Ảnh cây dù được xếp từ những chiếc ô đủ màu của người biểu tình đòi dân chủ.REUTERS/Tyrone Siu
Trưởng Đặc khu hành chánh Hồng Kông một lần nữa khẳng định không từ chức và cảnh báo sinh viên coi chừng bị đàn áp. Tuyên bố trên đài truyền hình Chủ nhật 12/10, Lương Chấn Anh cho rằng phong trào dân chủ « gần như không có cơ may nào » làm Bắc Kinh nhượng bộ.
Phong trào dân chủ chiếm đóng Hồng Kông bước vào tuần lễ thứ ba sau khi chính quyền Lương Chấn Anh hủy bỏ đàm phán. Trong bối cảnh hàng ngàn sinh viên, học sinh cắm trại trên nhiều ngã đường chính phong tỏa khu vực hành chánh và tài chính, lãnh đạo hành pháp Hồng Kông tỏ thái độ cứng rắn.
Trên đài truyền hình TVB, Lương Chấn Anh thẩm định phong trào biểu tình đã vượt khỏi tầm kiểm soát của phe dân chủ. Ông cho rằng « dẫm chân lên Hiến pháp và quyết định của ban thường trực Quốc hội Trung Quốc » để đòi bầu cử tự do là một chiến thuật « ít có cơ may » chiến thắng. Lương Chấn Anh còn gián tiếp đe dọa dùng sức mạnh « tổi thiểu » để giải tỏa các khu phố bị chiếm đóng.
Lãnh đạo sinh viên kêu gọi chính quyền trở lại bàn đàm phán nhưng theo AFP đối thoại xem như đã bế tắc và do vậy phong trào biểu tình đã quay trở lại đường phố. Theo Reuters, hơn 200 căn lều đã được dựng lên trên hai con đường chính là Gloucester và Harcourt. Người biểu tình, trẻ có già có, qua đêm tại chỗ. Trên tường treo hàng ngàn biều ngữ lên án Lương Chấn Anh đỡ đầu cho xã hội đen, kêu gọi Đài Loan noi gương Hồng Kông không nên chấp nhận quy chế "một quốc gia, hai chế độ" với Trung Quốc. Nhiều truyền đơn giản dị hơn đòi « Dân chủ cho Hồng Kông».
Trong khi đó, một phong trào tự xưng là « băng vải xanh » ủng hộ chính quyền lên tiếng cảnh báo là họ sẽ xuống đường « nhận chìm » phe dân chủ. Phe này đã một lần tổ chức biểu tình với khoảng 10 ngàn người nhưng theo công luận địa phương, phe « băng vải xanh » nhận tiền của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Nhân dân nhật báo, cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày hôm 11/10/2014 đăng một bài xã luận cho rằng Hồng Kông bị « bất ổn » vì phong trào « Occupy central ». Theo nhiều nhà phân tích, từ « bất ổn » này biểu hiện tâm trạng ngày càng lo ngại của giới lãnh đạo Trung Quốc trước quyết tâm của phong trào dân chủ Hồng Kông chống lối « đảng cử dân bầu » mà Bắc Kinh áp đặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét