Pages

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Biển Đông 'ảnh hưởng cục diện chung'

Hôm 7/4, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đầu phái đoàn rời Hà Nội đi thăm Trung Quốc.
Trong đoàn còn có các Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cũng đi theo đoàn.

Ngoài ra còn có hai bộ trưởng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Thông Tấn Xã Việt Nam nói Trung Quốc đón tiếp ông Trọng theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
Xã luận ngày 5/4 của cơ quan này nói: “65 năm qua, quan hệ Việt-Trung có lúc thăng, trầm, nhưng hữu nghị và hợp tác là dòng chảy chính.”
Thông Tấn Xã Việt Nam nhấn mạnh chuyến thăm “nhằm củng cố, duy trì cục diện hữu nghị, ổn định, tạo thêm đà phát triển lành mạnh cho quan hệ Việt-Trung”.
Chuyến thăm cũng “tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”.
Báo VietnamNet cho biết nghị trình chuyến thăm có thảo luận về tranh chấp Biển Đông.
Bài báo nhận định: “Vấn đề Biển Đông vẫn đang là một trở ngại lớn, ảnh hưởng cục diện chung quan hệ Việt - Trung, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp những năm gần đây.”
Nói với VietnamNet, TS Vũ Cao Phan, Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế, ĐH Bình Dương, chỉ ra rằng năm 2014 chứng kiến “những vấn đề nổi cộm” trong quan hệ hai nước.
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã khiến nổ ra các cuộc biểu tình bạo lực chết người ở Việt Nam.
Tuy vậy, TS Vũ Cao Phan nói từ cuối 2014 và đầu 2015 đã có những dấu hiệu cho thấy quan hệ Việt - Trung có “những bước cải thiện”.
Nói về Biển Đông, ông cho rằng hai nước “phải đi vào nói chuyện đàm phán một cách thực chất”.
“Việt Nam hoàn toàn có thể đàm phán song phương về Hoàng Sa vì thực chất đó là tranh chấp. Thậm chí kể cả trong đa phương thì cũng phải đưa vấn đề này vào,” theo ông.
Còn bài viết của Đài Tiếng nói Việt Nam nói: “Chúng ta tin tưởng và chúc chuyến thăm của Tổng Bí thư thành công tốt đẹp, góp phần củng cố, duy trì cục diện hữu nghị, ổn định, tạo thêm đà phát triển lành mạnh cho quan hệ Việt- Trung, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Báo chí Trung Quốc

Trong khi đó, phóng viên Temtsel Hao của BBC Tiếng Trung cho biết truyền thông Trung Quốc ghi nhận đây là lần thứ sáu ông Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc.
Chuyến thăm diễn ra trong năm Việt Nam kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh chống Mỹ, và ông Trọng cũng sẽ thăm Mỹ trong năm nay.
Dẫn lại từ báo tiếng Hoa, anh cho biết một nhà phân tích giấu tên nhận xét đây là chuyến thăm quan trọng vào khi Việt Nam và Mỹ đang cải thiện quan hệ.
Truyền thông Trung Quốc cũng nói Hoa Kỳ đã biết ông Trọng sẽ thăm Trung Quốc trước khi đi Mỹ.
Vì vậy, họ nói với phía Mỹ, không quan trọng việc ông Trọng thăm nước nào trước. Điều quan trọng là ông sẽ thăm cả Trung Quốc và Mỹ.
Một nhà phân tích khác nói chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc có thể đem lại nhiều cơ hội kinh tế hơn cho Việt Nam, trong khi Mỹ không thể làm vậy.
Người này cũng nói Việt Nam cần cảnh giác trước Mỹ vì Mỹ luôn muốn có thay đổi và gây bất ổn cho hệ thống chính trị Việt Nam.
Tính đến cuối ngày 7/4, theo ban BBC Tiếng Trung, các mạng chính thống của Trung Quốc có vẻ không đưa đậm nét về chuyến thăm.
Tân Hoa Xã đăng ảnh ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng vẫy tay chào ở lễ đón tại Đại Lễ đường Nhân dân.
Tân Hoa Xã cũng đăng tường thuật về cuộc gặp giữa hai lãnh đạo, nhưng không để tin này lên hàng đầu trên trang web của họ.

Không có nhận xét nào: