Diễn biến tại Hồng Kông tiếp tục chiếm lĩnh các trang báo Pháp sáng nay 02/10/2014. Qua vụ Hồng Kông, Đài Loan nghi ngờ chính sách « Một quốc gia, hai chế độ » của Bắc Kinh. « Cách mạng ô dù » tại Hồng Kông tiếp tục thách thức Bắc Kinh. Hồng Kông muốn lãnh đạo Lương Chấn Anh từ chức. Trước sự nổi dậy của Hồng Kông, Bắc Kinh vờ bình thản và người dân Hoa lục mù thông tin về Hồng Kông. Trên đây là những nhận định chung của các tờ báo.
Bắc Kinh, kẻ nuốt lời hứa
Xã luận của Le Monde trên trang nhất có tựa đề : « Hồng Kông : thách thức chính trị cho Trung Quốc ». Kể từ sau vụ Thiên An Môn 1989, đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc bị thách thức như thế. Một thách thức đầy khó khăn. Nhưng Bắc Kinh phải gánh lấy toàn bộ trách nhiệm. Bởi vì chính Bắc Kinh mới là kẻ thất hứa (như những gì báo chí Pháp nhận định trong những ngày qua). Bài viết cho rằng đó là một sự tiến triển phù hợp với những gì đã được thương lượng giữa Anh quốc và Trung Quốc trước khi trao trả.
Xu hướng đó phù hợp với nguyên tắc : « Một quốc gia, hai chế độ ». Nói một cách khác, Hồng Kông, nằm trong Trung Quốc, nhưng vẫn giữ cách điều hành của mình : một nền tư pháp độc lập, Nhà nước pháp quyền, các quyền tự do cơ bản, nhất là trong lãnh vực truyền thông.
Nhưng vào trung tuần tháng Tám năm 2014, Bắc Kinh thông báo nắm quyền kiểm soát tối ưu về việc chọn ứng viên tranh cử. Nghiêm trọng hơn nữa, trước đó, trong Sách trắng công bố vào tháng 06/2014, có nói rằng chính quyền xác quyết vị thế của Hồng Kông được tồn tại là vì Bắc Kinh dung túng. Trung Quốc yêu cầu các thẩm phán và công chức trên cựu lục địa phải chứng thực tình yêu với « mẫu quốc », xem như là bày tỏ lòng trung thành với đảng cộng sản. Hiểu một cách khác, lý trí nhà nước Trung Hoa đặt trên cả nhà nước Pháp quyền của Hồng Kông. Một sự phản bội, ít nhất trong tinh thần những cam kết 1997, Le Monde viết.
Hồng Kông là « mồi » để bẫy « cá lớn » Đài Loan
Thế nhưng, « Đàng sau Hồng Kông, cả ván cờ Đài Loan » là nhận định của Libération. Đây cũng là tựa đề bài phân tích. Chính sách « Một quốc gia, hai chế độ » : là một công thức cho phép Trung Quốc thu hồi lại Hồng Kông. Nhưng nó cũng là một công cụ phục vụ cho chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh. Và để rồi từ đó ngấp nghé sang đảo quốc Đài Loan.
Đối với Libération, « Một quốc gia, hai chế độ » là một kiểu khái niệm kỳ lạ. Kiểu mô hình « tâm thần » khá đặc trưng này, lúc khởi đầu do chính Bắc Kinh đề xuất để thu hồi đảo quốc từ tay người Anh. Theo đó, Hồng Kông được phép giữ nguyên hệ thống điều hành và những quyền tự do ngôn luận trong khi mà chính người dân trong Đại lục không hề được hưởng.
Và cũng chính với nguyên tắc đầy nghịch lý này mà Bắc Kinh dự tính hoàn thành « nhiệm vụ vinh quang » được đề ra là « Thống nhất toàn Trung Quốc » bằng cách « hợp nhất Đài Loan ». Thậm chí, Đài Bắc có thể duy trì quân đội của mình, theo như lời hứa của Bắc Kinh.
Công thức « Một quốc gia, hai chế độ », không phải chỉ xuất hiện trong cuộc thương lượng lấy lại Hồng Kông, mà là do Mao Trạch Đông đề xuất vào năm 1960 với chính quyền theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa đại bại. Theo đó, cái giá phải trả cho việc nếu chấp nhận hợp nhất, chính phủ của ông Tưởng Giới Thạch chỉ việc từ bỏ chủ quyền trong các chính sách ngoại giao. Phần còn lại Đài Bắc được giữ nguyên. Lời đề xuất đó bị ông Tưởng Giới Thạch chế giễu vào thời điểm đó.
Đài Loan không phải là lãnh thổ duy nhất tin tưởng vào những lời « hứa hảo » của Bắc Kinh. Trong những năm 1950, sự « hào phóng » đó cũng được chế độ cộng sản giơ ra với nhiều vùng khác nhau như Tây Tạng hay Tân Cương để đổi lấy sự tự trị bằng quyền bảo hộ của Trung Quốc. Nhưng những gì xảy ra ở Tây Tạng đã khiến cho nhiều khu vực mà vào thời điểm đó Bắc Kinh chưa kiểm soát được đã từ chối lời đề nghị.
Bởi vì, đối với họ, công thức « Một quốc gia, hai chế độ » dường như không có gì là bền vững mà chỉ là bước đầu cho chiến dịch đồng hóa. Chắc chắn vì điều này, vào thời điểm trao trả Hồng Kông, Bắc Kinh đã cam kết chỉ duy trì hệ thống chính trị hiện có trong vòng 50 năm (nghĩa là chỉ đến năm 2047).
Đề xuất này lại được Đặng Tiểu Bình đề cập đến với Đài Loan vào năm 1978 nhưng cũng không thành. Đến lượt mình, ông Tập Cận Bình hồi tuần rồi cũng đưa ra trở lại, khẳng định với các nhà lãnh đạo Đài Loan rằng công thức « Một quốc gia, hai chế độ » là điều kiện tốt nhất. Đương nhiên ông Mã Anh Cửu, tổng thống Đài Loan đã bắn tiếng rằng đại bộ phận dân Đài Loan phản đối đề xuất này. Bởi vì « nước Cộng hòa Trung Hoa (tên chính thức của Đài Loan) là một quốc gia có chủ quyền, có bầu tổng thống, nghị viện và tự quản lý công việc của mình ».
Đối với Đài Loan, chuyện Bắc Kinh bề ngoài đã giữ lời hứa để Hồng Kông giữ nguyên các quyền tự do kể từ năm 1997, chỉ là một « quỷ kế ». Bắc Kinh ném con mồi lớn để bẫy « con cá lớn » không ai khác chính là Đài Loan.
Hồng Kông xác quyết nét đặc thù trước Bắc Kinh
Trở lại với Hồng Kông, Le Monde cũng có bài phân tích khá hay đề tựa « Hồng Kông khẳng định nét đặc thù của mình trước Bắc Kinh ». Nếu như làn sóng bất tuân dân sự vẫn đang làm tê liệt Hồng Kông từ cuối tuần vừa rồi (28/09/2014) không nhằm mục đích chống lại Bắc Kinh, sự kiện làm nổi rõ những rạn nứt chính trị, văn hóa và bản sắc Hồng Kông, sau 17 năm trở về mẫu quốc.
Người Hồng Kông duy trì một mối quan hệ đầy mâu thuẫn với Đại lục. Một phần bản sắc chính trị được hình thành nhằm chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc, một chế độ mà nhiều người đã phải bỏ trốn : ký ức tập thể Hồng Kông cũng được hình thành từ những toàn bộ hồi ức tỵ nạn này, Le Monde viết
Theo Le Monde, dưới sự quản lý của Trung Quốc, Hồng Kông đã bị phân cực. Một bên là một bộ phận thành phần ưu tú của xã hội theo Trung Quốc, được các nhà tài phiệt ủng hộ và một bộ phận cựu cánh tả theo cộng sản. Bên kia là một xã hội dân sự gần với các đảng chính trị ủng hộ dân chủ, những người biến đặc khu hành chính thành trung tâm đấu tranh.
Ngoài những trích dẫn nhận định của nhiều chuyên gia khác nhau về sự tiến triển của các tổ chức chính trị và xã hội dân sự, đáng chú ý nhất là nhận định của nhà nghiên cứu Chan Ki Chit. Ông quan tâm đến « tính Trung Quốc đầy mâu thuẫn của bản sắc Hồng Kông », được trình bày trong tạp chí Viễn cảnh Trung Quốc. Mối tương quan giữa Hồng Kông và Trung Quốc thay đổi theo từng theo kỳ.
Trước năm 1997, Hồng Kông xem Trung Quốc như là một « kẻ khác », « lạc hậu và thấp hèn ». Sau khi trao trả, Trung Quốc lại trở thành « miền đất cơ hội » cho nhiều người Hồng Kông. Nhưng nó cũng là nguồn cội của mọi kiểu phiền toái và xung đột liên quan đến việc « phân chia nguồn sống giữa người dân tại chỗ và các du khách đến từ Hoa lục » : dịch vụ y tế công, bình đẳng cơ hội học đường và thậm chí sản phẩm tiêu thụ như sữa bột chẳng hạn.
Một mặt niềm tự hào trước sự thành công của Trung Quốc và những tương đồng về lịch sử cũng như biểu tượng văn hóa (Vạn Lý Trường Thành, tiếng phổ thông…) đã tạo nên sự hợp nhất với Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó, người Hồng Kông khát khao bảo tồn những nét đặc trưng riêng của mình. Chính từ chỗ bị giằng xé giữa hai cảm giác, Hồng Kông đã phát triển « một bản sắc pha trộn » : tự nhìn nhận mình vừa là Hoa, vừa là Hồng Kông. Nghĩa là, họ phân biệt theo kiểu « Trung Quốc chính trị » và một « Trung Quốc văn hóa và kinh tế ».
Như thế người Hồng Kông có thể « gia nhập vào bản sắc Trung Hoa, nhưng đồng thời cũng không gắn kết với chế độ cộng sản chuyên chế và tham nhũng ».
Như thế người Hồng Kông có thể « gia nhập vào bản sắc Trung Hoa, nhưng đồng thời cũng không gắn kết với chế độ cộng sản chuyên chế và tham nhũng ».
Thế nhưng, theo nhà nghiên cứu Chan, kiểu « chiến lược bản sắc thực dụng này cũng có giới hạn » : những bất đồng phát sinh xung quanh tranh chấp về quyền tự trị và dân chủ hóa của Hồng Kông, ngày càng có lợi cho xu hướng can thiệp chính trị thường xuyên hơn từ Bắc Kinh.
Hoàng Chi Phong : thần đồng cách mạng
Trở lại với « Mùa xuân Hồng Kông » theo như cách gọi của Libération trên trang nhất, đang thu hút được sự ủng hộ rầm rộ của giới sinh viên học sinh và nhiều tổ chức xã hội dân sự khác, Libération đặc biệt chú ý đến gương mặt lãnh đạo trẻ 17 tuổi qua hàng tựa: « Hoàng Chi Phong, thần đồng cách mạng ».
Hoàng Chi Phong, thần đồng chính trị 17 tuổi, giờ đã trở thành « khắc tinh » của chế độ cộng sản Trung Quốc, Libération viết. Lúc 12 tuổi, cậu đã thành lập Scholarism, hội đoàn sinh viên-học sinh. Chính nghiệp đoàn sinh viên này đã tung ra chiến dịch bất tuân dân sự làm chấn động cả Hồng Kông.
« Thân hình mảnh khảnh, với cặp kính cận đen, nhưng tài diễn thuyết tuyệt vời ». Cách đây hai năm, chính cậu đã đấu tranh chống lại chính quyền Hồng Kông quyết định đưa việc giảng dạy « lòng yêu nước » vào trong trường cấp 1và hai. Vì những bài giảng đó bỏ qua những giai đoạn đen tối của lịch sử Trung Quốc như nạn đói trong những năm 1958-1962, cướp đi sinh mạng của 45 triệu người ; các vụ truy bức trong Cách mạng văn hóa (1966-1976) và đàn áp đẫm máu Thiên An Môn năm 1989.
Bắc Kinh vờ bình thản, dân Trung Quốc mù thông tin
Đối mặt chiến thuật để tự hụt hơi của Bắc Kinh, sinh viên Hồng Kông tiếp tục dấn tới. « Đường phố Hồng Kông ra tối hậu thư cho Bắc Kinh » là nhận định của Le Figaro. Lãnh đạo phong trào sinh viên đe dọa leo thang cho đến khi nào lãnh đạo đặc khu hành chính từ chức.
Le Figaro cho rằng tối hậu thư của sinh viên là một sự đánh cược đầy rủi ro. Họ tham vọng được xử lý vấn đề trực tiếp để bàn lại cải cách do Bắc Kinh đề ra. Theo đó, Trung Quốc sẽ sàng lọc các ứng viên cho bầu cử lãnh đạo đặc khu vào năm 2017. Trong con mắt của nhiều người dân ở đây, mục tiêu này quá tham vọng.
Tuy nhiên, Le Figaro đặc biệt chú ý đến thái độ của Bắc Kinh đối với những gì đang diễn ra tại Hồng Kông trong một tuần qua. Tờ báo nhận thấy là « Bị thách thức, chính quyền Trung Quốc vờ tỏ ra bình thản ».
Hôm qua, 01/10/2014, là ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thoạt nhìn, đài truyền hình trung ương CCTV không để lộ cho thấy người đứng đầu nhà nước có dấu hiệu gì căng thẳng. Ông Tập Cận Bình tỏ thái độ rất bình thản và điềm tĩnh. Lễ kỷ niệm được truyền hình trực tiếp cho thấy ông Tập Cận Bình bình tĩnh xung quanh 2.000 vị khách mời trong Đại sảnh đường.
Nhưng những gì đang diễn ra sôi sục tại Hồng Kông, người dân trong nước mảy may không hề hay biết. Không một chút hình ảnh nào được phát trên truyền hình. Hơn nữa, chưa bao chính quyền Bắc Kinh gia tăng các biện pháp kiểm duyệt mạnh mẽ như vậy. Ngoài việc đánh cược vào sự hụt hơi của phong trào, chính quyền trung ương tìm mọi cách tấn công vào các trang mạng xã hội để chặn người dân xem tin tức như phong tỏa trang mạng Instagram, đánh sập các tiểu blog…
Và nhất là chặn những nhà ly khai để họ không thể bày tỏ sự ủng hộ. Những ai tỏ ra ủng hộ cuộc biểu tình tại Hồng Kông đã bị chính quyền bắt giữ và thẩm vấn. Theo nhận định của một chuyên gia thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International : « Hành động trấn áp các nhà đấu tranh tại Trung Quốc làm sáng tỏ những lý do mà nhiều người Hồng Kông bấy lâu lo ngại : sự kiểm soát ngày càng lớn của Bắc Kinh lên chuyện nội bộ của đặc khu hành chính ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét