Pages

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Từ vụ giàn khoan nghĩ về fair play

Khi tôi ngồi viết những dòng này, những thanh âm đầy sôi động và rạo rực cảm hứng của World Cup đang vang vọng khắp nơi.
Hàng triệu người, hay đúng hơn là hàng tỉ người trên khắp hành tinh đang ăn, ngủ, tỉnh thức cùng những đội bóng họ tôn sùng. Chắc hẳn hàng tỉ người hâm mộ cuồng nhiệt này phải được kết nối lại với nhau bằng một phép màu nào đó.

Câu trả lời cũng đơn giản.
Bạn đã bao giờ tự hỏi cái gì đã làm nên phép màu đó hay không? Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao một trái bóng nhỏ như thế lại có một mãnh lực thu hút cả người già cũng như người trẻ?

Phép màu đó không nằm ở trái bóng tròn đang lăn trên sân cỏ. Phép màu đó là tinh thần chơi đẹp (fair play) đã truyền cảm hứng cho các cầu thủ đầy sức lôi cuốn kia, để họ lại truyền cảm hứng cho người hâm mộ trên toàn thế giới. Nếu tinh thần chơi đẹp bóng đá này bị thay thế bởi những trò chơi xấu hay tiêu cực, một điều chắc chắn là môn túc cầu không thể nào được vinh danh như một “tôn giáo vô thần” từ trước đến nay.

Tinh thần fair play

Tuy nhiên, tôi sẽ nói đến một tinh thần fair play khác (xin được tạm dùng tiếng Anh bởi tôi không thể tìm được một từ tương đương phù hợp ngữ cảnh trong tiếng Việt). Theo Ủy ban Fair Play Quốc tế (International Fair Play Committee), “fair play là một khái niệm phức tạp có nội hàm rất rộng bao gồm một số giá trị căn bản không chỉ trong lĩnh vực thể thao mà còn trong cuộc sống hàng ngày.
Sự tôn trọng, tình hữu nghị, tinh thần đồng đội, cạnh tranh công bằng… sự tôn trọng các luật thành văn và bất thành văn như bình đẳng, chính trực, đoàn kết, khoan dung,
quan tâm… là những yếu tố căn bản cấu thành nên tinh thần fair play.”
Vụ giàn khoan 981 đang dẫn tới căng thẳng Việt -Trung trên biển
Trong thể thao, fair play được duy trì bởi hai hay nhiều đội tranh tài cùng nhau. Trong cuộc sống hàng ngày, tinh thần ấy có thể hiện diện giữa hai hay nhiều thực thể có cùng vị thế.
Với định nghĩa này, hiển nhiên khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển không có tranh chấp thuộc chủ quyền Việt Nam, tinh thần fair play đã bị tổn hại, cuốn theo cùng nó sự giao hảo bấy lâu giữa hai nước.
Chín mươi triệu người dân Việt Nam cảm thấy bị tổn thương sâu sắc. Chín mươi triệu người dân Việt Nam bức bối ngóng chờ một sự thay đổi, một sự thay đổi để trả chủ quyền Việt Nam trở về nguyên trạng. Tuy nhiên, sự hung hăng ngày một gia tăng của Trung Quốc khi nước này thản nhiên đặt thêm dàn khoan vào vùng biển thuộc đường chín đoạn do họ tự vẽ ra cho thấy rằng những gì mà Việt Nam đang chờ đợi, đáng tiếc thay, có lẽ sẽ không bao giờ tới.
Cần phải làm một điều gì đó. Vấn đề đặt ra ở đây là một điều gì đó thực chất là cái gì, và ai sẽ là người thực hiện?
Khi đất nước lâm nguy, lòng dân không thể nào yên ổn. Mỗi một con người đều có một cách khác nhau để thể hiện lòng yêu nước và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc. Và trong khi lòng yêu nước của người dân Việt Nam là một điều không thể hồ nghi thì khả năng Việt Nam sẽ thắng trong cuộc đấu tranh đòi lại chủ quyền từ người bạn láng giềng to lớn, hung hăng lại ẩn chứa nhiều nghi ngại.
Tuy nhiên, sự nghi ngại này có thể được xóa đi nếu thế giới đồng lòng hỗ trợ Việt Nam, như họ đã từng hỗ trợ những quốc gia và những cá nhân đang cần được giúp.

Từ Thương mại Công bằng đến Hỗ trợ Công bằng?

Khi những người giàu có may mắn trên thế giới thưởng thức những sản phẩm thật tươi ngon, bổ dưỡng do những nông dân kém may mắn khác từ những miền đất nghèo khó khác làm ra, một tổ chức quốc tế đã được khai sinh với mục đích giúp những nông dân này giảm bớt khó khăn, hay thậm chí giúp họ thay đổi cả số phận, đó là Tổ chức Thương mại Công bằng Quốc tế (World Fair Trade Organization).
Bằng cách thuyết phục những người tiêu dùng giàu có biết nghĩ nhiều hơn về sự nhọc nhằn và đời sống khó khăn của những người dân lao động để trả thêm một ít tiền cho mỗi sản phẩm họ mua, các nước thành viên của tổ chức này đã góp phần phát triển sự công bằng và hạnh phúc cho những con người thiệt thòi trong cuộc sống. Người cho chỉ bớt đi chút ít, nhưng người nhận lại nhận được rất nhiều: bữa ăn của gia đình họ cũng đủ đầy hơn, con cái họ cũng được đến trường, và có lẽ nhiều ước mơ cũng đã được biến thành hiện thực.
Việt Nam muốn quốc tế trợ giúp giải quyết bất đồng
Một vấn đề được đặt ra ở đây là liệu mô hình hiệu quả và mang tính nhân văn này có thể lan tỏa đế cộng đồng thế giới sẽ cùng nhau phát triển một mô hình khác hay không?
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, thế giới đã trở nên nhỏ bé, gần gũi như một ngôi làng, và tất cả những thành viên trong ngôi làng ấy nên nâng đỡ nhau vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mỗi quốc gia là một bộ phận không thể tách rời của một kết cấu toàn vẹn; một quốc gia có thể nhỏ hơn về diện tích và yếu hơn về lực lượng so với các quốc gia khác, dẫu vậy nó vẫn có những giá trị và tầm quan trọng về những phương diện khác.
Hơn nữa, những nước mạnh không nên “cường hóa” bằng cách dẫm đạp lên những nước yếu hơn, và những nước mạnh chắc chắn sẽ được trân trọng hơn nếu họ giang rộng vòng tay trước những nước đang bức thiết cần hỗ trợ.
Giờ đây khi mà nhiều nước trên thế giới đang phản đối Trung Quốc trước tham vọng bành trướng lãnh thổ và lãnh hải bất chấp những chỉ trích và cả luật quốc tế, liệu các nước này có thể đủ quan tâm để hỗ trợ các nước yếu hơn, trong đó có Việt Nam, trong cuộc đấu tranh vì công lý và lẽ phải hay không?
"... những nước mạnh chắc chắn sẽ được trân trọng hơn nếu họ giang rộng vòng tay trước những nước đang bức thiết cần hỗ trợ."
Những nước nhỏ thực sự rất cần được cộng đồng quốc tế giúp sức để có thể độc lập về kinh tế trước Trung Quốc, hiện đang là siêu cường thứ hai của thế giới. Sự hỗ trợ đó sẽ lớn lao và có ý nghĩa biết bao nếu được hiện thực hóa thành một Tổ chức Hỗ trợ Công bằng (Fair Aid) Quốc tế, người anh em sinh đôi của Tổ chức Thương mại Công bằng Quốc tế, trong đó các thành viên sẽ cam kết đầu tư nhiều hơn vào các nước đang ở hoàn cảnh bất lợi, rút hoặc chuyển hướng đầu tư từ các nước vi phạm luật quốc tế.
Sự hỗ trợ này có thể dẫn đến việc giảm phần nào lợi nhuận, tuy vậy giá trị và ý nghĩa nhân văn của nó đối với các nước đang gặp khó khăn lại rất đáng để một tổ chức như thế được hình thành.
Rốt cuộc thì “sức mạnh càng cao đồng nghĩa với trách nhiệm càng lớn”. Các siêu cường và các nước phát triển sẽ góp phần tạo nên một phép màu nếu họ quan tâm, tỏ thái độ rõ ràng và chia sẻ chỉ một ít nguồn lực của mình.
Là một trong những công dân Việt Nam đang cảm thấy mất phương hướng trước sự căng thẳng đang ngày một gia tăng mà đất nước phải đối mặt, tôi không ngừng suy nghĩ và hy vọng, rằng một khi tinh thần fair play đã không còn nữa, liệu mô hình Thương mại Công bằng có thể giúp hình thành một mô hình Hỗ trợ Công bằng hay không?
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả là Giảng viên Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM.

Không có nhận xét nào: