Pages

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Vài suy nghĩ từ sự kiện Hồng Kông đến PTDC Việt Nam



Phan Châu Thành (Danlambao) - Đến nay giới trẻ HK mới dần dần nhận ra các giá trị khác cao hơn thương mại và đích thực làm nên Thịnh vượng, đó là các giá trị Dân chủ mà họ vốn may mắn được hưởng từ hơn thể kỷ trước. Và nay họ muốn có nó mãi, muốn giữ nó - Thịnh vượng bằng Love and Peace - Tình yêu và Hòa bình... Bài bản của họ rất đúng, bất bạo động 100%. Nhưng như thế có là đủ cho sự Thịnh vượng tiếp theo cho một tiểu quốc? Theo tôi, chỉ Love and Peace là chưa đủ, còn phải chấp nhận trả giá bằng chính Thịnh vượng tạm thời, phải chấp nhận Pains - đau khổ và khó khăn, thì mới có Gains - Thịnh vượng mới. Như vậy, phải đấu tranh bằng/with Love and Peace, and ready to Sacrify...

*

Người Việt chỉ có ba câu hỏi “hồi hộp”?

Những ngày trước và sau quốc khánh Trung cộng 1/10/2014 này, sự kiện trung tâm và hàng đầu của Châu Á chắc chắn là cuộc biểu tình của giới trẻ Hồng Kông đòi quyền bầu cử người đứng đầu HK cho dân HK. Với người Việt trên Lề Dân đó cũng là sự kiện được dành từ 50% đến 80% bài vở và tranh luận trên các trang mạng, đủ nói phong trào dân chủ Việt Nam đang theo dõi rất sát sao và đặt nhiều hy vọng, nhiều kỳ vọng vào HK đến thế nào.

Nó sẽ là Thiên An Môn mới hay là Cách mạng Cánh Dù thành công đầu tiên ở Châu Á? 

Nó sẽ lan tỏa ngoài HK ra cả Trung quốc (các vùng Macao, Tây Tạng, Tân Cương...) thế nào? 

Và nó có lan tỏa tới VN không và như thế nào?...

Đó có lẽ là “ba câu hỏi hồi hộp” của những người đấu tranh dân chủ VN hiện nay. Hồi hộp là sự quan tâm bị động hoàn toàn. Rất tiếc là tôi không thấy các câu hỏi dạng quan tâm chủ động, như: Chúng ta có thể làm gì ngay bây giờ và ngay ở VN này để hiểu sát hơn, để theo gương và ủng hộ các bạn HK (Ví dụ: phát động phong trào đến các công viên trung tâm SG/HN biểu tình ngồi ôn hòa với thông điệp “Tôi yêu Dân chủ”, “Tôi yêu Hồng Kông” và chia sẻ offline các thông tin, hình ảnh về sự kiện HK...?)? Chúng ta có nên đến HK du lịch (với những ai có đủ điều kiện) để quan sát và học hỏi trực tiếp bất chấp cản ngăn của chính quyền Trung cộng và Việt cộng? Chúng ta có nên đến các trường học (trung học và đại học) hỏi và trao đổi với giới trẻ VN về sự kiện HK? Chúng ta có nên phát động phong trào tẩy chay “đảng cử dân bầu” Quốc hội khóa 14 tới cuối 2016 từ bây giờ? v.v... Và nếu bị chính quyền cản ngăn trong các việc trên thì chúng ta nên/sẽ làm gì? v.v...

Tôi cũng rất quan tâm đến sự kiện HK, nhưng không phải vì “ba câu hỏi hồi hộp” mà làm các câu hỏi chủ động và hành động cơ, nên chỉ dành cho sự kiện HK được chưa tới 20% thời gian đọc và suy nghĩ của mình thôi, 50% vẫn là những sự kiện của Việt Nam, và 30% là thế giới - là chống IS và tình hình Ucraina... Tại sao tôi không chú ý đến sự kiện HK nhiều như đa số trên Lề Dân? Vì tôi thấy chỉ quan tâm bị động thì... phí thời gian quá, không đóng góp thêm được điều gì tích cực cho mình và cho môi trường xa gần xung quanh.

Tôi cũng dự đoán sự kiện HK chưa ở tầm cỡ Thiên An Môn và có thể sẽ phát triển vào bước ngoặt mới bất ngờ bất lợi cho phong trào dân chủ HK, đó là...

Khả năng thứ tư của HK...

Chúng ta biết, biểu tình đại qui mô của giới trẻ HK là chống đối trực diện với Bắc Kinh, và được phương Tây ủng hộ, hậu thuẫn kín đáo. Dù kín đáo thì họ vẫn phải hành động - qua hành động của giới trẻ HK, nên họ đã bước ra ngoài ánh sáng. Còn phe “bên kia” là chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa phản ứng rõ rệt, chưa hành động công khai, nên họ vẫn đang trong bóng tối, họ có lợi thế đi nước cờ sau và cũng không bất ngờ với nước cờ trước...

Thế nên, họ - Bắc Kinh có thể (hầu như chắc chắn) sẽ không đàn áp như ở Thiên An Môn - khả năng thư nhất hầu như bị loại. Họ cũng không nhượng bộ yêu sách của giới trẻ HK ngay về đầu phiếu phổ quát năm 2017 hay cho vị trưởng đặc khu hiện tại từ chức, vì như thế sẽ dẫn đến phải có người thay thế ngay - tức phải hoặc áp đặt người của Bắc Kinh ngay (đổ thêm dầu vào lửa), hoặc cho dân HK bầu (phổ quát) người đứng đầu HK ngay, tức Bắc Kinh đầu hàng kép? Không thể có, vì thế thì còn tệ hơn chấp nhận bầu cử phổ quát sau 3 năm nữa như phong trào của giới trẻ đang yêu cầu. Như vậy, khả năng thứ hai, phong trào Cách mạng Cánh Dù thành công, cũng là hầu như không khả dĩ.

Khả năng thứ ba là phong trào sẽ kéo dài không có hồi kết trong vài tuần, vài tháng tới, và vì thế nó sẽ lan tỏa ảnh hưởng khắp Trung cộng và một số nước khác như Đài Loan, Việt Nam... Đây là điều phong trào dân chủ VN hy vọng, nhưng lại là khả năng rất xấu có hại cho phong trào biểu tình của giới trẻ HK và có lợi cho Bắc Kinh, vì nó ảnh hưởng mạnh đến kinh tế HK (đưa đến khủng hoảng), nền kinh tế vốn dựa trên ba lĩnh vực chính là thương mại, du lịch giải trí và tài chính - tất cả đều là những lĩnh vực kinh tế nặng cảm xúc và thiếu kiên nhẫn, không thể chịu được khủng hoảng lớn lâu dài quá 2 tuần. Nhất là khi tác giả khủng hoảng kinh tế lại là giới trẻ vốn chưa tham gia vào nền kinh tế nên không thể quyết định việc quá lớn như chấp nhận kinh tế đi vào khủng hoảng bởi người lao động ở HK vẫn đang làm việc và vốn chưa hề tham gia cuộc đấu tranh biểu tình của giới trẻ HK hiện nay. Như thế, khi có nguy cơ khủng hoảng kinh tế khi cuộc biểu tình kéo dài gây nên, chính người lao động HK sẽ mong và có thể muốn ngăn giới trẻ chấm dứt biểu tình...

Nếu cuộc biểu tình là văn hóa dân chủ trên trăm năm đã kết tinh của HK, thì kinh doanh liên tục xuyên suốt hai cuộc đại chiến thế giới và gần hai thế kỷ cũng là đặc trưng mạnh mẽ của HK, nhất là mảng thương mại và tài chính là đôi chân không ngừng nghỉ của nền kinh tế HK kể từ khi nó là nhượng địa của Anh tức từ khoảng 167 năm trước. Vì thế, khó mà hình dung nổi một HK có khủng hoảng kinh tế ngừng trệ trong khi thị trường cả thế giới thì vẫn đang sôi động xung quanh, vì cái đó không “được chấp nhận” trong máu của người HK... Mặt khác, kinh tế HK gắn quá chặt chẽ với kinh tế TQ, là cuống họng hay động mạch chủ quan trọng của kinh tế TQ, nếu nó có “mệnh hệ gì” thì cả nền kinh tế TQ vốn đã bắt đầu phát triển chậm lại vì đến ngưỡng cấu trúc cũng sẽ phải chao đảo theo...

Vì thế, khả năng thứ tư là một thỏa hiệp trong khoảng 1 tuần đổ lại giữa hai bên, rằng Bắc Kinh sẽ xem xét không đưa người của mình lên lãnh đạo HK vào năm 2017, nhưng cũng sẽ có thể đẩy lùi cuộc đầu phiếu phổ quát thêm 2-3 năm nữa, dự kiến vào 2020 chả hạn, và HK cho đến 2020 vẫn có người lãnh đạo hiện nay.

Giải pháp thứ tư là thỏa hiệp, vì nó tránh được hai khả năng “thắng-thua” đầu tiên mà chắc chắn không được cả hai bên chấp nhận, nó là giải pháp để tránh khả năng thứ ba mà cả hai bên không muốn và bên biểu tình có lẽ sẽ cũng không muốn hơn không kém Bắc Kinh... Và nhất là, đó là giải pháp hai bên cùng tìm thấy thắng lợi cho mình.

Bắc Kinh thì sẽ không phải ra tay đàn áp HK bằng bạo lực - điều chắc chắn sẽ gây thảm họa cho TQ từ phản ứng khắp thế giới, hay bị ảnh hưởng kinh tế từ HK - điều sẽ gây thêm khó khăn về ổn định chính trị nội bộ của TQ vốn đang rất căng thẳng hiện nay, hay bị phải nhượng bộ phong trào sinh viên hoàn toàn - điều sẽ làm Bắc Kinh bẽ mặt.

Phong trào dân chủ thì không phải đập vỡ nồi cơm của mình (nền kinh tế HK), vẫn có hy vọng thắng ván ở tiếp 2020, và ít nhất ở ván sắp tới 2017 này HK không thua...

Suy nghĩ về khả năng thứ tư của HK

Đó là sự thất bại của phong trào đấu tranh của giới trẻ HK. Lý do: vì họ quá trẻ để có thể quyết định (chưa có quyền và chưa có khả năng) chấp nhận trả giá kinh tế để đổi lấy mục đích dân chủ (tương lai chính trị của HK). No pains no gains. Cái pains/đau đớn nhỏ nhất trong đấu tranh chính trị là cái pains kinh tế, hay cái giá phải trả của nền kinh tế, thì nhiều khả năng phong trào sinh viên HK sẽ không sẵn sàng đánh đổi (không dám gây nên khủng hoảng kinh tế), nên nó không thể thành công. Tôi vẫn biết đằng sau giới trẻ HK là những bộ óc giáo sư (cả HK, và từ Anh, Mỹ), nhưng hành động vẫn phải là giới trẻ HK trong số đông. Nhất là, với đối thủ cực lớn và tột cùng gian xảo là CSTQ thì nền dân chủ non trẻ HK, dù có hậu thuẫn của London và Washington, vẫn chưa thể thực sự là đối thủ. Có lẽ vài năm tới họ mới dám trả giá bằng cả nền kinh tế, khi nhận ra Thịnh vượng lâu dài phải đổi bằng và chỉ có thể đổi bằng Thịnh vượng trước mắt.

Chúng ta thấy, tất các phong trào cách mạng hoa châu Âu hay mùa xuân Ả-rập, Bắc Phi, Trung Đông... đều phải trả giá bằng cả nền kinh tế của các nước đó, và sinh mạng của thành phần ưu tú nhất của dân tộc họ, mà xác suất thành công khi đó vẫn chưa phải 100%...

Tôi có hiểu HK? Không nhiều. Tôi mới chỉ đến HK ba lần, một lần đi du lịch, một lần sang tìm cơ hội làm ăn với doanh nhân HK và thất bại, và lần thứ ba đi hội nghị thương mại, và vợ chồng tôi bị nhốt cách ly ở sân bay KH lúc mới sang trong đại dịch SART mà VN Airlines dù biết có Sart nhưng vẫn im lặng chở người Việt sang để bị nhốt rồi chở về chỉ vì VNA không muốn trả tiền vé và hủy chuyến bay... Và cảm nhận của tôi về HK và người HK đọng lại từ lời tuyên bố của một doanh nhân HK mà tôi hợp tác bất thành, đại ý rằng: Ở HK, thương mại là tất cả, tất cả cho thương mại, vì thương mại, nhờ thương mại, từ thương mại, là thương mại. Thương mại là Thịnh vượng. Một thứ thương mại “phi chính trị”, chào đón cả tôi từ VNCS và cả mấy anh bạn CS Bắc hàn với cả bọn khủng bố đạo Hồi, như nhau cả... (Tôi hợp tác kinh doanh bất thành vì tôi không thể kết bạn được với doanh nhân đó, để kinh doanh...).

Nhưng có thương mại “phi chính trị”, “phi tình bạn” thật không? Theo tôi là không. Thịnh vượng đến hôm nay của HK là nhờ có Thương mại trong thể chế dân chủ (chính trị đề cao con người) của nước Anh bao bọc và để lại, chứ không phải thương mại “phi chính trị”.

Tuy không đột nhiên đến nay, 2014, sau 17 năm trở về mẫu quốc, người HK - giới trẻ mới dần dần nhận ra có các giá trị khác cao hơn thương mại và đích thực làm nên Thịnh vượng, đó là các giá trị Dân chủ mà họ vốn may mắn được hưởng từ hơn thể kỷ trước. Và nay họ muốn có nó mãi, muốn giữ nó - Thịnh vượng bằng Love and Peace - Tình yêu và Hòa bình... Bài bản của họ rất... đúng, bất bạo động 100%.

Nhưng như thế có là đủ cho sự Thịnh vượng tiếp theo cho một tiểu quốc, một quốc gia? Theo tôi, chỉ Love and Peace là chưa đủ, còn phải chấp nhận trả giá bằng chính Thịnh vượng tạm thời, phải chấp nhận Pains - đau khổ và khó khăn, thì mới có Gains - Thịnh vượng mới. Như vậy, phải đấu tranh bằng/with Love and Peace, and ready to Sacrify...

Đến Phong trào Dân chủ Việt Nam...

Phong trào dân chủ Việt Nam cũng vậy, cần/nên sẵn sàng trả giá. Nếu cái giá là khủng hoảng kinh tế VN (để rồi gây dựng lại trong dân chủ từ đầu) thì tất nhiên mọi người Việt dân chủ đều chấp nhận, nhưng chúng ta lại không thể tạo ra điều đó, chỉ có CSVN tự tạo ra khủng hoảng kinh tế để rồi (là điều kiện) dẫn đến (nhưng không quyết định) sụp đổ thể chế CS. Sự sụp đổ thể chế CS được quyết định bởi hành động của phong trào dân chủ, trong đấu tranh bất bạo động với sự chấp nhận và sẵn sang trả giá. Cái giá phải trả đó là gì, với từng người và với cả phong trào?

Theo tôi, với từng người, đó là phải dấn thân, theo mọi cách của mình. Với cả phong trào dân chủ, đó là hóa thân là một - đó là đoàn kết mọi thành phần.

Tôi biết, nói thì dễ, nhưng chính tôi cũng chưa làm được. Dấn thân là vượt qua nỗi sợ. Vượt làm sao? Mấy tuần trước Vũ Đông Hà có bài “Giữa bờ Muốn và bến Làm là dòng sông Sợ hãi” trên DLB mà tôi rất quan tâm và có viết ngay một bài cùng thảo luận, song vì mình chưa vượt qua được dòng sông sợ hãi của mình, nên tôi đã không gửi nó đi - hy vong một ngày nào đó tôi sẽ gửi...

Và nói mọi người Việt dân chủ phải đoàn kết thì như nói... các chàng trai dân chủ nên cùng chia sẻ tình yêu với cùng một cô gái thôi, còn các cô gái dân chủ thì nên cùng yêu một chàng trai thôi, cho nó đoàn kết dân chủ... vì hai kẻ được yêu đó là hai vị Thần Dân chủ. Vấn đề của người Việt dân chủ chúng ta là (tôi cũng vậy): Ai cũng muốn chứng minh mình yêu Dân chủ nhiều hơn, đúng hơn, tinh khiết hơn, ít “cơ hội” hơn, tỉnh táo hơn... Tức là, tình yêu đó chỉ để đem so sánh, sở hữu và gắn tên thân chủ (của-tôi-hơn) chứ không phải để hiến dâng nàng/chàng Dân chủ vô điều kiện...

Nàng/chàng Dân chủ vì thế không đến với người Việt được vì cô đơn héo mòn trong đám người “tránh đấu vì Dân chủ cho Việt Nam”?


Phan Châu Thành

Không có nhận xét nào: