Pages

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

CA đòi sửa luật, buộc báo chí phải tiết lộ nguồn tin



Sau khi cung cấp bằng chứng tố giác tiêu cực cho CA, nhà báo Trần Quang Thành đã bị chính CA 'chỉ điểm' cho xã hội đen đến nhà tạt acid trả thù

CTV Danlambao - Bộ CA cho biết đã đề xuất sửa đổi điều 7 trong Luật báo chí, theo đó, thủ trưởng cơ quan điều tra có quyền yêu cầu báo chí buộc phải tiết lộ nguồn tin liên quan đến các vụ tham nhũng. Đề xuất này được đưa ra sau khi có nhiều ý kiến phê phán và chê bai sự bất lực của lực lượng CA trong các vụ án tham nhũng lớn như Vinashin, Vinalines... 

Ngay lập tức, đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội. Nhà báo Mai Phan Lợi gọi đây là 'sự kiện chấn động' nếu dự luật trên được thông qua. Trong khi đó, nhà báo Trần Quang Thành thẳng thắn gọi đây là một 'thủ đoạn' của CA nhằm 'tiêu diệt và bịt miệng' những ai dám đứng lên chống tham nhũng.

Điều 7 Luật báo chí hiện nay quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng viện kiểm sát nhân dân hoặc chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”. 

Viện lý do "nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng", Bộ CA đã đề xuất sửa đổi luật báo chí theo hướng "thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng". 

Với một hệ thống công an khổng lồ và dày đặc trải dài trên cả nước, cụm từ "Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp" không được quy định rõ ràng sẽ dẫn đến những hành vi lạm dụng. 

Hầu hết các vụ tham nhũng lớn tại Việt Nam bị phanh phui đều do báo chí lên tiếng trước, sau đó công an mới bắt đầu vào cuộc. Có trường hợp, chính nhà báo lại là nạn nhân trả thù của CA sau khi những kẻ tham nhũng bị truy tố. 

Nhà báo kỳ cựu Trần Quang Thành cho rằng: Ngoài thủ đoạn bịt miệng báo chí, bộ CA muốn thông qua đề xuất này để đe dọa, thậm chí tiêu diệt những người dân dám tố cáo tham nhũng. 

Muốn chống tham nhũng hiệu quả thì nhà báo phải biết dựa vào thông tin và sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân. Hiện nay, người dân đã không tin tưởng vào lực lượng công an, nên hầu hết các bằng chứng tham nhũng của quan chức đều được gửi đến báo chí. Nếu đề xuất của CA đòi báo chí tiết lộ bí mật được thông qua, liệu còn có ai dám tố cáo tham nhũng khi luôn phải lo sợ bị trả thù? 

Nhà báo Trần Quang Thành bị tạt acid vào ngày 4/7/1991, sau khi loạt bài phóng sự tố cáo nạn mua bán phụ nữ, trẻ em, buôn lậu… của ông được công bố. Vụ trả thù tàn bạo trên đã khiến khuôn mặt ông bị hủy hoại, mù một mắt, mắt còn lại chỉ nhìn được 1/10. 

Kể lại kinh nghiệm đau thương của mình, nhà báo Trần Quang Thành cho biết bản thân ông là nạn nhân đã bị CA ‘chỉ điểm’, dẫn đến việc ông bị trả thù man rợ sau khi cung cấp đầy đủ thông tin, bằng chứng về các vụ tiêu cực cho công an. 

Chính Nguyễn Đức Nhanh, khi ấy còn Thượng tá - Trưởng phòng CSĐT CA TP Hà Nội đã chỉ điểm cho xã hội đen trả thù bằng cách tạt acid. Sau khi gặp nạn, kẻ bị nhà báo Trần Quang Thành tố cáo đã gọi điện thoại đến bệnh viện thách thức "Ông Thành ơi, CA bảo vệ tôi hay bảo vệ ông?"

Rõ ràng, việc đưa ra dự luật ép buộc báo chí tiết lộ bí mật nguồn tin cho thấy sự kém cỏi của lực lượng CA trong các vụ án tham nhũng. Ngoài ra, đây cũng chính là sự đe dọa đối với những ai dám công khai tố cáo tham nhũng, tiêu cực.

"Không thể dùng bọn bao che tham nhũng để chống tham nhũng", nhà báo Trần Quang Thành kết luận.

Không có nhận xét nào: