Pages

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Tư pháp độc lập để kiểm soát quyền lực


Lãnh đạo Việt Nam
Một số lãnh đạo VN có vẻ chưa phân định rõ giữa trách nhiệm cá nhân và tập thể
Một cây bút quan sát thời sự chính trị trong nước đặt vấn đề Việt Nam cần tăng cường tính độc lập của tư pháp và Quốc hội, tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập để vừa cải tổ thể chế vừa kiểm soát tốt hơn quyền lực, trách nhiệm của những người trong bộ máy lãnh đạo, cầm quyền, không riêng Thủ tướng Chính phủ.
Trao đổi với BBC hôm 18/5/2013, nhà báo Hồng Ngọc, cựu Trưởng Ban Kinh tế thuộc Báo điện tử VietnamNet nêu quan điểm cần làm gì để các giải pháp được đề xuất tăng cường trách nhiệm, kiểm soát quyền lực của cá nhân Thủ tướng, Nội các, đạt hiệu quả thực sự, mà không phải là những câu chữ, luật định suông?


Thủ tướng và các thành viên chính phủ ở Việt Nam trên lý thuyết là được Quốc hội bầu ra. Về nguyên tắc thì được ai bầu thì phải chịu trách nhiệm trước người đó. Tức là Thủ tướng và chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Chịu trách nhiệm trước tiên là ở việc giải trình, sau đó là bị kỷ luật – mà cao nhất là bãi chức – khi không hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế ở Việt Nam, chưa có Thủ tướng nào bị bãi chức trước khi hết nhiệm kỳ. Vì như tôi đã nói ở trên, khó mà trông đợi điều đó khi Quốc hội chưa thật sự độc lập với Chính phủ.
Nhà báo Hồng Ngọc: Theo tôi, trong các nguyên tắc của chính trị học hiện đại, quyền lực chỉ có thể được kiểm soát bởi quyền lực, trên nguyên tắc độc lập và cân xứng. Với hầu hết các xã hội, ba nhánh quyền lực cơ bản là lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Nó độc lập với nhau và kiểm soát lẫn nhau, dựa trên việc thể chế hóa quy trình hoạt động của từng cơ quan quyền lực. Chính phủ, đứng đầu bởi Thủ tướng hoặc đôi khi là Tổng thống, về cơ bản, bị kiểm soát bởi hệ thống tư pháp độc lập trong việc hành pháp đúng khuôn khổ pháp luật. Nếu tham nhũng hay lạm quyền thì sẽ bị tư pháp luận tội. Chính phủ cũng bị kiểm soát bởi cơ quan lập pháp độc lập (Quốc hội hay Nghị viện) trong việc xây dựng chính sách, kế hoạch và chi tiêu ngân sách… Vấn đề đối với Việt Nam hiện tại là cơ quan tư pháp chưa độc lập. Quốc hội về nguyên tắc là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng tình trạng hầu hết đại biểu quốc hội hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm với các chức danh trong chính phủ hoặc chính quyền địa phương, và về nguyên tắc thì không thể trông đợi sự “độc lập” trong các quyết định của các đại biểu quốc hội như vậy.
"Điều trớ trêu ở Việt Nam là trên lý thuyết thì Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng trên thực tế thì đa số đại biểu quốc hội lại là nhân viên cấp dưới của Thủ tướng!"
Nhà báo Hồng Ngọc
Chính phủ chịu trách nhiệm trước nhân dân là một cách nói mị dân. Các công dân bình thường thiếu sự tiếp cận thông tin, đối thoại, và thậm chí thiếu cả sự quan tâm và hiểu biết đối với những vấn đề gây tranh cãi, nên “nhân dân” một cách chung chung là sự đối trọng không cân xứng với chính phủ (những “tinh hoa” của nhân dân theo cách này về lý thuyết chính là các đại biểu quốc hội rồi). Kênh duy nhất để những người dân thông thường có được tiếng nói và có cơ hội kiểm soát quyền lực chính phủ là truyền thông. Nhưng nếu truyền thông trực thuộc chính phủ thì kênh đó cũng bị vô hiệu. Một số xã hội thậm chí coi truyền thông đại chúng như một nhánh quyền lực độc lập, bên cạnh ba nhánh quyền lực mà tôi đã nói.
BBC: Việc kiểm soát quyền lực và trách nhiệm cá nhân này liệu chỉ nên tập trung vào một Thủ tướng, nội các, hay còn cần áp dụng cho ai khác nữa?
Mọi quyền lực được ủy nhiệm, theo tôi, đều phải được kiểm soát, để bảo đảm quyền lực đó được thực thi đúng với mong muốn của những người chủ đã ủy nhiệm quyền lực đó. Nếu coi nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, thì mọi nhà nước đều phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhưng như tôi đã nói, “nhân dân” nói chung là một sự đối trọng bất cân xứng với chính phủ - đặc biệt khi thiếu truyền thông độc lập – nên lại phải quay về với Quốc hội. Điều trớ trêu ở Việt Nam, là trên lý thuyết thì Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng trên thực tế thì đa số đại biểu quốc hội lại là nhân viên cấp dưới của Thủ tướng! Sự giám sát, kiểm soát về nguyên tắc chỉ có thể được thực hiện hữu hiệu từ cấp trên đối với cấp dưới, hay ít nhất là từ một cơ quan độc lập, chứ không thể được thực thi hữu hiệu từ cấp dưới đối với cấp trên.
"Khi Thủ tướng, về nguyên tắc, không có toàn quyền lãnh đạo Chính phủ, thì cũng không phải chịu trách nhiệm tuyệt đối trước Quốc hội. Đó là sự bế tắc và rối rắm của cơ chế “lãnh đạo tập thể”, “trách nhiệm tập thể"
Nhà báo Hồng Ngọc
Thách đố của mọi thể chế là vừa bảo đảm sự kiểm soát đối với quyền lực, lại vừa bảo đảm quyền lực được thực thi và thông suốt. Để thông suốt thì trách nhiệm phải được quy cho cá nhân, và thường là cá nhân người đứng đầu. Những cá nhân khác sẽ chịu trách nhiệm trước cá nhân người đứng đầu. Sẽ là bế tắc nếu Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nhưng các thành viên khác của Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Vì khi đó họ sẽ có quyền, trên nguyên tắc, không nghe lời Thủ tướng. Và khi Thủ tướng, về nguyên tắc, không có toàn quyền lãnh đạo Chính phủ, thì cũng không phải chịu trách nhiệm tuyệt đối trước Quốc hội. Đó là sự bế tắc và rối rắm của cơ chế “lãnh đạo tập thể”, “trách nhiệm tập thể”.
BBC: Làm gì để xử lý, phòng chống hiệu quả các hành vi chối tội, trốn tội, thoái thác trách nhiệm trong mối quan hệ giữa trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo Đảng, chính quyền, trong đó có Thủ tướng Chính phủ, với cơ chế nhiệm kỳ và thể thức lãnh đạo vẫn được cho là mang hình thức tập thể?
Theo tôi, để tránh chối tội, trốn tội thì lại phải quay về với các phương thức kiểm soát quyền lực cơ bản. Đó là tư pháp độc lập. Quốc hội cũng phải độc lập, với nguyên tắc mọi đại biểu quốc hội – hoặc ít nhất là đa số ¾ - phải là đại biểu chuyên trách, không phải là cấp dưới của Chính phủ.
Nếu Quốc hội có thẩm quyền bầu ra Thủ tướng, và xét duyệt các thành viên Chính phủ, thì Quốc hội cũng phải có quyền bãi miễn Thủ tướng Chính phủ trước thời hạn. Các thành viên chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trướ Thủ tướng, còn Thủ tướng chịu trách nhiệm tuyệt đối trước Quốc hội.
Tuy nhiên, ngay cả khi đại biểu quốc hội là chuyên trách (không kiêm nhiệm chức vụ bên chính phủ hoặc chính quyền địa phương) thì cũng không phải là sự bảo đảm cho việc ra quyết định độc lập. Vì Thủ tướng thường có vị trí rất cao trong Đảng, và chừng nào hệ thống chính trị chỉ gồm một đảng, thì các đại biểu quốc hội thuộc Đảng đó vẫn là “cấp dưới” của Thủ tướng về mặt Đảng. Còn các đại biểu quốc hội ngoài Đảng thì yếu thế vì thiếu tính tổ chức và đường lối thống nhất để đối trọng với Chính phủ, được mặc định do một đảng kiểm soát. Đó là thách đố lớn nhất trong việc kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay.
Nhà báo tự do Hồng Ngọc, có bằng sau đại học về triết học và khoa học chính trị, từng làm việc tại các báo VietnamNet và Thể thao-Văn hóa, ông hiện đang sống và làm việc ở Sài Gòn.

Không có nhận xét nào: