Pages

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Triệu Bình Thanh - “Một chế độ mà sợ người dân hơn sợ giặc thì trước sau gì cũng bị diệt vong

Triệu Bình Thanh
GS TSKH Vũ Minh Giang, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, sinh năm 1951, giữ nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý quan trọng trong ĐHQGHN.
DL - “Một chế độ mà sợ người dân hơn sợ giặc thì trước sau gì cũng bị diệt vong. Đó là bài học chúng ta cần ghi nhớ.- GS TSKH Phạm Minh Giang, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN đã nói như vậy nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
+ Thưa ông, ngày 30/4 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước luôn là sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc ta. Cảm nhận của ông ngày 30/4 năm nay có gì khác so với thời điểm 30, 20 năm trước đây không?
-Có thể nói ngày 30/4 là cái mốc cực kỳ quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Khi lần đầu tiên nghe tin giải phóng miền Nam- thống nhất đất nước tôi đã vô cùng xúc động, vui sướng và tự hào. Sau bao nhiêu năm chiến tranh thảm khốc, đất nước được giải phóng, giang sơn thu về một mối. Đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra sẽ được hàn gắn. Đất nước sẽ được xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, người dân sẽ hạnh phúc hơn.

Tuy nhiên những năm tháng chiến tranh, ngày 30/4 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không thể nào quên ấy càng lùi xâu vào quá khứ thì tôi càng cảm thấy có gì đó day dứt, có điều gì đó còn chưa trọng vẹn. Có thể là đất nước ta phát triển không được như mong đợi của mình 40 năm trước. Khối đại đoàn kết dân tộc- sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam đã được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, sau 40 năm rồi vẫn chưa hoàn thiện. Tư tưởng thắng thua, thành phần, lý lịch, phân biệt đối xử giữa người Việt Nam với nhau trong và ngoài nước vẫn còn ăn sâu vào đầu óc một bộ phận không nhỏ người Việt Nam chúng ta. 4-5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một tài sản, nguồn lực, vật lực vô giá với đất nước. Nếu chúng la làm cho mọi người Việt Nam-con Lạc cháu Hồng đồng tâm, hợp lực để xây dựng đất nước thì đấy sẽ là động lực, sức mạnh to lớn để xóa nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh; bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Khi tôi sang giảng dạy ở Nhật. Nhiều giáo sư người Nhật đã nói với tôi rằng, các ông đang có một số lượng người làm ăn sinh sống ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, Canada, Anh, Pháp… đáng mơ ước đối với nhiều nước. Lực lượng này sẽ đóng góp rất lớn cho đất nước các ông; các ông phải biết trân trọng và làm mọi cách thu hút tiềm năng chất xám cũng như tiền bạc của công động này để xây dựng đất nước.

+ Vai trò quan trọng của hòa giải, hòa hợp dân tộc không phải là những nhà lãnh đạo Việt Nam không chú trọng. Bằng chứng là ngay khi bước từ cầu thang máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất sáng 1/5/1975 Tổng bí thư thời bấy giờ là ông Lê Duẩn đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình vấn đề hòa giải dân tộc. Rồi sau này Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã không chỉ một lần nói về tầm quan trọng cuả vấn đề này. Tuy nhiên nói đã không đi đôi với làm….!
-Hòa giải dân tộc là vấn đề nan giải, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Mấy chục năm chiến tranh đã để lại những di chứng hết sức nặng nề. Nó phân hóa người Việt Nam khá sâu sắc. Chiến tranh không đơn thuần chỉ là cuộc chiến của hàng triệu sĩ quan, binh lính của hai phía: Việt Nam DCCH và Chính quyền Sài Gòn, mà kéo theo đó là cả hai khối người: Bộ máy hành chính, công chức, viên chức của Chính phủ, những người dân ở ở miền Bắc; rồi người dân ở các vùng do Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, các vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Vì vậy để hóa giải rồi tiến tới hòa giải và hòa hợp là cả một quá trình lâu dài, phức tạp. Công việc đã khó như vậy lại cộng thêm với những điều kiện, hoàn cảnh và cả những sai lầm đáng tiếc đã làm cho tiến trình này diễn ra chậm hơn sự kỳ vọng của chúng ta.
Thưa ông, ông có thể phân tích rõ thêm về nguyên nhân vì sao sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lại có tới hàng triệu người Việt Nam di tản?
-Nguyên nhân thì có nhiều, tôi chỉ xin đưa ra vài lý do, mà theo tôi, là nguyên nhân chính. Thứ nhất là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là thắng lợi lớn làm nhiều người choáng ngợp nghĩ rằng chúng ta đã thắng trong chiến tranh thì không việc gì chúng ta không làm được. Hai là, tư tư tưởng thắng thua (người thắng trận thì cao ngạo, người thua thì cay cú), địch ta, ý thức hệ được thể hiện quá rõ ràng. Thứ ba là những khó khăn và thiếu sót trong quản lý, điều hành nền kinh tế đã làm cho đời sống rất khó khăn. Nhiều người, chủ yếu là sĩ quan, binh lính và những người nằm trong bộ máy hành chính của chính quyền Sài Gòn đã ra đi để tìm cuộc sống với hy vọng tốt đẹp hơn.
+ Về hòa giải, hòa hợp dân tộc đã được nói rất nhiều. Tuy nhiên dưới cái nhìn của ông thì chúng ta cần hòa giải cái gì và ai hòa giải với ai?
-Trước hết người Việt Nam chúng ta phải hóa giải cái đầu mình đã. Ở nước ta hiện nay còn có những người sợ nói về vấn đề hòa giải dân tộc. Họ nghĩ rằng nếu nói về vấn đề này sẽ làm giảm ý nghĩa của thắng lợi, đánh đồng ta với địch. Lại có người có tư tưởng là ta chỉ việc hòa giải với người Việt Nam ở nước ngoài. Một khi còn có tư tưởng hòa giải là “ban ơn” thì không thể có hòa giải, hòa hợp dân tộc. Muốn hòa giải để tiến tới hòa hợp dân tộc chúng ta phải hết sức chân thành, độ lượng, lấy đại nghĩa làm trọng, lợi ích dân tộc phải được đặt lên trên hết. Người Việt Nam với nhau không có thắng và thua.
Trong lịch sử Việt Nam Trần Nhân Tông đã để lại bài học tuyệt vời về hoà hợp và hoà giải. Chiến thắng lừng lẫy giặc Nguyên Mông, Hoàng đế Trần Nhân Tông bước vào những ngày hòa bình thịnh trị bằng chính hòa giải và hòa hợp. Ngay khi từ phòng tuyến kháng chiến trở về Thăng Long, việc đầu tiên vị Hoàng đế chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc ấy bắt tay vào là đốt toàn bộ những sổ sách ghi chép bằng chứng của những người đã trót phản bội đầu hàng giặc. Sử gia Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” khi mô tả lại sự kiện này đã viết: “Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”.
Rồi chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau cách mạng Tháng Tám, Người đã tập hợp được một Chính phủ với nhiều thành phần, giai tầng tham gia. Nhiều nhân sĩ, trí thức đã rời bỏ cuộc sống sung túc ở nước ngoài về tham gia khác chiến.
+ Vậy còn đối với người Việt Nam ở nước ngoài thì sao, chúng ta cần làm gì và chú trọng hòa giải như thế nào?
-Như tôi đã nói ở trên, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận cực kỳ quan trọng của dân tộc Việt Nam. Không nên có khái niệm Việt kiều yêu nước. Đã là người Việt Nam thì ai cũng yêu nước cả. Có người còn lưu luyến với quá khứ, với chế độ mà mình đã từng phục vụ cũng là chuyện bình thường. Ta cần hiểu họ. Trong một chuyến đi Paris giảng bài, tôi ghé một quán ăn của một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hòa. Khi biết tôi từ miền Bắc qua, ông cứ khinh khỉnh. Một lần tôi bắt chuyện với ông: “Ông có biết vì sao tôi ngày nào cũng đến ăn ở quán này không?”. Ông ta hỏi: “Vì sao?”. Tôi bảo đây là quán nấu ăn rất ngon, hơn nữa có ông chủ là người Việt ngồi ngậm tẩu thuốc, người phục vụ là người châu Âu. Tôi thấy hay hay và tự hào về người Việt Nam. Thế là ông đổi thái độ, trò chuyện rất hồ hởi, và ông càng ngạc nhiên hơn khi biết tôi là giáo viên thỉnh giảng của Trường Đại học Pari 7. Ông hỏi rất nhiều chuyện về tình hình trong nước; quan tâm đến đời sống, văn hóa trong nước. Tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa là phải lấy đại cục làm trọng; đặt lợi ích dân tộc lên trên hết để ứng xử, để thu phục lòng người, để hóa giải những vướng mắc và đi đến hòa hợp dân tộc.
Một điều mà tôi muốn nói tới nữa là chúng ta cần chú trọng hòa giải thế hệ thứ hai người Việt Nam ở nước ngoài. Vì đây là lực lượng trẻ, có trình độ chuyên môn, có trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, sẽ đóng góp được nhiều cho đất nước. Đối tượng cuối cùng cần hòa giải là… tất cả những đối tượng còn lại.
+Thưa ông, còn người Việt Nam trong nước với nhau thì sao, có cần phải hòa giải không?
-Tôi cho rằng trong một xã hội còn có những ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Chúng ta cần tôn trọng và sẵn sáng đối thoại để tìm ra tiếng nói chung trong việc xây dựng đất nước. Đó cũng chính là hòa giải. Cũng chính vì thế mà song song với việc phát triển kinh tế chúng ta đang cải cách thể chế, từng bước xây dựng một xã hội dân chủ, chú trọng phát triển hài hòa giữa cuộc sống vật chất và tinh thần.
Lịch sử đã cho ta thấy những bài học giá trị. Chế độ nào chú trọng phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, được người dân đồng lòng, yêu quý thì tồn tại khá dài. Ngược lại chế độ nào hà khắc, độc tài thì sớm bị diệt vong. Đời nhà Minh, đặc biệt là đời Đường ở Trung Quốc tồn tại khá lâu, hàng trăm năm. Vì thể chế này chú trọng tới phát triển văn hóa, được lòng dân. Còn Tần Thủy Hoàng, xây dựng nhiều đền đài thành quách, Vạn Lý trường thành, nhưng quản lý đất nước vô cùng hà khắc. Ai trái ý là cắt lưỡi bêu riếu giữa chợ. Nhưng rồi tồn tại cũng được có vài chục năm.
Đọc hồi ký của nhà sử học Trần Huy Liệu (ông từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao như Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) tôi rất thấm thía một ý ông nói là một chế độ mà sợ người dân hơn sợ giặc thì trước sau gì cũng bị diệt vong. Đó là những bài học chúng ta cần ghi nhớ.
Xin cám ơn ông!

Không có nhận xét nào: