Quốc hội Việt Nam chưa ra nghị quyết riêng về Biển Đông vì tình hình chưa 'đặc biệt nghiêm trọng', theo một cựu quan chức Quốc hội trong nước.
Nhận định trên được ông Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 24/6.
Trong phiên họp Quốc hội hôm 23/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa được báo trong nước dẫn lời nói "nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang".Trong khi đó, truyền thông Việt Nam tiếp tục đưa tin về các vụ đụng độ trên biển giữa tàu chấp pháp hai nước.
Ông Thuận cho biết sau khi nghe nhận định từ đại biểu Nghĩa, ông đã "tiên đoán rằng vấn đề đó không thể qua được mà phải đưa vào một nghị quyết chung của kỳ họp."
"Quốc hội có đưa vấn đề Biển Đông vào một nghị quyết chung chứ không phải là không có nghị quyết" ông Thuận nói.
"Còn trong trường hợp Quốc hội ra một nghị quyết riêng thì đó phải là vấn đề đặc biệt, mà Việt Nam và Trung Quốc thì không phải đang ở trong tình trạng chiến tranh toàn diện."
Trả lời báo chí bên lề phiên họp ngày 23/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giải thích lý do không có nghị quyết riêng về Biển Đông là do "ngay từ đầu kỳ họp Quốc hội đã bàn bạc rất kỹ về tình hình biển Đông và sau đó có thông báo tuyên bố rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và nói rõ quan điểm xử lý vấn đề Biển Đông".
Ông Lưu cũng cho biết Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ 'nêu rõ lập trường' của Quốc hội Việt Nam về vấn đề Biển Đông tại phiên bế mạc chiều ngày 24/6.
∇ Vì sao Quốc hội chưa ra nghị quyết?
|
Theo ông Thuận, nghị quyết của Quốc hội, dù là nghị quyết riêng về Biển Đông hoặc nằm trong nghị quyết chung thì "cũng có một ý nghĩa rất quan trọng".
"Đó là tiếng nói rất quan trọng vì nó khẳng định ý chí của 90 triệu dân trước sự kiện xâm lăng của Trung Quốc", ông nói.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng phản ứng từ phía Việt Nam cần phải có "một liều lượng vừa phải".
"Vấn đề Biển Đông là câu chuyện còn kéo dài, không thể một sớm một chiều được", ông nói.
"Nếu ra nghị quyết đặc biệt của Quốc hội thì sẽ dẫn đến một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng hơn vì việc leo thang giữa hai bên và liều lượng phát biểu của hai bên phải thích hợp", ông nói.
"Bức xúc phải được diễn tả thế nào, bộc lộ thế nào, có hành động thích hợp như thế nào".
"Tôi cho rằng không hẳn là sự kiện nào cũng phải dốc toàn lực ra để tập trung lên án, vì chiến đấu với trung Quốc là lâu dài".
"Ví dụ như kinh tế Trung Quốc đan xen vào nền kinh tế của Việt Nam phải có những bước gỡ thế nào ... Cũng như một căn bệnh mà Trung Quốc cài vào nặng quá mà bây giờ tháo ra thế nào đó đôi khi bệnh nhân cũng bị nguy hiểm."
"Ở đây phải có một bước đi kiên trì và cương quyết."
'Vây ép'
Trong khi đó, ngày 23/6, các báo Việt Nam dẫn báo cáo của Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết 9h30 sáng ngày 23/6, tàu KN 951 của lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã bị '5 tàu [Trung Quốc] vây ép'.
VnExpress đưa tin: "Tàu hải tuần 11 vây ép, tì ngăn cản. Sau đó, tàu Hữu Liên 09 và Tân Hải 285 đâm vào mạn tàu 951".
Sau cú va chạm, mạn phải và mạn trái tàu KN 951 của Việt Nam bị "móp méo, biến dạng hoàn toàn, một số thiết bị lan can hư hỏng", Cục Kiểm ngư Việt Nam được dẫn lời nói thêm, nhưng cho biết không có ai bị thương nặng.
Các vụ va chạm liên tiếp trên biển giữa tàu của hai nước từ khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền khiến giới quan sát lo ngại sẽ xảy ra thiệt hại về nhân mạng.
Mới đây, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư Việt Nam, được báo trong nước dẫn lời cho biết từ khi căng thẳng lên cao, Trung Quốc đã đâm hỏng 19 tàu kiểm ngư Việt Nam.
Hồi cuối tháng Năm, phía Việt Nam nói một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng đã bị tàu Trung Quốc 'cố ý đâm chìm'.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét