Pages

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Sự thật giật mình về hòn đá lạ ở Đền Hùng (1)

Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Phạm Thức, sự thật về hòn đá lạ ở Đền Hùng đã được phơi bày.
Bắt đầu từ ngày 19/3/2013, rất nhiều bài viết về hòn đá lạ ở Đền Hùng với nghi ngờ đó là vật trấn yểm của người Tàu. Sau một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Phạm Thức đã gửi đến tòa soạn những nghiên cứu của ông về vấn đề này.  
Không phải bùa của Việt Nam

Đại tá Nguyễn Minh Thông - người đặt hòn đá bí ẩn, trong thư gửi lãnh đạo tỉnh Phú Thọ để giải thích có viết: "Các đạo sĩ cao tăng của Nguyên - Mông đã sang Đền Hùng yểm bùa, nội dung là đánh đổ Đức sáng Vua Hùng. Tôi đã lên kế hoạch tìm một viên đá ngọc xanh để tiếp nhận năng lượng của tinh tú, trời đất nhằm hóa giải bùa yểm của Phương Bắc và mang nhiều tốt lành cho Đền Hùng, cho Phú Thọ và cho các tỉnh khác cũng hưởng phúc này theo năm tháng...".
Trong thư ông còn giải thích: Đây là Trận đồ Bát quái của Phật Tổ Như Lai dựa trên Trận đồ Bát quái của Đức Thánh Trần đánh quân Nguyên - Mông, lấy trong Binh Thư Yếu Lược. Mặt trước, phía trên lá bùa có dấu ấn của Vua Hùng, có các dòng chữ  Phạn là mật chú của Mật tông Ấn Độ nhằm tăng độ linh cho Phật để giải bách nạn, bách khổ, bách bệnh cho nhân dân. Vì phải có linh khí của Phật và linh khí của Đức Thánh Trần thì mới đủ mạnh để hóa giải được bùa Phương Bắc và phù hộ cho nhân dân được...".
Trước tiên tôi khẳng định một cách chắc chắn là: Hai lá bùa khắc vẽ trên hai mặt của hòn đá đặt trong Hậu cung Đền Thượng của Đền Hùng, là bùa có xuất xứ từ Trung Quốc, chứ không phải bùa của Việt Nam và hình vẽ trên mặt hòn đá đó là hình vẽ của Trung Quốc, chứ không phải là hình đồ Bát quái của Đức Thánh Trần như trong thư đã nói. Nội dung đích thực của các chữ Hán, chữ Phạn vẽ trên lá bùa khác với nội dung đã giải thích trong thư, cũng không phải để tăng độ linh cho Phật và cho Đức Thánh Trần. Nguyên tắc công dụng của bùa yểm là: Bùa của ai thì phù hộ cho người đó, bùa xấu thì làm hại đất nước và con người ở nơi bị yểm bùa. Bùa của Trung Quốc thì có lợi cho Trung Quốc và có hại cho ta.

Thời vua Hùng dùng chữ Việt cổ - Khoa đẩu
LÁ BÙA Ở MẶT TRƯỚC HÒN ĐÁ. Đây là hòn đá ngọc xanh có hình giống quả xoài, cao 0,83m, kể cả chân đế cao 1,46m. Khẳng định lá bùa vẽ trên hòn đá là lá bùa Trương Thiên Sư của Trung Quốc, lấy trong sách Bao La Vạn Hữu, trang 38, nhà xuất bản Thiên Bảo Lầu, ấn hành năm Ất Hợi-1995 ở Hồng Kông.
Phần trên của lá bùa có khắc một con dấu vuông màu đỏ, có bốn chữ Hán 祖王赐福TỔ VƯƠNG TỨ PHÚC (Vua Tổ ban phúc), ông Thông, người đặt hòn đá bí ẩn này nói đó là con dấu của Vua Hùng. Đây là sự bịa đặt hoàn toàn, báng bổ Tổ tiên và xuyên tạc lịch sử! Vì lúc đó Vua Hùng dùng chữ Việt cổ là chữ Khoa đẩu. Trung Quốc chưa đô hộ nước ta, làm gì có con dấu khắc bằng chữ Hán!?.
Sau khi triều đại Hùng Vương (2878TCN - 258TCN) suy vong, Thục Phán lên ngôi đổi tên nước là Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, trị vì được 51 năm, tức đến năm 207 TCN, Triệu Đà (256TCN - 136TCN) mới sang xâm chiếm nước ta và mang chữ Hán sang. Người cho khắc bốn chữ Hán trên hòn đá đó là người không thông thạo Hán ngữ. Nếu nói vua ban phúc thì không dùng chữ TỨ , vì ngày xưa nếu cho tiền bằng vỏ sò hoặc vua ban cái chết thì dùng chữ TỨ. Chỉ những người không thông thạo Hán ngữ thì dùng lộn xộn chữ này. Nhưng nếu cho bằng vàng bạc hoặc ban phúc, ban chức tước thì dùng chữ TÍCH .
(còn tiếp)
Tác giả bài viết này nguyên là Ủy viên UBND tỉnh kiêm Giám đốc Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Vĩnh Phú. Đã có 9 năm liên tục học Ngoại ngữ, Đại học và Nghiên cứu sinh ở Trung Quốc, có trên 50 năm nghiên cứu Hán ngữ, Kinh dịch, Địa lý Phong thủy, Tử vi, Bùa chú và Phật giáo, Đạo giáo. Hiện nay là Cố vấn Kinh tế Việt Nam của Tập đoàn Phong Lạc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Hằng năm có 4 - 5 lần sang Trung Quốc.

(Kiến thức)

Không có nhận xét nào: