Ai?… Tôi a? |
Khi Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận ký công văn trong đó có đoạn yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo báo chí “trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến đề thi như lộ đề, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi…” ( Xem Đề nghị chủ tịch tỉnh chỉ đạo báo chí khi đưa tin tiêu cực -tại đây) thì ông đang làm hại chính ngành giáo dục.
Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, gần đến ngày thi, chắc tôi sẽ lo lắng mất ăn mất ngủ vì sợ không kiểm soát được hàng ngàn trung tâm thi có làm đúng quy chế thi, có ai làm lộ đề, đề có sai sót gì không. Trông chờ vào hệ thống báo cáo ngành dọc thì chậm chạp mà chưa chắc cấp dưới đã báo cáo đầy đủ. Đề thi có sai sót, khi thi có tiêu cực xảy ra, ắt họ cũng ém bớt chứ ai chịu báo cáo nhanh, chi tiết để mà đưa đầu chịu báng.
Người khôn ngoan sẽ trông cậy vào hàng triệu tai mắt của người dân, và tiếng nói của họ được phản ánh nhanh nhất, chính xác nhất qua báo chí. Từ đó mới đẻ ra đường dây nóng, đẻ ra báo chí. Vậy nhưng ông Bộ trưởng lại đòi làm chuyện ngược đời.
Chính cái tâm lý e sợ “thông tin nhạy cảm” làm cấp dưới biết ông Luận đang sợ cấp trên đánh giá Bộ quản lý không tốt để xảy ra sự cố thì họ càng che giấu sự cố dưới sự cố ý làm ngơ của ông Bộ trưởng.
Ông Luận từng phải rút lại Thông tư quy định cấm phát tán tin tiêu cực vì sai luật, vi phạm quyền tố cáo của công dân. Nay ông chưa rút kinh nghiệm mà vẫn tiếp tục ra một công văn sai trái.
Chủ tịch UBND một tỉnh làm sao chỉ đạo được báo ở tỉnh khác, hay báo ở trung ương? “Trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng” tức là ông Luận muốn thiết lập một cơ chế kiểm duyệt báo chí chưa từng có tiền lệ. Bản thân ông Luận đã có thể chỉ đạo được báo của Đoàn Thanh niên như Tuổi Trẻ, Tiền Phong chưa mà ông dám yêu cầu chủ tịch tỉnh làm điều trái luật như vậy?
Nguyễn Vạn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét