Pages

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

'Chênh giá vàng là có lợi cho dân'



Thống đốc Nguyễn Văn Bình chịu nhiều chỉ trích vì sự thiếu nhất quán trong chính sách quản lý vàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình giải thích việc chênh lệch giá vàng là có lợi cho Nhà nước, cho nhân dân.
Thông điệp được ông Bình đưa ra trong buổi phỏng vấn với chương trình trên sóng VTV tối ngày 5/5 trong bối cảnh dư luận tỏ ra bất đồng trước cách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước với giá vàng nước ngoài.

Cơ chế thị trường?


"Để có một thị trường lành mạnh thì cần có một cơ chế chính sách ... đảm bảo giá cả thị trường không bị thao túng, không bị lũng đoạn ... giá cả do lực lượng thị trường quyết định."
Trả lời trước câu hỏi về chính sách gây nhiều tranh cãi của Ngân hàng Nhà nước "chỉ bình ổn thị trường, không bình ổn giá", ông Bình nói bình ổn thị trường ở đây là thuộc về chính sách chứ không phải sự khác biệt giữ giá vàng trong nước và nước ngoài.

Ông Bình cũng cho rằng đã có sự hiểu lầm vì người dân nhận thức sai về "khái niệm bình ổn giá với khái niệm về chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới."
Trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt ngày 6/5, kinh tế gia Lê Đăng Doanh bác bỏ điều mà ông Bình gọi là "cơ chế thị trường."
"Hiện nay Nhà nước thì độc quyền, số lượng người mua thì hạn chế. Tôi không biết đó là cái loại thị trường thế nào?"

Không thể cho liên thông

"Hiện nay Nhà nước thì độc quyền, số lượng người mua thì hạn chế. Tôi không biết đó là cái loại thị trường thế nào?"
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh
Giải thích về vấn đề chênh lệch giá rất lớn hiện nay giữa giá vàng trong nước và nước ngoài, thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói trong Nghị định 24, mục tiêu của Nhà nước là ổn định thị trường chứ không phải rút ngắn khoảng cách giữa vàng trong nước và vàng trên thế giới.
Mặt khác, ông Bình cho rằng do thị trường ngoại hối không liên thông, nên không thể cho liên thông thị trường vàng, vốn chủ yếu là nhập khẩu nên được coi như ngoại tệ.
"Đồng tiền của Việt Nam là đồng tiền chưa chuyển đổi, do vậy chúng ta có chế độ quản lý ngoại hối."
"Nói rộng ra giữa thị trường ngoại hối trong nước và nước ngoài là không liên thông."
"Vàng về bản chất là ngoại tệ vì vàng là nhập khẩu. Nên một bên nếu thị trường ngoại hối không liên thông mà vàng lại liên thông tức là chúng ta đã để cho tỷ giá trong nước của chúng ta chao đảo theo tỷ giá thế giới."
Ông Doanh cho rằng "cần có nhiều thảo luận hơn" về tính liên thông của thị trường ngoại hối cũng như tính liên thông của thị trường vàng.
Ông cho rằng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là "gắn liền thị trường ngoại hối với thị trường vàng" với lý do là đồng tiền Việt Nam chưa chuyển đổi.
Tuy nhiên, theo ông Doanh, điều này không ngăn cản việc thiết lập một sàn vàng có tính liên thông.
"Tôi thấy có nhiều nước đồng tiền chưa chuyển đổi, nhưng sàn vàng của họ vẫn có tính liên thông nhờ được quản lý linh hoạt hơn," ông nói.

'Chênh lệch cho nhân dân'

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói sự chênh lệch giá vàng hiện nay 'thuộc về nhân dân'
Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và nước ngoài là có lợi cho người dân và chính phủ
"Vàng ... là mặt hàng tiêu tốn một lượng rất lớn ngoại tệ. Nếu như trước đây, chúng ta cho tư nhân nhập vàng hoặc người ta nhập lậu vàng thì sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là do các đối tượng kinh doanh này được hưởng."
"Nhưng đến nay, toàn bộ hoạt động kinh doanh này là do Nhà nước quản lý, là vào ngân sách Nhà nước để đầu tư lại cho nền kinh tế, cho các công trình phúc lợi xã hội."
"Trong giai đoạn hiện nay, chênh lệch giá vàng là thuộc về nhà nước, thuộc về nhân dân."
Tuy nhiên, theo ông Lê Đăng Doanh, "cho tới nay chưa thấy Bộ tài chính hay Kho bạc Nhà nước nói đã nhận được bao nhiêu từ Ngân hàng Nhà nước."
Ông Doanh cũng đặt câu hỏi "tại sao lúc đầu nói là quyền lợi của nhân dân, sau lại nói là quyền lợi của Nhà nước, lợi cho ngân sách?"
"Cũng không có điều gì đảm bảo là tiền vào ngân sách đó sẽ được đầu tư cho người dân hay vào những thứ khác," ông nói.

Không có nhận xét nào: