Pages

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Gấp rút chẩn bệnh nợ xấu và cho thuốc

Nam Nguyên, phóng viên RFA

000_Hkg8563081-305.jpg
Một khách hàng rời văn phòng giao dịch Ngân hàng thương mại Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hôm 10/5/2013
AFP photo
Thông tư số 02 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6 sắp tới. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc thực hiện Thông tư số 02 sẽ cho thấy bức tranh tổng thể về nợ xấu, về chất lượng tài sản và phân loại mức độ rủi ro.
Tuy vậy trong phiên họp tham vấn ngày 8/5 vừa qua ở Hà Nội, nhiều ý kiến của giới ngân hàng, doanh nhân kiến nghị tạm hoãn việc thực hiện Thông tư 02, hoặc thiết lập một lộ trình chậm hơn. Lý do được đưa ra là tỷ lệ nợ xấu thực sự sẽ tăng lên rất cao khi thực hiện Thông tư 02, doanh nghiệp đang khó khăn, không nên hạn chế thêm khả năng tiếp cận vốn của họ.

Trả lời chúng tôi, Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh từ Hà Nội nhận định:
“Tái cấu trúc không phải là một bữa cỗ mà mọi người được mời đến đó để ăn. Tái cấu trúc là sẽ phải trả giá, sẽ phải chịu đau và sẽ phải có sự đào thải, nhưng cho đến nay chưa có doanh nghiệp nhà nước nào tuyên bố phá sản cả. Ngay cả Vinashin cũng chưa thấy có phá sản, trong khi đó có con số 72.000 doanh nghiệp tư nhân bị ‘ốm’ có nghĩa họ không có lợi nhuận và con số doanh nghiệp đóng cửa trong năm 2011-2012 cho đến nay lên đến hơn 100.000 doanh nghiệp. Tôi nghĩ là không nên trì hoãn việc chẩn bệnh một cách đứng đắn và cũng không nên trì hoãn việc uống thuốc, dẫu liều thuốc đó có đắng và bây giờ là lúc chúng ta phải dũng cảm để thực hiện các biện pháp phẫu thuật tuy có đau đớn nhưng sau đó có thể làm cho cơ thể nền kinh tế mạnh lên.”
Tại sao giới ngân hàng cũng như doanh nghiệp lại muốn chậm thực hiện thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tương ứng. Có thể thấy rất đơn giản là những món nợ xấu bị che dấu sẽ lộ diện, việc trích lập dự phòng rủi ro sẽ khiến ngân hàng tiêu tốn những khoản tiền rất lớn và ngân hàng sẽ bị giảm lợi nhuận. phía doanh nghiệp vốn dĩ đang khó vay vốn sẽ càng khó khăn hơn; chưa kể những trường hợp có thể vay vốn nhưng không dám vay vì không thể mở rộng sản xuất trong tình trạng sức mua giảm, hàng tồn kho cao.
Ông Bùi Kiến Thành chuyên gia tài chánh hiện làm việc ở Việt Nam nhận định:
“Qui định của Việt Nam nếu nợ xấu kéo dài 90 ngày, thì phải xác lập dự phòng 5%; nếu trễ hạn trả nợ 180 ngày thì phải trích lập dự phòng 20%; nếu trễ hạn 360 ngày phải lập dự phòng 50%. Với nhóm thứ 5 tức là nợ kể như mất hẳn thì phải trích lập dự phòng 100% món nợ cho vay đó. Vì thế ngân hàng không muốn trích lập dự phòng và không khai để khỏi trích lập dự phòng. Nghĩa là về vấn đề này ngân hàng không trung thực đối với nhân dân, không trung thực đối với nền kinh tế, rồi giấu những nợ xấu của mình đi rồi khai ra những lợi nhuận hết sức lớn.”

"Thuốc đắng dã tật"

bat-dong-san-250.jpg
Bất động sản Hà Nội, ảnh minh họa. RFA photo
Báo VnEconomy ngày 9/5 trích lời chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, không nên trì hoãn áp dụng qui định phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Theo lời ông, Thông tư số 02 là một cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng, không nên nghĩ rằng nợ xấu trong vòng kiểm soát, rồi 6 tháng hay 1 năm nữa mọi người sống trong ảo tưởng tình trạng đang tốt. Thực hiện Thông tư số 02 tất nhiên phải trả giá lớn, nhưng ông Nguyễn Trí Hiếu cho là sẽ không thấm vào đâu vì nếu áp dụng sẽ giúp lành mạnh hóa hệ thống và hội nhập với thế giới. Theo ước tính của chuyên gia này, nhiều ngân hàng nợ xấu hiện chỉ 3%-4%, nhưng nếu áp dụng Thông tư số 02 có thể  tăng lên thành 10%-20%, thậm chí còn cao hơn, nợ xấu có thể thâm vào vốn sở hữu, trong khi lợi nhuận thực sự rất khó khăn để có thể bù đắp. Vẫn theo lời chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, cần xem đây là cuộc giải phẫu ghê gớm nhất, lớn nhất, từ đó sẽ xử lý bệnh tốt nhất.
Tại phiên họp  tham vấn ngày 8/5 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Hà Nội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm nhận định rằng, lộ trình triển khai Thông tư 02 cần tránh gây sốc cho nền kinh tế. Đặc biệt việc phân loại nợ một cách triệt để dẫn tới tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng lên rất mạnh, việc trích lập dự phòng rủi ro tương ứng có nghĩa nguồn vốn tín dụng bị giảm đi.
Nợ xấu ngân hàng của Việt Nam thực sự là bao nhiêu, vẫn là những con số mù mờ không khả tín. Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định :
“Nợ xấu nợ khó đòi ở Việt Nam chưa thực sự rõ ràng minh bạch là bao nhiêu, khi mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra Quốc hội nói là 8%, xong rồi ít lâu sau nói là 10%, bây giờ cách đây mấy tuần lễ nói là đã rút xuống 6%  giảm bớt 2%. Thực sự không ai hiểu được cả, làm sao từ đâu có thể giảm xuống như vậy trong khi nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp phá sản tràn lan. Tất cả những việc này cần có sự nghiên cứu nghiêm túc, có lẽ Nhà nước cần nỗ lực hơn nữa để làm rõ.”
Thông  tư số 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tương ứng được cho là biện pháp tốt nhất nhiều hứa hẹn cho tới nay, để nhận diện bộ mặt nợ xấu hệ thống ngân hàng từ đó có biện pháp xử lý. Phản ứng của giới ngân hàng và doanh nghiệp cho thấy họ đầy lo âu khi chịu cuộc đại phẫu mở đầu cho vấn đề tái cấu trúc. Thế nhưng chỉ riêng tổng nợ của tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước đã lên tới 1.330.000 tỷ đồng, núi nợ khổng lồ này được phân loại thế nào và xử lý ra sao, nó có nằm trong cuộc đại phẫu thuật nợ xấu hay không.

Không có nhận xét nào: