VRNs (04.10.2014) – Facebook - Hôm vừa rồi Đài truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình có nội dung trả lời phỏng vấn của Đại biểu quốc hội Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban tư pháp của Quốc hội về quyền im lặng trong tố tụng hình sự. Ông Đương đã phát biểu rằng quyền im lặng không phải là quyền con người.
Bằng những lời lẽ hùng hồn ông Đương cũng lập luận rằng: Số vụ bức cung nhục hình chỉ là cá biệt ít ỏi. Việc quy định quyền im lặng của bị can sẽ cản trở hoạt động điều tra trong việc truy tìm xử lý tội phạm. Rằng cần cân bằng hài hòa giữa nhu cầu điều tra xử lý tội phạm với việc bảo vệ các quyền công dân, thái quá về bên nào cũng gây hại cho bên còn lại.
Sai thứ nhất
Ông Đương cho rằng quyền im lặng không phải là quyền con người. Thế là sai, bởi lẽ quyền im lặng thực chất chính là một dạng thể hiện của quyền tự do ngôn luận, mà quyền tự do ngôn luận là quyền con người, do vậy quyền im lặng chính là quyền con người.
Hiến pháp sửa đổi năm 2013, tại Điều 25 quy định Công dân có quyền tự do ngôn luận và việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Như thế có thể hiểu rằng việc quy định quyền im lặng trong tố tụng hình sự thực chất là sự diễn giải, luật hóa quyền tự do ngôn luận của công dân theo hiến pháp.
Ngược lại, nếu bị can không được quyền im lặng, tức là để ngỏ khả năng bị can phải khai báo trái ý muốn, cũng tức là chấp nhận việc bị can có thể bị xâm hại về sức khỏe, danh sự và nhân phẩm. Như thế sẽ trái với quy định của Hiến pháp được thể hiện tại Điều 20 rằng: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh sự và nhân phẩm.
Cho nên nếu ông Đương và những người khác coi trọng những điều đã ghi trong Hiến pháp, thì phải luật hóa và truyền tải nội dung tinh thần của hiến pháp vào đời sống. Theo đó luật tố tụng hình sự phải quy định về quyền im lặng.
Sai thứ hai
Đại biểu quốc hội Đỗ Văn Đương cho rằng, quy định bị cần được quyền im lặng sẽ gây khó khăn cho việc điều tra xử lý tội phạm. Ông cho rằng cần cân nhắc quy định hợp lý giữa việc điều tra xử lý tội phạm với việc bảo vệ các quyền công dân, thái quá về bên nào cũng gây hại cho bên còn lại.
Đây thực chất là quan điểm đánh đổi hy sinh mục tiêu cho phương tiện.
Vì quyền công dân là mục tiêu còn việc xử lý tội phạm là phương tiện.
Nếu không quy định quyền im lặng chắc chắn sẽ xảy ra bức cung, việc ép buộc người ta khai báo sẽ xâm hại tới quyền được bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe công dân. Vậy hy sinh quyền công dân ngay trước mắt để xử lý tội phạm cũng nhằm bảo vệ quyền công dân khác, thế thì việc điều tra xử lý tội phạm đã hoàn toàn mất đi ý nghĩa và là đánh đổi mục đích cho phương tiện.
Đại thể có thể hiểu ý của ông Đương là trong xã hội có nhiều tội phạm nguy hiểm như cướp giết hiếp, nếu “nhẹ nhàng” với “bọn nó” thì làm sao truy bắt được đồng bọn, để chúng nó ngoài xã hội sẽ gây nguy hiểm cho những người khác.
Xem ra quan điểm của ông Đương vẫn có chỗ đứng trong xã hội và đặc biệt thể hiện quan điểm của cơ quan điều tra.
Tức là cần chấp nhận đôi khi phải “rắn” với tội phạm nguy hiểm, và đó chẳng qua cũng là việc chặng đặng đừng và chỉ nhằm tốt cho đời sống xã hội.
Nghĩa là thôi thì phải du di một tý quyền công dân, hy sinh một lợi ích nhỏ cá nhân để bảo vệ một lợi ích khác lớn hơn là an toàn xã hội.
Tức là chấp nhận một giải pháp khiếm khuyết để đạt mục đích.
Nhưng nhiều khi giải pháp đưa ra bị hạn chế là bởi nguyên do năng lực.
Thực tế vẫn có cách khiến bị can tự nguyện khai báo để bắt được kẻ đồng phạm trong khi vẫn tôn trọng các nguyên lý căn bản của tố tụng hình sự là bảo vệ các quyền công dân.
Hãy để luật sư giúp đỡ trong việc đó bằng cách giải thích cho bị can rằng nếu anh hợp tác với cơ quan điều tra để truy bắt đồng phạm, thì đó là lập công và có thể được giảm án.
Nếu bị can hiểu điều đó là chắc chắn, hắn không bị đánh lừa bởi đó có sự bảo đảm bằng người luật sư, khi đó lời khai sẽ là tự nguyện, và quyền im lặng vẫn được tôn trọng và mục đích vẫn đạt được.
Đó chỉ là một chi tiết nhỏ cho thấy nhiều vấn đề vướng mắc khiến người ta loay hoay chẳng qua là do yếu kém trình độ hoặc là sự giả bộ để níu giữ thực trạng nhằm bảo vệ cho quyền lợi ích kỷ.
Hóa giải những trở ngại còn lại
Nếu không quy định quyền im lặng thì chẳng có gì thay đổi cả. Trước nay đã có quy định rất rõ là nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình rồi, nhưng thực tế truy bức nhục hình vẫn diễn ra.
Nếu không quy định quyền im lặng thì chẳng có gì thay đổi cả. Trước nay đã có quy định rất rõ là nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình rồi, nhưng thực tế truy bức nhục hình vẫn diễn ra.
Và đừng nói việc truy bức nhục hình chỉ là cá biệt ít ỏi. Tình trạng nhục hình thì không có cơ sở khẳng định nhưng tình trạng bức cung thì có thể nói là xảy ra ở hầu như 100% các vụ án.
Bức cung không tệ như nhục hình nhưng nó góp phần làm mất niềm tin của người dân vào nền tư pháp, gây chán ghét và làm xã hội suy đồi bởi tính phổ biết rộng khắp về số lượng của nó.
Vậy nếu muốn thay đổi thực tế hiện tại thì phải quy định khác đi so với trước.
Hiện nay Đảng và Nhà nước đang có chủ trương cải cách tư pháp, tức là trong nhận thức đã thấy rằng hệ thống tư pháp như hiện tại là không ổn, cần thay đổi.
Đó là một động lực để đưa đến thay đổi một vấn đề cụ thể chi tiết là quyền im lặng trong tổng thể hệ thống tư pháp nước nhà.
Đối với giới tư pháp thì đây không phải là thời điểm thích hợp thì còn là khi nào?
Đối với Đảng và Nhà nước thì đây là một cách để thổi sinh khí khơi gợi sức sống niềm tin cho chương trình cải cách tư pháp.
Nhưng vẫn có ý kiến rằng với số lượng luật sư ít ỏi như hiện nay làm sao đảm bảo được mọi hoạt động lấy lời khai đều phải có luật sư bào chữa? Mà không lấy lời khai được thì làm sao giải quyết được vụ án, thế thì để án tồn đọng ùn ứ à?
Ở đây có một vài nhầm lẫn cần làm rõ.
Nếu bị can được quyền giữ im lặng và không khai báo, thì số lượng buổi làm việc lấy lời khai sẽ giảm tụt xuống rất lớn so với hiện nay.
Lâu nay cơ quan điều tra mất nhiều thì giờ với việc lấy lời khai, có những vụ án ma túy chỉ cùng một bị can mà có tới vài chục lần lấy lời khai. Nếu có quy định về quyền im lặng thì bản thân cơ quan điều tra sẽ phải đánh giá lại xem hoạt động lấy lời khai có phải là hoạt động điều tra trọng yếu giúp giải quyết án hay không.
Theo đó, khi quy định về quyền im lặng thì cơ quan điều tra sẽ phải thay đổi trọng tâm hoạt động điều tra, họ sẽ phải nâng cao trình độ để nhờ vào năng lực con người và các trang thiết bị máy móc hiện đại để có các hướng điều tra khác, giúp phát hiện và lần theo dấu vết tội phạm.
Khi quy định về quyền im lặng thì cũng phải thay đổi nhận thức về chứng cứ.
Lâu nay người ta vẫn cho rằng cái tờ giấy ghi lời khai của một người chính là chứng cứ, quan điểm này cần phải thay đổi.
Cái biên bản ghi lời khai đó chỉ là một dạng vật chất chứa đựng ngôn ngữ, giúp ta hiểu được quan điểm ý kiến của một người về vụ án. Nó không phải là cái đã tồn tại khi vụ án xảy ra và nó không chứa đựng dấu vết của tội phạm nên không giúp ta thấy được tội phạm đã diễn ra thế nào.
Cái giúp ta thấy được điều đó chỉ có thể là nhân chứng và vật chứng của vụ án. Nhân chứng là người đã chứng kiến và bản thân họ với cả thể xác và tinh thần mới là chứng cứ, đừng hiểu rằng cái biên bản ghi lời khai của họ là chứng cứ.
Lâu nay luật quy định và giới tư pháp đều nhận thức rằng biên bản ghi lời khai là chứng cứ, do vậy đó là nguyên nhân khiến người ta xoáy vào việc lấy lời khai và cho đó là trọng tâm của hoạt động điều tra tội phạm, trọng tâm của hoạt động giải quyết án.
Và đó là nguyên nhân dẫn đến bức cung nhục hình.
Ls. Ngô Ngọc Trai
https://www.facebook.com/ngongoctrai.ngo/posts/475493529257781?fref=nf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét