Pages

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Thất lạc nguồn phóng xạ ở Vũng Tàu

Phóng xạ hạt nhân có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe
Giới chức ở Bà Rịa-Vũng Tàu hối hả tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc một thời gian nay từ nhà máy luyện phôi thép Pomina.
Được biết dây chuyền sản xuất của nhà máy Pomina 3, đặt tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, có 5 nguồn phóng xạ. Một trong số đó, vốn dùng để đo mực thép lỏng trên dây chuyền sản xuất thép, gặp sự cố phải tháo cất đi từ hồi tháng 1/2015 chờ thay thế.

Truyền thông trong nước cho hay, ngày 25/3 khi thay đổi nhân sự phụ trách an toàn bức xạ, người ta mới phát hiện ra nguồn phóng xạ này đã thất lạc.
Tới 1/4, lãnh đạo công ty mới báo cho cơ quan chức năng về việc này và cuộc tìm kiếm trong địa bàn toàn tỉnh được khởi xướng.
Cho tới nay, nguồn phóng xạ được cho là nằm trong bình chỉ vẫn chưa được tìm thấy, cho dù giới chức đã cho người rà soát trong khắp nhà máy và... cả các cơ sở thu gom phế liệu.
Tin mới nhất cho hay địa bàn tìm kiếm nay vừa được mở rộng lên cả TP HCM, Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.
Giáo sư Phạm Đình Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, người sẽ vào Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia vụ tìm kiếm ngày 8/4, nói với BBC rằng tuy nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dân của nguồn phóng xạ là không lớn nếu vẫn nằm trong bình chì, nhưng cần đề phòng khả năng gặp người thiếu hiểu biết hoặc trẻ em nghịch ngợm tháo ra.
"Ở khoảng cách 10 cm, nguồn phóng xạ này có thể gây ra liều chiếu xạ khoảng 2,5 mSv/giờ, trong khi liều chiếu xạ cho phép đối với một người bình thường trong một năm chỉ là 1 mSv."
"Bởi vậy, nếu tiếp xúc trực tiếp, nguồn phóng xạ có thể gây nguy hiểm tính mạng."
Giáo sư Hiển cũng cho rằng vụ nhà máy Pomina 3 báo động về sự lỏng lẻo trong quản lý nguồn phóng xạ ở Việt Nam.
"Điều này ở các nước tiên tiến ít khi xảy ra, nhưng tại Việt Nam thì lại xảy ra khá nhiều lần."

Đã từng xảy ra

Mới tháng Chín năm ngoái, tại TP HCM cũng xảy ra vụ mất cắp thiết bị chứa nguồn phóng xạ hạt nhân dùng trong công nghiệp của Công ty TNHH Apave Châu Á-Thái Bình Dương.
Sau khi tổ chức truy tìm, vài ngày sau cơ quan chức năng đã thu hồi được thiết bị chứa phóng xạ.
Theo thống kê của Bộ Khoa học-Công nghệ Việt Nam, cả nước hiện có hơn 4.000 cơ sở có các hoạt động liên quan đến bức xạ hạt nhân.
Trong đó phần lớn là các cơ sở y tế sử dụng X-quang (3.000 cơ sở), cùng các doanh nghiệp sử dụng ứng dụng năng lượng nguyên tử như hoạt động thăm dò khai thác dầu khí và thăm dò khai thác quặng phóng xạ...
Cơ quan chức năng công bố hình nguồn phóng xạ để nhân dân nhận dạng

Không có nhận xét nào: