Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Hải tặc kiểu Tàu trên Biển Đông



Đầu tháng 8 năm ngoái (2012), Trung Quốc mở chiến dịch xuất bến trên 23.000 tàu đánh cá đi cướp hải sản ở Biển Đông, nhiều nhất là khu vực Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chiến dịch “hải tặc” này được nhà cầm quyền Trung Quốc đặt cho cái tên thật là ầm vàng: “Lễ hội đánh bắt hải sản”.

Riêng cơ quan ngư nghiệp tỉnh Hải Nam ngang nhiên phát động 18 ngày đánh bắt tại quần đảo Trường Sa trong chiến dịch chuyển hướng hoạt động của các tàu cá Trung Quốc từ đánh bắt gần bờ đến đánh bắt xa bờ. Các ngư dân ở Hải Nam còn được khuyên là nên chuyển sang đóng tàu lớn và đi thăm dò các vùng biển sâu.

Thời điểm này, đầu tháng 5-2013, Bắc Kinh lại tung một đoàn tàu cá hùng hậu xuống vùng biển Trường Sa, một số quan chức Philippines đã tiết lộ rằng ngư dân Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những người thường đến đánh cá trộm tại Philippines và bị bắt giữ. Theo hãng tin Nhật Kyodo vào hôm qua, 07/05/2013, Philippines cho biết là từ tháng 03/1995 cho đến tháng 04/2013, 56% người ngoại quốc bị bắt vì đánh cá trái phép trong vùng biển Philippines thuộc Biển Đông là công dân Trung Quốc.

Theo thống kê của Hội đồng đặc trách phát triển bền vững khu vực đảo Palawan sát cạnh Biển Đông, thì ngư dân Trung Quốc dính líu đến 45% các vụ đánh bắt trộm được ghi nhận xung quanh vùng Palawan, nổi tiếng về tính đa dạng sinh học. Hội đồng này là một cơ quan chính phủ được giao nhiệm vụ bảo vệ động vật hoang dã và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trong khu vực bờ biển phía tây Philippines.

Bà Adelina Villena của cơ quan này xác định với hãng tin Kyodo rằng văn phòng của bà đã thống kế được tổng cộng là 91 vụ đánh bắt trái phép, bắt giữ 1.129 công dân nước ngoài. 41 sự cố loại này liên quan đến 629 công dân Trung Quốc.

Số liệu trên đây bao gồm cả sự cố hồi tháng Tư vừa qua, khi một tàu Trung Quốc với 12 ngư dân đã bị mắc cạn trên rạn san hô Tubbataha, khu vực bảo tồn biển lớn nhất của Philippines. Trên tàu, người ta phát hiện xác chết của khoảng 2.000 con tê tê, một loài vật được bảo vệ vì có nguy cơ tiệt chủng.

Theo Villena, ngư dân Việt Nam ở vị trí thứ hai trong danh sách của những kẻ đánh bắt cá trái phép trong khu vực, chiếm khoảng 27% tổng số người ngoại quốc bị bắt giữ. Cụ thể là đã có 305 người Việt bị bắt giữ trong 26 sự cố. Xếp thứ ba là người Malaysia, theo sau là Indonesia, và Đài Loan.

Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Philippines đều có yêu sách chồng lấn trên khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, đa số các vụ đánh bắt trộm được phát hiện trong vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Philippines. Chỉ có chín vụ ở vùng Trường Sa có tranh chấp – tại nhóm đảo mà Manila gọi là Kalayaan.
               
Ngày 6/5, 32 tàu cá Trung Quốc, trong đó có một tàu cỡ lớn 4.000 tấn và một tàu 1.500 tấn, rời cảng Bạch Mã Tỉnh ở thành phố Đam Châu, tỉnh Hải Nam. Các tàu dự kiến đánh bắt cá trong vòng 40 ngày tại khu vực quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.

Trước diễn biến này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị hôm nay đã thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam: "Chúng tôi rất quan tâm tới thông tin trên và sẽ theo dõi giám sát các diễn biến liên quan tới vấn đề này. Chúng tôi cho rằng mọi hoạt động của các bên liên quan tại Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan", ông Nghị nói trong cuộc họp báo thường kỳ.

"Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam", phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
        
Chiều 9-5, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho biết Việt Nam rất quan tâm tới thông tin về 32 tàu cá Trung Quốc đổ ra quần đảo Trường Sa để đánh bắt cá và sẽ theo dõi sát các diễn biến liên quan đến vấn đề này.

Đây là biểu hiện rõ nét Trung Quốc cố tình thực hiện con bài “xâm lược mềm”, xâm lược không cần tuyên bố, không tiếng súng. Suy cho cùng đây là những đoàn tàu hải tặc kiểu mới hoàn toàn mang ‘ màu sắc’ và lối ngang ngược, trắng trợn của Tàu. Với quan điểm mọi hoạt động của các bên liên quan ở Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước liên quan, ông Nghị nói mọi hoạt động của các bên ở khu vực này không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Ông Lương Thanh Nghị cho biết hai bên sẽ kiểm điểm tình hình hợp tác từ phiên họp lần thứ 5 (tháng 9-2011) và trao đổi phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác chính trị và hợp tác hai Đảng, hai nước, thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và hợp tác giữa các bộ, ban ngành của hai nước, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao, khoa học kỹ thuật, giao lưu nhân dân, trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Chu Mã Giang

(Blog Bùi Văn Bồng)

Không có nhận xét nào: