Pages

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Đảng cộng sản Việt Nam nên làm gì với “bốn không được” của Bắc Kinh?

“...Không đơn giản mà lá cờ Trung Quốc xuất hiện ở Thủ đô Hà Nội với 6 ngôi sao rạng ngời màu sắc trong dịp các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đón tiến Tập Cận Bình. Đó là một phép thử để thăm dò phản ứng của nhân dân Việt Nam, hay thăm dò thái độ của từng “đồng chí” trong lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam? Sau phép thử công khai, có lẽ họ đã hài lòng về kết quả, giống như ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên ngồi xem lại camera thấy quan chức nào “khóc nhiều, khóc và khóc ít” trong lễ tang của Kim Yong Il để thẩm định những khuôn mặt trung thành...”

Ngày 18.6.2104, cựu Bộ trưởng Ngoại giao China, ông Dương Khiết Trì (Yang Jiéchí), Ủy viên Quốc vụ viện đặc trách đối ngoại và vấn đề Đài Loan, có chuyến công cán tại Việt Nam.

Trong khi còn chưa tiến hành hội đàm với phía Việt Nam, thì ở bên nước Tàu, vào tối 17.6, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của China, đã ra “mệnh lệnh” gửi tới Hà Nội về cái gọi là “bốn không được”, với giọng điệu rất trịch thượng, hống hách.

Với tiêu đề: “Việt Nam và “bốn không được”, kẻ biết thời thế mới là tuấn kiệt”(1), đăng trên Tân Hoa Xã, được báo điện tử vtc.vn lược dịch như sau:

“Thứ nhất, không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông); Thứ hai, không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa); Thứ ba, không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải; Cuối cùng là không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ”. 

Sống bên cạnh một nước lớn có rất nhiều mưu mô xảo trá như China, tâm lý chung của người Việt là: Làm theo yêu cầu của China là đồng nghĩa với sự thua thiệt, thậm chí là tự sát. Rất tiếc, gần 85 năm qua, kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam lại liên tục “làm theo” như vậy. Hậu quả là, đến thời điểm này, sau khi để Bắc Kinh thâu tóm quyền lực ở cấp cao nhất của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam gần như đã buông xuôi, phó thác vận mệnh dân tộc Việt cho Bắc Kinh.

Từ “bốn không được” nêu trên, thử đi tìm ẩn ý của Bắc Kinh trong “mệnh lệnh” gửi tới Hà Nội xem sao:

1. Thứ nhất, không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông).

Ở nội dung này, Bắc Kinh tỏ rõ ý chí quyết tâm và khả năng dùng sức mạnh khi cần. Bắc Kinh đã đánh bài ngửa với Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là giọng nói của một đại ca (ông chủ) khuyên đám đàn em vốn chỉ quen vâng dạ, nghe lời. Nếu có đem ra thảo luận trong Bộ Chính trị nội dung này, mà không có vị nào thấy nhục nhã, thì chẳng còn gì để nói về tư cách cũng như tầm hiểu biết và văn hóa của các vị nữa.

Qua cách phản ứng và những đối sách của Việt Nam, kể từ hôm China đặt giàn khoan Hải Dương 981 đến nay, nhiều người cho rằng, đa số các ông bà trong Bộ Chính trị hiện nay như đã buông xuôi và không kiểm soát được tình hình. Việt Nam hiện nay đang trong một giai đoạn nguy hiểm, lực bất tòng tâm. Tựa như một giai đoạn lịch sử Nhà Trần, “ngó thấy sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình…”, khi Nguyên Mông đang ở thế mạnh chinh phục khắp Á – Âu.

Chỉ sợ lúc này nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam “chia năm xẻ bảy” mà thôi. Thực tế đang cho phép nghi ngờ, Bắc Kinh có tay trong nội ứng, mà mọi động thái của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đều đã bị Bắc Kinh nắm được.

Thực tế, Bắc Kinh cũng rất sợ một cuộc đụng độ Trung – Việt, mặc dù China có tiềm lực gấp vài chục lần Việt Nam. China không chỉ gây oán thù với Việt Nam, mà còn cả Nhật, Mỹ, Philippines. Một cuộc đụng độ với Việt Nam rất có thể sẽ đưa Bắc Kinh đến sa lầy, ngoài ý muốn.

2. Thứ hai, không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa).

Điều này chứng tỏ, Bắc Kinh rất sợ những tư liệu lịch sử của Việt Nam về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Mặc dù “Công hàm Phạm Văn Đồng” có thể là cú đá phản lưới nhà tai hại; nhưng dù sao, vẫn còn có nhiều cách để biện giải trước các tòa án sau này.

Như vậy, về nội dung thứ hai này, Việt Nam nên tổ chức tuyên truyền không chỉ ở trong nước để Nhân Dân được biết về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa; đặc biệt rất cần tổ chức các hội thảo quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới.

3. Thứ ba, không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải.

Một Việt Nam dân chủ, đa đảng theo thể chế Tam quyền phân lập đúng nghĩa, là điều mà Bắc Kinh lo sợ nhất hiện nay. Liên minh quân sự với Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước trong khu vực… đang trở thành một nhu cầu tất yếu, và chính sự hung hăng của Bắc Kinh đang đưa Việt Nam đến với Liên minh này.

Lịch sử như đang trao cho Việt Nam một cơ hội, theo đó, nếu Việt Nam đa đảng và được hưởng một nền dân chủ thực sự như Hàn Quốc, Nhật Bản… thì nhân dân China sẽ nổi dậy, và rất có thể China sẽ tan rã thành nhiều nước như nhận định của nhiều người. Và như vậy, vẫn còn cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam, để phần nào sửa chữa sai lầm đối với Đất Nước. Hy vọng thời thế và vận nước sẽ đưa đến cơ hội cho các vị ở Bộ Chính trị hiện nay nắm được cơ hội lịch sử này.

4. Cuối cùng là không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ

Đây thực sự là một “mệnh lệnh” của Bắc Kinh đối với Hà Nội. Nội dung cuối cùng này như là “xương sống” xuyên suốt tất cả các mối quan hệ khác, vậy chúng là gì?

Nội dung này cho thấy:

- “Hội nghị Thành Đô” (9.1990) do các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và có sự chứng kiến của ông Phạm Văn Đồng, ký kết với Bắc Kinh, chẳng biết là nó gồm những gì, nhưng có vẻ kinh hoàng đối với người Việt! Đồng ý với tác giả Hạ Đình Nguyên trong bài viết “Đã rách tấm da lừa hữu nghị!”, đăng trên Blog Bauxite Việt Nam, hôm 24.6.2014. Theo đó, tác giả Hạ Đình Nguyên, viết:

“Không đơn giản mà lá cờ Trung Quốc xuất hiện ở Thủ đô Hà Nội với 6 ngôi sao rạng ngời màu sắc trong dịp các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đón tiến Tập Cận Bình. Đó là một phép thử để thăm dò phản ứng của nhân dân Việt Nam, hay thăm dò thái độ của từng “đồng chí” trong lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam? Sau phép thử công khai, có lẽ họ đã hài lòng về kết quả, giống như ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên ngồi xem lại camera thấy quan chức nào “khóc nhiều, khóc và khóc ít” trong lễ tang của Kim Yong Il để thẩm định những khuôn mặt trung thành”.

“Cờ 6 sao” – đâu chỉ là phép thử sự trung thành của Hà Nội đối với Bắc Kinh, mà rất có thể là sự thăm dò phản ứng của Nhân Dân Việt Nam cho một sự sát nhật lịch sử: Mãn-Mông-Hồi-Tạng-Việt xung quanh một “Đại Hán”?.

- Sau Đỗ Mười, tác giả của Hội nghị Thành Đô, là các đời Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, mỗi ông, đều gắn với những tai tiếng: Hiệp định Biên giới (mà Việt Nam bị mất khoảng 1.500 km2, trong đó có một nửa Thác Bản Giốc, các cao điểm chiến lược ở Thanh Thủy, Hà Giang…); Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (nhượng cho China khoảng 11.000 km2 biển Vịnh Bắc Bộ), và đưa China vào khai thác bô xít tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên, đưa kinh tế Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào China như hiện nay.

- Với ông Nguyễn Phú Trọng, mặc dù mới lên làm TBT được nửa nhiệm kỳ, nhưng hình ảnh ông để lại là rất nhạt nhòa, nhiều nội dung đi ngược lại lòng dân... Trong chuyến công du sang China sau khi được bầu là TBT, trong tuyên bố chung Việt Nam-China có đoạn: “Tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát, công an, hành chính tư pháp; cùng phòng ngừa và tấn công các hoạt động vi phạm pháp luật, tội phạm xuyên biên giới; tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong việc giữ gìn ổn định trong nước của mình”(3).

Không thể nói khác hơn, đây chính là sự sao chép mô hình China tại Việt Nam, kể cả giúp nhau “giữ gìn ổn định trong nước của mình”?! (nếu như có sự bạo loạn, lật đổ… thì Bắc Kinh sẽ cho lực lượng sang “ổn định” chăng?).

Trong bài viết nêu trên, tác giả Hạ Đình Nguyên còn viết: “Người dân đang hoài nghi về phái “thân Trung Quốc”, trong Đảng, mà đứng đầu Đảng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”

- Chắc chắn rằng, “Công hàm Phạm Văn Đồng” chưa phải là cú sốc cuối cùng đối với người Việt. Mọi thứ như đang nằm ở văn kiện “Hội nghị Thành Đô”. Nhưng sẽ như mọi sự thật khác, không bao lâu nữa, người Việt sẽ được thấy nội dung của nó, mà không ai khác, Bắc Kinh, vì quyền lợi của China, họ sẽ công bố, như họ đã làm đối với “Công hàm Phạm Văn Đồng”.

Không phải ngẫu nhiên mà báo chí China gọi Việt Nam (hay Đảng Cộng sản Việt Nam?), như là một “đứa con hoang đàng hãy trở về”, như báo chí đang gây xôn xao mấy ngày gần đây, sau chuyến thăm Việt Nam của Dương Khiết Trì.

Như vậy, bằng mệnh lệnh “bốn không được”, Bắc Kinh đã ra lệnh cho Hà Nội buộc phải thi hành theo yêu cầu của họ. Nếu không nắm trong tay tất cả những bí quyết mang tính sinh tử, thì chắc chắn Bắc Kinh không thể có giọng điệu ngỗ ngược kiểu quan thầy như vậy được.

Bắc Kinh đang dồn Hà Nội đến chân tường. Mà chỉ còn một cách duy nhất, đó là trở về với Nhân Dân thì Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể thoát hiểm, và phần nào bớt được tội lỗi đã gây ra đối với Đất Nước và Nhân Dân Việt Nam.

Hoàng Mai
Theo Bauxite Việt Nam



(1) http://vtc.vn/311-490509/quoc-te/tan-hoa-xa-lai-trang-tron-vu-khong-de-doa-viet-nam.htm
(2) https://boxitvn.blogspot.com/2014/06/a-rach-tam-da-lua-huu-nghi.html
(3) http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Viet-Nam--Trung-Quoc-ra-Tuyen-bo-chung/201110/100657.vgp

Không có nhận xét nào: