Pages

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Đã đến lúc thực tiễn Việt Nam quyết định lý luận Việt Nam


Đoàn Vương Thanh
leninLý luận không phải chỉ là lý luận càng không phải là một mớ lý thuyết suông hoặc bị ảnh hưởng của các chủ nghĩa này nọ được áp dụng giáo điều vào Việt Nam, lợi thì chưa thấy lợi bao nhiêu mà hại thì đã nhỡn tiền.
Đã đến lúc thực tiễn Việt Nam, những vấn đề diễn biến của xã hội Việt Nam trong suốt 83 năm do Đảng Cộng sản nhận quyền lãnh đạo cũng như trong nửa thế kỷ sau thống nhất nước nhà, chúng ta đã có nhiều bài học sâu sắc về áp dụng lý luận cách mạng của nước ngoài, khi thì của Liên Xô, khi thì của Trung Quốc, còn cái thực chất lý luận của Việt Nam lại vắng bóng hoặc ít được áp dụng một cách triệt để.

Như vậy, các nhà lý luận cho rằng chúng ta đã theo “chủ nghĩa giáo điều” lúc thì thiên tả, lúc thì thiên hữu, về mặt tích cực đã góp phần vào những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, mặt khác cũng đã gây ra không ít tai họa cho Việt Nam. Trong khi đó, kể cả chủ nghĩa Mac-Lenin, cơ bản cũng không thể áp dụng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, tâm lý và nhu cầu của người Việt Nam. Thời kỳ ra đời Quốc tế cộng sản Đệ nhị cũng như Quốc tế cộng sản Đệ tam, cơ bản vẫn xuất phát từ thực tế phát triển của các nước chấu Âu, đem áp dụng vào Việt Nam là không phù hợp. Chúng ta luôn nói rằng chúng ta áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lenin vào hoàn cảnh Việt Nam, nhưng thực tế chúng ta chưa khắng định được những vấn đề sáng tạo ấy, mà vẫn như là những “chú khỉ hay bắt chước”.
Rồi sau này xuất hiện lý luận của chủ nghĩa Mao, gọi là “Mao-ít”. Điểm nổi bật của chủ nghĩa Mao là “chủ nghĩa sô vanh nước lớn” chuyên bắt nạt các dân tộc nhỏ. Từ đó, chủ nghĩa Mao khẳng định “chủ nghĩa tư bản thế giới đang rẫy chết, chủ nghĩa xã hội đang chiếm ưu thế, và chính giai cấp vô sản thế giới sẽ tiêu diệt sạch sành sanh chủ nghĩa tư bản thế giới để xây dựng chủ nghĩa cộng sản nghìn lần tươi đẹp hơn. Vì thế trong thực tế, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã trải qua nhiều lần thực hiện các “cuộc cách mạng không tưởng và vô cùng tàn bạo, điển hình là cuộc cách mạng kinh tế nông thôn theo “Đại Trại”, cuộc “cách mạng văn hóa”, như chiến dich “chim sẻ”, chiến dịch “cả nước làm gang thép !”… đã đưa hàng chục triệu nhân dân Trung Quốc đến nhà mồ và đất nước kiệt quệ.
Còn Việt Nam ta một thời gian cũng bị điêu đứng vì cuộc cách mạng ruộng đất, gọi là “giảm tô cải cách ruộng đất, người cày có ruộng”. Rồi “cuộc đấu tranh với bọn “phản động trong nhóm Nhân Văn giai phẩm”, “cuộc cải tạo tư sản sau hòa bình năm 1954 ở miền Bắc và sau 1975 ở miến Nam, công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp, cũng định có hơi hướng trở thành kinh tế nông trường quốc doanh và nông trang tập thể do ảnh hưởng của Liên Xô.  Rồi đến cuộc vận động “xây dựng cấp huyện”, sáp nhập các tỉnh thành phố, các huyện để “làm ăn lớn”…Tóm lại chúng ta đã áp dụng một mớ lý luận về cái gọi là “chủ nghĩa xã hội” ở đâu đó vào nước ta, chỉ làm cho dân ta điêu đứng, kéo lùi lịch sử phát triển của dân tộc.
Một thời gian các dân tộc Việt Nam tin Đảng như những người theo đạo  tin vào Phật, tin vào Chúa . Ngày nay, các dân tộc Việt Nam, đứng trước sự phát triển “thụt lùi” của Đảng, sự suy thoái như là một quy luật của Đảng, các dân tộc Việt Nam ngày càng nhận ra mặt phải mặt trái của con đường mình đang đi.  Hơn 6 thập kỷ có nước độc lập, gần 40 năm có đất nước hòa bình thống nhất, như Hàn Quốc chẳng hạn, dân ta đã có thể tiến lên đến mức nào rồi, chứ đâu có “tậm tịt” như hiện nay. Hàn Quốc chẳng cần theo chủ nghĩa nào cả, không cần Mác, không cần Lênin, không cần Mao và chính bản thân Hàn Quốc cũng không cần có “chủ nghĩa Păc-chung-hi” nào cả. Chỉ có “chủ nghĩa dân giầu nước mạnh, dân chủ, tự do” huy động sức sáng tạo của chính bản thân nhân dân họ vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững. Một nửa phía bắc của Triều Tiên theo chủ nghĩa “cộng sản phong kiến” thì như thế giới đã biết, ngày nay đi đến đâu ?
Nếu như, ngay sau năm 1975, thời cơ vàng “nghìn năm có một” giang sơn thu về một mối, chúng ta có thể có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mọi mặt của đất nước. Dân Việt Nam thông minh và đầy sáng tạo, chỉ cần biết tổ chức họ lại, khai thác tiềm năng của họ, xóa bỏ thật sự hận thù, hòa hợp, hòa giải dân tộc, coi tất cả những vấn đề xảy ra trong hơn ba mươi năm chiến tranh chỉ là những vấn đề của lịch sử. Đồng thời chống thành kiến, chống định kiến, xây dựng một đội ngũ lãnh đạo toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, vì nhân dân, vì sự hùng mạnh của đất nước. Nếu vậy chúng ta đã khai thác được không ít chất xám của cả hai bên, của cả những người của Việt Nam Cộng hòa và của cả những người do Việt Nam Dân chủ cộng hòa đào tạo, bồi dường nhằm một mục đích chung. Khi đó đất nước đã có một bước tiến rất xa, có thể chưa bằng Hàn Quốc, Singapo, nhưng cũng không kém mấy sự tiến triển của họ.
Trong đại chiến thế giới lần thứ hai, nước Nhật bị lôi vào cuộc và cũng trải qua chiến tranh khốc liệt, nhưng sau đó những người Nhật Bản thông minh mặc dù vẫn duy trì chế độ “Nhật hoàng” nhưng lại có dân chủ hơn bao giờ hết.  Người Nhật được cải tạo cả về thể chất lần tinh thần và họ đã sáng tạo ra một nước Nhật hiện đại về tất cả mọi mặt như bây giờ. Vậy họ có cần theo chủ nghĩa Mác-Lenin đâu, họ có lý luận Mac-xít, Lê-ninit đâu.
Cho đến những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21  mà ở Việt Nam ta vẫn “kiên trì đeo đuổi chủ nghĩa Mác Lê”. Cái chủ nghĩa này ngay ở nơi xuất xứ của nó cũng đã và đang bị bác bỏ, cho vào thùng rác của lịch sử, vậy mà ta lại cứ “tôn thờ”. Các nhà lý luận của ta thêm vài ba chữ vào cái đuôi như ” vận dụng sáng tạo”. Thật ra vẫn là con đường mòn, thậm chí là con đường lạc hậu, không có ánh sáng cuối con đường. Đã đến lúc, Việt Nam ta nên giũ bỏ tất cả các chủ thuyết không phải là của mình. Từ thực tiễn cách mạng, từ truyền thống vẻ vang của lịch sử đất nước mình, con người mình, văn hóa mình mà xây dựng thành “lý luận” phát triển của chính mình, không lệ thuộc, không “giáo diều” bất kỳ một loại “lý luận” lai căng nào khác.
Ngay cả chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không nhận cụ là “nhà tư tưởng” nhà lý luận nào cả. Chính cụ là một nhà cách mạng có tâm huyết tràn đầy thực tiễn và lý luận Việt Nam. Tính dân tộc Việt của Cụ thể hiện rất rõ trong mọi mặt đời sống và hoạt động của Cụ. Tiếc rằng, ngay cả những người hăng hái tổ chức cuộc vận động “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng chẳng học được chút nào đạo đức của Cụ.  Nếu toàn đảng  thực sự học được và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh thì chắc chắn không có “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về chính trị tư tưởng lối sống” như chính Nghị quyết của Đảng đã khẳng định.
Khi sắp kết thúc bài viết này được tin Hội nghị lần thứ 7 của BCH trung ương Đảng đang họp. Những thông tin về hội nghị mặc dù chưa được các truyền thông của Đảng và Nhà nước đưa tin, nhưng chúng tôi theo dõi nhiều nguồn. Thú thực tôi có cảm
giác đây là một cuộc họp của “Đảng ủy xã, phường” mà thôi vì nội dung vừa hời hợt vừa tham lam.  Kết cục là chưa giải quyết được gì trên tầm chiến lược, trên tầm vĩ mô, nhằm hướng tới một đất nước dân chủ, tự do, kỷ cương và đạo đức mới !
Tác giả gửi cho Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào: