Pages

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

“Hàng nóng” tràn lan và kẽ hở của pháp luật

(Dân Việt) - Việc những băng nhóm tội phạm hay người dân sở hữu và liên tục dùng súng ống để “nói chuyện” với nhau, có phần nguyên nhân từ các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ.
Còn xem nhẹ giáo dục công dân

Khi được hỏi về sự manh động của các loại tội phạm hiện nay sẵn sàng dùng súng chống trả người thi hành công vụ hay thanh toán lẫn nhau, TS xã hội học Tống Văn Chung- Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết: Ở nước ta giai đoạn từ 1975 đến 1990 hầu như làng xã nào cũng có súng, nhiều làng còn treo cả súng ở trụ sở. Hay ngay tại đình làng, thôn bản vùng cao nào cũng có hàng chục khẩu súng kíp, mà không sợ mất an toàn. Bởi lúc đó người dân nào cũng được giáo dục là súng là dùng để bảo vệ làng xã khỏi trộm cướp.


Thời kỳ đó, súng có ở trong dân là phổ biến, chứ không phải là cấm tuyệt đối như bây giờ. Nhưng hầu như không bao giờ xảy ra tình trạng người dân biến thành tội phạm, mang những khẩu súng đó đi ăn cướp, thanh toán lẫn nhau hay chống người thi hành công vụ như vừa qua.
Hiện đã có nhiều quy định về việc cấm người dân tàng trữ, sử dụng vũ khí nhưng vì sao mỗi năm ở nước ta có đến hàng chục vụ dùng súng bắn nhau hay chống người thi hành công vụ? Đứng dưới góc độ của người nghiên cứu xã hội và tâm lý tội phạm, tôi cho rằng ở giai đoạn vừa qua chúng ta chưa nhận thức hết về sự quan trọng của việc giáo dục ý thức con người”.

Theo TS Tống Văn Chung, dù rằng chúng ta đã xây dựng nhiều bộ luật, nhiều chế tài để điều chỉnh hành vi của công dân nhưng đó là những điều luật cứng nhắc và chỉ có tác dụng khắc phục hậu quả chứ chưa có hiệu quả ngăn chặn sự việc.
“Trước kia ở xã hội ta chưa có luật pháp đầy đủ mà người ta điều chỉnh nhau bằng những thiết chế làng xã khu phố, dưới dạng các hương ước nhưng xã hội vẫn ổn định và không có tội phạm manh động xuất hiện. Còn bây giờ xã hội hiện đại, ta không phủ nhận yếu tố du nhập sự lưu manh của tội phạm, nhưng cũng phải thừa nhận rằng thời gian vừa qua chúng ta đã xem nhẹ việc giáo dục công dân, nâng cao ý thức xã hội cho họ. Vì vậy, mới xảy ra tình trạng tội phạm dùng súng hành hoành”.
Còn luật sư Vũ Ngọc Long thuộc Văn phòng Luật sư Phước Long (Hà Nội) thì khẳng định, việc xuất hiện hiện tượng buôn bán, sử dụng súng hoa cải tự chế rồi gây án đã khẳng định một điều những người xây dựng luật pháp của nước ta đang bị động, không dự báo được tình hình. Chỉ đến khi hàng loạt những vụ trọng án xảy ra, chúng ta mới đưa ra được Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Điều đó cũng nói lên rằng, người xây dựng luật chỉ xây dựng ở cấp vĩ mô mà chưa sát với thực tế, không quan tâm đến sự vận động mới của xã hội.
Xem nhẹ lời cảnh báo
Nói về hiện tượng súng hoa cải hiện nay ở Hải Phòng, đại tá Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an thành phố cho biết: Năm 2005, ở Hải Phòng xảy ra vụ trọng án đầu tiên mà đối tượng gây án đã dùng súng hoa cải bắn chết người. Đến năm 2006, tại hội nghị do Bộ Công an tổ chức, tôi đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng tội phạm sử dụng loại vũ khí này. Tuy nhiên, thời điểm đó, lãnh đạo một công an tỉnh giáp ranh với Hải Phòng cho rằng tôi nói chuyện không tưởng hay nói quá về việc này. “Loại vũ khí này có thể dễ dàng mua từ bên kia biên giới. Tôi từng được mời mua khi ghé qua cửa khẩu”- ông Ca tiết lộ.
Ngoài súng hoa cải dễ mua như rau, súng bút ám sát cũng là một dạng chỉ cần bỏ vài ba triệu đồng là có thể dễ dàng mua được. Bất cập ở chỗ, những người tàng trữ súng hoa cải, súng bút khi bị bắt thì chỉ bị xử lý hành chính, trong khi loại vũ khí này chỉ cần họ bóp cò súng là có thể gây án mạng. “Ranh giới giữa xử lý hình sự và hành chính với những người sử dụng súng hoa cải, súng bút rất mong manh. Hành lang pháp lý không đủ mạnh để ngăn cản họ mang theo, sử dụng những loại vũ khí này. Do vậy, thời gian qua Hải Phòng dù bắt được những vụ tàng trữ sử dụng loại vũ khí này nhưng không thể xử lý mạnh tay được”- đại tá Đỗ Hữu Ca nói.
Ngoài súng hoa cải dễ mua như rau, súng bút ám sát cũng là một dạng chỉ cần bỏ vài ba triệu đồng là có thể dễ dàng được sở hữu.
Thậm chí, trong một lần tranh cãi với một cán bộ Viện Khoa học hình sự về tính chất, mức độ nguy hiểm của súng hoa cải, súng bút, cán bộ này vẫn một mực khẳng định đây không phải là vũ khí quân dụng nguy hiểm. Theo cán bộ này, những loại súng bắn hoa cải, tự chế khi chưa gây án thì mới chỉ được coi là nửa quân dụng. Điều này không đúng với thực tế, vì vậy cần có những hành lang pháp lý chặt chẽ để quản lý loại vũ khí này.
Để hạn chế các loại tội phạm sử dụng loại vũ khí này, chúng tôi cho rằng quan trọng nhất phải chặn ngay được từ nguồn biên giới đưa về. Ngoài ra phải tuần tra và kiểm soát chặt chẽ vì loại súng này nhỏ bé, tội phạm dễ cất giấu...
Nhóm PV

Không có nhận xét nào: