Pages

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Đại cục của Trung Quốc và lựa chọn của Việt Nam

Theo Trần Trọng Kim, triết lý của người Trung Quốc là dùng trực giác để nắm bắt tinh thần, rồi từ đó đúc kết các ý tứ vào mấy câu vắn tắt để làm cốt. Chính vì vậy, nếu chỉ đọc văn từ thì không nắm được hết ý. Điều này khác với logic của phương Tây, đó là lời và ý theo sát nhau, phân minh rõ ràng. Nếu không hiểu sự khác biệt này, chúng ta dễ dàng sa vào phân tích văn bản của người Trung Quốc, dẫn đến đoán ý sai, không nắm được tinh thần của sự việc.


Ảnh: Ủy viên Quốc vụ viện TQ Dương Khiết Trì thăm VN và bàn về tình hình biển Đông (Nguồn: Internet)Ảnh: Ủy viên Quốc vụ viện TQ Dương Khiết Trì thăm VN và bàn về tình hình biển Đông (Nguồn: Internet)

Nói cách khác, để hiểu thâm ý của người Trung Quốc, cần phải hiểu cái tinh thần toàn thể. Vượt qua sự tập trung vào các sự vật và hiện tượng riêng lẻ, để dùng trực giác minh mẫn nhìn cái tinh thần xuyên suốt của họ. Tuy nhiên, việc dùng trực giác để mà nắm bắt thì vô cùng khó khăn vì nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất là người đó tâm phải sáng, nghĩa là phải không bị tư dục làm cho trực giác bị mờ. Thứ hai là trong bối cảnh đơn giản và tĩnh thì trực giác phát huy tác dụng, chứ trong không gian động thì rất khó. Thứ ba nếu đối phương cố tình gây hỏa mù thì việc dùng trực giác thường bị gây cản trở. Đây chính là lý do tại sao người phương Tây và người Việt Nam rất khó định đoán được cái tâm và mưu lược của người Trung Quốc.

Triết lý này đơn giản nhưng vô cùng quan trọng để giúp chúng ta hiểu đại cục của người Trung Quốc, phân biệt được đâu là “lợi ích cốt lõi”, đâu là chiến thuật “dương đông kích tây” và đâu là “hoạt động tung hỏa mù” của họ.

Về đại cục, Trung Quốc chắc chắn muốn trở thành bá chủ không những ở châu Á mà trên toàn thế giới. Ngoài việc gây dựng nội lực như kinh tế, quân sự và một tinh thần đại Hán cho dân chúng, chính quyền Trung Quốc đang tạo dựng một thế địa chính trị để thực hiện đại âm mưu này.

Dễ dàng thấy Trung Quốc không có ý định mở rộng về phía Bắc và phía Tây vì họ đã bị chặn bởi Nga và Ấn Độ. Hơn nữa, vùng này là đất liền, phức tạp không có nhiều lợi ích cho việc xâm lấn. Ngược lại, biển và đại dương ở phía Nam và Đông đóng vai trò như cánh cửa cho Trung Quốc kiểm soát thế giới. Chính vì vậy để đạt được giấc mộng bá quyền chắc chắn Trung Quốc cần kiểm soát Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đạt được điều này Trung Quốc có thể đi ra đại dương và kiểm soát Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc dễ dàng hơn.

Hiện tại, việc chiếm Đài Loan là chưa khả thi vì Đài Loan là đồng minh của Mỹ và thực lực của Đài Loan cũng rất mạnh. Nhật và Hàn Quốc cũng là đồng minh của Mỹ, và cũng là hai quốc gia mạnh. Chính vì vậy, Philippines và Việt Nam trở thành mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc. Trong hai quốc gia này, Việt Nam là điểm xung yếu nhất, một phần vì vị trí chiến lược của Việt Nam, một phần vì Việt Nam là quốc gia không có hiệp ước quân sự với quốc gia khác. Đây chính là bước khởi đầu Trung Quốc chọn cho chiến lược lâu dài của họ – kiểm soát biển Đông!

Có hai cách Trung Quốc có thể kiểm soát Biển Đông của Việt Nam. Một là biến Việt Nam thành đồng minh quân sự “môi hở răng lạnh”. Có nghĩa Trung Quốc xử dụng Việt Nam như căn cứ để kiểm soát Biển Đông và con đường hàng hải huyết mạch, từ đó tăng cơ hội uy hiếp và kiểm soát Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, cách Trung Quốc chọn xây dựng quan hệ với Việt Nam không dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi mà muốn Việt Nam bị lệ thuộc về kinh tế, chính trị, an ninh và văn hóa để phải phục tùng Trung Quốc. Trong những năm qua, Trung Quốc không đạt được điều này vì Việt Nam vẫn cố cân bằng quan hệ, đa dạng đầu tư và ngoại giao, từ chối giao các căn cứ hải quân cho Trung Quốc, chính vì vậy họ quyết định xử dụng cách thứ hai: dùng bạo lực để chiếm biển Đông.

Rõ ràng, chiếm Biển Đông là đại cục của Trung Quốc. Họ sẽ dùng mọi cách để chiếm dễ dàng và tốn ít chi phí nhất. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Việt Nam cần nhận thức rõ điều này để xác lập đại cục của mình. Nếu đại cục của Việt Nam là “quan hệ hữu nghị với Trung Quốc” thì dần dần phải hy sinh Biển Đông, hy sinh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ/hải, và thậm chí độc lập và tự do có được từ ngàn năm xương máu cha ông để lại. Nếu đại cục của Việt Nam là “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” thì chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối đầu với Trung Quốc vì Trung Quốc cần có Biển Đông để đạt được đại cục của họ. Khi đó, cuộc chiến không chỉ xảy ra trên biển, mà trên cả mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa và ngoại giao.

Liệu có con đường nào khác cho cả Việt Nam và Trung Quốc thoát thế kẹt này?

Rõ ràng, Việt Nam cần phải có một đại cục rõ ràng cho mình và công khai cho người dân cũng như cộng đồng quốc tế biết. Một quốc gia không thể đoàn kết sức mạnh nếu người dân không biết đại cục mà lãnh đạo nhà nước đang theo đuổi là gì. Một quốc gia không thể trở thành “bạn bè của tất cả các nước” nếu không minh bạch và rõ ràng về đường lối ngoại giao. Chính vì vậy, đại cục của Việt Nam cần được công khai càng sớm càng tốt.

Với lịch sử chống ngoại xâm và giá trị dân tộc đề cao độc lập và tự do, rất khó cho Việt Nam hy sinh toàn bộ để theo đuổi “16 chữ vàng và 4 tốt” mà Trung Quốc luôn rao giảng nhưng lại vi phạm trên thực tế. Điều này cũng đã được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ở Philippines “không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”. Quan trọng, Việt Nam cần tạo ra đồng thuận cũng như chuẩn bị tâm thể cho đại cục này càng nhanh càng tốt.

Để tạo thế cho mình, Việt Nam cần vạch rõ âm mưu của Trung Quốc để các nước khác biết việc chiếm biển Đông của Việt Nam chỉ là bước đầu trong đại cục của Trung Quốc, và sau Việt Nam chắc chắn sẽ là Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Việc thay đổi cục diện ở biển Đông không chỉ đơn giản là tranh chấp giữa hai nước, mà là sự gạt bỏ toàn bộ hệ thống pháp luật quốc tế được vận hành bởi Liên hợp quốc, Mỹ, Châu Âu, Úc cũng như các nước khác. Nói cách khác, Liên hợp quốc và các nước phải hiểu và ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc. Ngược lại, Việt Nam cần chứng tỏ mình là một phần của cộng đồng quốc tế, luôn tuân thủ và bảo vệ Luật pháp quốc tế.

Khi Việt Nam ở trong thế chân kiềng với các nước khác, Trung Quốc hiểu cái giá họ phải trả không chỉ nằm gọn trong cuộc chiến với Việt Nam, mà với cả các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Đây chính là sự răn đe tốt nhất cho Trung Quốc để họ từ bỏ ý định độc chiếm tài nguyên hàng hải và hàng không cho riêng mình, tuân theo pháp luật quốc tế và trả lại nguyên trạng Biển Đông cho Việt Nam.

Chính vì vậy, Việt Nam phải làm rõ đại cục và mục đích của mình với nhân dân và cộng đồng quốc tế. Sự kéo dài hay chần chừ chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Bình Lê

(Diễn Ngôn)

Không có nhận xét nào: