Pages

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Lê Nguyễn Hương Trà - Những cái chết trong trại tạm giam

Lê Nguyễn Hương Trà
Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Trung tướng Trần Trọng Lượng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, đã báo báo cáo: Trong 3 năm, từ 10.2011 - 9.2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ và trại tạm giam trên toàn quốc. Nguyên nhân chủ yếu được ông lý giải là vì bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát.
Trên thực tế, con số này còn hơn rất nhiều!
Ghi nhận sơ sơ một số kiểu chết: lấy mền thắt cổ, dùng màn tuyn thắt cổ, cắn lưỡi tự tử, cắt cổ tay bằng muỗng…nhựa, xé ống quần cột cổ, đập đầu vào tường, treo cổ vào lỗ thông gió, treo cổ bằng một chiếc áo khoác, đập đầu vào bồn cầu, nhảy xuống lầu nhà tạm giam… Có người chết sau khi làm đơn kêu oan, có người thì treo cổ ở tư thế…ngồi, có người chết sau khi uy hiếp cán bộ trại giam đòi về gặp gia đình v.v... v.v... Nhiều vụ việc thật khó thuyết phục!

Mới thêm một kiểu chết nữa: Bị hen suyễn, trong quá trình hô hấp nhân tạo, cấp cứu quá mạnh dẫn đến gãy xương sườn, dập phổi. Không có việc bị quản giáo, ĐTV hay can phạm chung phòng đánh. Nguyên nhân này do Thượng tá Nguyễn Sỹ Quang - người phát ngôn của Công an TP.HCM, phát biểu trên báo Tuổi Trẻ ngày 14.4.2015.
11035685_10203254040986520_4674798724554633038_n.jpg
- Anh Phan Đức Đạt (32 tuổi) nằm trong nhóm các lái xe, phụ xe của xe tải chở rau củ quả từ Đà Lạt xuống giao hàng tại chợ đầu mối Thủ Đức, bị tạm giam ngày 29.12.2014 về hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Ngày 22.3.2015, hồ sơ được chuyển lên CA TP.HCM đưa vô trại Chí Hòa để cơ quan PC.44 điều tra. Anh Đạt chưa tiền án, tiền sự; vừa chết hôm kia. Xem lại vụ án này:
Những cái chết khó hiểu ngày càng nhiều, đến mức chị Thủy Cúc - nhà báo kỳ cựu mảng pháp đình, còn dự tính thực hiện cẩm nang “Để không chết tại đồn công an”. Theo kinh nghiệm… của tui, trước khi vào buồng giam người bị tạm giữ, tạm giam phải trãi qua một cuộc lục soát khá kỹ đồ dùng cá nhân. Chỉ được mang theo 3 bộ vào trong; hạn chế tất cả những phương tiện có thể tự gây nguy hại. Kể cả cái dây bằng vải luồn lưng quần của tui cũng phải rút bỏ lại. Rồi phải khai tiền sử các thể loại bệnh. Dầu gió, thuốc men,…khi đưa vào buồng giam đều phải sang qua chai nhựa. Muỗng, chén ăn cũng bằng nhựa; đũa thì không được có mặt trong buồng giam. Tiền bạc, trang sức cũng phải gửi lại ngoài..vv.. Thông thường, khi điều tra viên tiếp nhận phạm nhân đi làm cung phải ký sổ. Sổ ghi rất rõ điều tra viên tên gì, cấp bậc, thuộc phòng ban/cơ quan nào và ký nhận phạm nhân tên gì, từ thời gian nào đến thời gian nào thì trả. Khoảng thời gian này, coi như trại giam đã bàn giao phạm nhân cho điều tra viên và anh (chị) này phải chịu trách nhiệm về phạm nhân đó.
Quản giáo chỉ có nhiệm vụ canh giữ và bảo đãm sức khỏe cho phạm nhân để ĐTV làm cung. Trong thời gian ở B.34 tui chứng kiến nhiều chuyện buồn cười. Nhiều lần, khi phạm tuyệt thực, có tới 3-4 cán bộ thay phiên đứng trước lỗ thông gió buồng giam…năn nỉ ăn cơm. Nhiều phạm đã giả bệnh để được ra ngoài nằm. Chưa nói, cứ 20 phút – nửa tiếng là có cán bộ trại tuần tra, tiếng chìa khóa khua khoắng hành lang trại giam cả đêm ngày. Ở những khu giam phạm phổ thông (cướp giật, cờ bạc,...) có buông bỏng tí, nhưng thực sự việc tự sát là không dễ!
Anh Lê Công Định cũng từng qua B.34 và khám Chí Hòa.
Để chứng minh sự thật khách quan đối với vụ việc phạm nhân tự sát, phương pháp quan trọng nhất cần thực hiện là phải căn cứ vào kết quả giám định tử thi; hoặc có thể tiến hành khai quật tử thi để giám định lại. Nhằm tránh bao che và đảm bảo khách quan, nhất thiết việc điều tra, giám định phải là cơ quan điều tra thượng cấp và các tổ chức giám định Trung ương, độc lập tiến hành. Luật tố tụng hình sự đang hiện hành thiếu quy định minh oan cho người chết trong giai đoạn điều tra, truy tố.
Không thể quyết định đình chỉ vụ án do người thực hiện hành vi nguy hiểm đã chết. Hỏi 226+ người chết trong 3 năm qua, hồn đang vất vưởng nơi nào…!!?

Không có nhận xét nào: