Pages

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Lý do nhiều phụ nữ quyết ra chiến trường chống IS

Trong khi cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn đang ở thế giằng co giữa các bên, một hiện tượng mới nổi đã thu hút sự chú ý của dư luận, đó là những người phụ nữ gan dạ cầm súng ra mặt trận chiến đấu với IS.

Gần đây truyền thông thế giới nhắc nhiều đến Mayssa Abdo, còn được biết đến với cái tên Narin Afrin, là người phụ nữ đang dẫn đầu Đơn vị bảo vệ người Kurd (YPG) chống IS tại thành phố chiến lược Kobane, Syria sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. 


Nữ lãnh đạo người Kurd Mayssa Abdo.

Trong khi đó, có ước tính cho thấy khoảng 35% chiến binh của YGP là phụ nữ, không những thế còn có lực lượng hoàn toàn là nữ giới người Kurd với khoảng 7.500 người. Phụ nữ người Kurd từ Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn tự nguyện được chiến đấu sánh vai cùng các chị em người Kurd tại Syria.


Theo đánh giá của chuyên gia, lý do khiến “phái yếu” mạnh bạo cầm súng ra chiến trường được cho là bởi họ bất bình trước những điều IS đã gây ra với phụ nữ.


Vào năm 2014, IS tận dụng Internet và mạng xã hội để lan truyền hình ảnh cho thấy điều chúng đã làm với người thiểu số Yazidi tại Iraq đó là sử dụng họ như nô lệ. Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến hành điều tra và ra báo cáo về thị trường nô lệ được mở tại Raqqa, thủ phủ của IS tại Syria và thậm chí ở Mosul, Iraq.


Đặc biệt, các nhà điều tra LHQ đã phỏng vấn nhiều nhân chứng cho biết họ phát hiện rất nhiều phụ nữ bị bắt giữ, bị lạm dụng bởi IS sau đó trao cho những kẻ buôn nô lệ. Theo ước tính của LHQ, có ít nhất 2.500 nạn nhân như vậy và theo một số đánh giá con số này còn có thể cao hơn.


Khi lực lượng người Kurd đánh đuổi IS ra khỏi đập Mosul, đã có báo cáo về phụ nữ bị lạm dụng và bạo hành bởi IS, những trường hợp tương tự cũng được ghi nhận tại nhiều khu vực khác do IS kiểm soát.


Các nữ binh sĩ người Kurd vẫn giữ nụ cười tươi tắn, tâm lý tự tin ngay cả khi trực chiến.

Tại những địa điểm do IS kiểm soát như Raqqa, phụ nữ bị o ép phải tuân thủ luật lệ nghiêm ngặt về trang phục kín từ đầu tới chân và không được phép ra khỏi nhà nếu không có nam giới là người thân đi cùng. Hãng tin NBC dẫn lời một người dân tại Raqqa cho biết sự cấm đoán này của IS đã khiến nhiều nữ sinh không thể tới trường.

Những hành động trên do IS gây ra đã trở thành lý do khiến điều khiến phụ nữ quyết tâm tham gia mặt trận chống tổ chức cực đoan này.


Trước đó, người đã cảnh báo cả thế giới về mối hiểm họa IS là một người phụ nữ. Vào tháng 8, bà Vian Dakhil, thành viên người Yazidi duy nhất trong quốc hội Iraq, đã có phát biểu ấn tượng và nhiều cảm xúc trước Quốc hội Iraq cảnh báo về nạn diệt chủng mà IS đang tiến hành với người thiểu số Yazidi. Phát biểu của bà Dakhil đã gây sức hút lớn và được lan truyền trên mạng và truyền thông.


Hiện nay, khi Mỹ và lực lượng đồng minh đang dựa vào không kích nhằm tiêu diệt và kìm chế bước tiến của IS thì những người phụ nữ trực tiếp tham gia mặt trận trên bộ chống IS thực sự đã có đóng góp không hề nhỏ.


Theo Báo tin tức

Không có nhận xét nào: