trẻ VN sẽ bừng tỉnh, suy nghĩ về mình từ ánh sáng chính nghĩa của giới trẻ Hồng Kông.
Mong lắm thay!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét