Cảnh sông cạn dần ở Hàng Châu. Ảnh ngày 16/04/2015Reuters
Năm 1999 trước khi trở thành thủ tướng, ông Ôn Gia Bảo đã cảnh báo « thiếu nước đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của Trung Quốc ». 16 năm sau, vấn đề bảo đảm nguồn cung cấp nước ngọt càng trở nên cấp bách đối với quốc gia đông dân nhất địa cầu.
Tại Diễn đàn Thế giới về nước ngọt vừa khép lại tại Daegu, Hàn Quốc, các chuyên gia nhấn mạnh : Trung Quốc không được bảo đảm về nước ngọt sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại về mặt năng lượng, lượng thực của quốc gia này, của khu vực và thậm chí là của cả thế giới.
Các nguồn nước ngọt của Trung Quốc không được phân phối một cách đồng đều, lại thường xuyên bị ô nhiễm. Theo một tổ chức phi chính phủ của Hồng Kông China Water Risk, Bắc Kinh cùng lúc phải giải quyết ba vấn đề mâu thuẫn với nhau : một là quản lý các nguồn nước sạch, hai là sản xuất năng lượng và ba là những thách thức về biến đổi khí hậu.
Vẫn theo tổ chức này, « Chính sách năng lượng của Trung Quốc chẳng những sẽ tác động tới vấn đề biến đổi khí hậu của toàn cầu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn nước ngọt của châu Á ». Báo cáo của tổ chức China Water Risk lưu ý : do Trung Quốc đang kiểm soát các khu vực ở thượng nguồn của hầu hết các con sông ở Châu Á, quốc tế không nên lơ là trước « hiểm họa chiến tranh tranh giành các nguồn nước ngọt ». Vùng cao nguyên Tây Tạng đặt dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh là thượng nguồn của 10 con sống lớn nhất châu Á, từ sông Indus chảy qua Pakistan và nhiều bang ở Ấn Độ đến dòng sông Brahmapoutre tưới mát ruộng đồng cho cả Ấn Độ, Bangladesh lẫn Trung Quốc hay sông Mêkong.
Tổ chức phi chính phủ Hồng Kông nhấn mạnh : các nhà cầm quyền Bắc Kinh bắt đầu coi vấn đề bảo đảm các nguồn cung cấp nước ngọt là một ưu tiên, vì phải có đủ nước Trung Quốc mới có thể bảo đảm năng lượng và lương thực cho người dân. Ngành nông nghiệp Trung Quốc tiêu thụ từ 65 đến 70 % nước ngọt trên toàn quốc.
China Water Risk nhìn nhận Trung Quốc đang dốc lực tìm kiếm thêm các nguồn nước với các công trình xây dựng đập khổng lồ, để đưa nước ở các vùng miền nam lên miền bắc khô cằn. Nhưng các bước tiến về kỹ thuật đó, theo các chuyên gia không đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng lớn của hơn 1,2 tỷ dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét